Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) được giao làm đầu mối tích hợp hai đề án phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM của Đại học Fulbright và Công ty Liên Thái Bình Dương (IPPG). Sáng 25/2, HFIC đã công bố dự thảo lần một.
Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc HFIC cho biết dự thảo đã kết hợp những tinh túy trong đề án của hai phía và đóng góp thêm của các chuyên gia, được xây dựng thành 6 phần, 7 phụ lục.
Đề án nhấn mạnh mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM gồm 3 cấu phần: thị trường tiền tệ & hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; và thị trường hàng hóa phái sinh.
Để triển khai, thành phố xây dựng 4 chương trình hành động cụ thể gồm: phát triển Fintech, ngân hàng số và giao dịch tài chính số; hội nhập khu vực cho trung tâm tài chính; phát triển Khu tài chính - Thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa.
Trong các chương trình này, đáng chú ý là đề xuất cho phép hình thành ngân hàng số 100%, độc lập và thành lập Sở giao dịch hàng hóa phái sinh. Riêng khu Thủ Thiêm đang đặt vấn đề lựa chọn mô hình thu hút đầu tư trong 4 phương án: đấu giá đất, đấu thầu dự án, hợp tác công tư hoặc chọn nhà đầu tư chiến lược.
Về lộ trình, TP HCM dự định triển khai 3 bước gồm: củng cố vị thế trung tâm tài chính quốc gia (giai đoạn 2021-2025); phát triển thành trung tâm tài chính khu vực (2026-2030) và trở thành trung tâm tài chính quốc tế từ 2030. Đề án đặt mục tiêu vào nhóm Top 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới năm 2030 và vào Top 20 năm 2045 theo bảng xếp hạng tiêu chuẩn của GFCI (The Global Financial Centres Index) của Z/YenPartners (Anh) và China Development Institute (Trung Quốc).
Như vậy, phiên bản đầu tiên của đề án được kết hợp chưa nhấn mạnh mảng phát triển các dịch vụ giải trí, cá cược, bán hàng miễn thuế.
Tại hội thảo công bố dự thảo sáng 25/2, một vài chuyên gia cho rằng không xây dựng casino trong giai đoạn đầu. "Tôi thấy nếu có casino chỉ là bổ sung khi đã thành trung tâm tài chính rồi chứ casino hay vui chơi giải trí không phải là cốt lõi. Nếu đặt vấn đề này từ đầu thì sẽ bị Quốc hội bác bỏ ngay. Nên triển khai sau khi TP HCM đã thực sự thành công là trung tâm tài chính quốc tế", ông Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói.
GS. TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng việc xây dựng dịch vụ hỗ trợ như casino, trường đua chỉ tính đến khi đã hình thành xong trung tâm tài chính. Theo ông, các dịch vụ hỗ trợ trước hết cần đầu tư để thu hút chuyên gia là các trường học, bệnh viện đẳng cấp quốc tế.
Còn theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Liên Thái Bình Dương (IPPG), đề án của công ty vẫn nhấn mạnh là trọng tâm phát triển hoạt động ngân hàng, ngoại hối, chứng khoán, môi giới, bảo hiểm. Nhưng công ty đề xuất cho phép các đầu tư dịch vụ hỗ trợ (casino, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, bán hàng miễn thuế...) tại một khu vực riêng để tạo sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tài chính.
"Lộ trình sẽ khả thi nếu thoả được hai điều kiện là có quyết tâm chính trị và vai trò của nhà đầu tư chiến lược có tiếng vang để làm đại bàng đầu đàn. Các nhà đầu tư đã chờ từ 2016 nên nếu chậm thì chúng ta mất cơ hội", bà Thủy Tiên nói.
Ông Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tương Chính phủ đồng ý với phương án phát triển từng bước vững chắc của Fulbright nhưng đề nghị vẫn nên có những đột phá chính sách. Thiết kế đề án của IPPG thì ông cho rằng mang tính đột phá ngay nhưng với các nhìn và quan điểm của Nghị quyết Đại hội XIII thì nên phát triển dần.
Với dự thảo lần 1 đã công bố, nhiều chuyên gia đề nghị đề án cần làm rõ hơn nữa các đột phá chính sách thay vì hạ tầng. Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng, lưu ý đề án liệt kê rõ đề án so với các luật hiện thế nào, có cần sửa đổi gì. Nếu chưa sửa luật thì cần nghị quyết của quốc hội để thí điểm ra sao.
Ông lưu ý thêm, đặt tư duy vào bối cảnh AI, Big Data thì việc xây dựng một khu hạ tầng đồ sộ cần cân nhắc, thay vào đó là lập lộ trình hỗ trợ cho những hạt giống sẵn có như các Fintech. "Những vấn đề về tài chính kết hợp với công nghệ thì sẽ có đột phát rất mạnh", ông nói.
Ông Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng vấn đề không phải xây Thủ Thiêm cao bao nhiêu mà trung tâm tài chính là trung tâm chứa đựng những quy phạm pháp luật mới về tài chính. Theo ông, cần sửa lại các luật lệ về tài chính.
"Trung tâm tài chính suy cho cùng là thể chế tài chính và hàng hóa. Không có được những điều này thì không thành trung tâm tài chính", ông Phước nói. Theo ông, nên học cách làm của Singapore là chọn trong rổ dịch vụ, sản phẩm của một trung tâm tài chính xem những sản phẩm nào Việt Nam có thể làm hay cạnh tranh được. Sau đó, đối chiếu với hệ thống luật hiện hành xem có phù hợp hay cần sửa luật không thì triển khai.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Thành viên soạn thảo đề án của Đại học Fulbright cho biết các chuyên gia nước ngoài đánh giá ít nhất đến 2030, Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực, kinh nghiệm tự do hóa tài chính mạnh mẽ. Do vậy, họ mới chia đề án làm 3 giai đoạn và đã được HFIC tiếp thu.
"Chúng ta có thế mạnh Fintech và ngân hàng số thì đưa nó thành một phần quan trọng. Chúng ta cần mạnh dạn thúc đẩy mô hình tập đoàn tài chính nhưng theo mô hình công ty mẹ - con. TP HCM cũng có lợi thế hình thành thị trường hàng hóa phát sinh vì nằm gần Đông Nam Bộ, là trung tâm logistics", ông Thành giải thích.
Ông Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM khuyến nghị ban soạn thảo nên làm rõ quan điểm bước đi chậm mà chắc nhưng nên là các cấu phần như tự do hoá dòng vốn, khả năng chuyển đổi VND. Trong khi đó, cần có bước nhảy vọt về công nghệ, đổi mới sáng tạo, sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế. Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng nên ban hành một luật riêng về ngân hàng số hơn là đi theo hướng sửa đổi các luật lệ hiện nay.
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, sau khi tiếp thu thêm ý kiến chuyên gia, thành phố sẽ xong đề án trong tháng 3 và dự kiến gửi Ngân hàng Nhà Nước và các bộ như Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch & Đầu tư... vào tháng 4 để tham vấn ý kiến và hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.
Viễn Thông