Nội dung này được Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá nêu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo giá, sáng 25/2.
Theo Phó thủ tướng, năm 2022 diễn biến phức tạp khi các loại hàng hoá, dịch vụ, nguyên vật liệu đầu vào đều có xu hướng tăng khi các nước phục hồi kinh tế và những bất ổn địa chính trị, Nga - Ukraine...
Dịch bệnh vừa qua diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng liên quan tới phòng, chống dịch như kit test nhanh Covid-19 tăng giá, khan hiếm. Bình quân giá kit test nhanh Covid-19 tăng giá 15-20% so với thời điểm trước Tết nguyên đán.
Hiện các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch đã được bổ sung vào danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá. Tuần trước, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Tài chính nguyên cứu, đưa kit test và các mặt hàng, thiết bị, vật tư y tế phòng, chống Covid-19 vào diện bình ổn giá.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần tiến hành khẩn trương hơn, có các giải pháp đảm bảo đầy đủ nguồn cung và có biện pháp quản lý, bình ổn giá mặt hàng này.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu sớm xây dựng kịch bản điều hành khi giá dầu vượt 100 USD một thùng.
Bộ Tài chính đã xây dựng 3 kịch bản điều hành giá quý II và 10 tháng còn lại năm 2022. Tuy nhiên, Phó thủ tướng nhận xét, các kịch bản này đều dựa trên kịch bản giá dầu thô dưới 100 USD một thùng, trong khi hiện đã vượt ngưỡng này. Ông Khái yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản điều hành giá để "lường trước tình huống xấu hơn, có giải pháp ứng phó phù hợp".
Ông dẫn số liệu cho thấy, việc giá dầu thô tăng cao khiến giá thành phẩm mặt hàng này tăng 15-21% trong 10 ngày qua (11/2-21/2), và ảnh hưởng tới giá bán lẻ trong nước.
Tuy nhiên, xu hướng tăng của giá dầu thô vẫn chưa dừng lại khi những bất ổn địa chính trị, nhất là tình hình Nga - Ukraine đang căng thẳng. Giá thành phẩm xăng dầu thế giới tăng 15,45-20,88% nhưng giá bán lẻ trong nước chỉ tăng 9,6-14%, theo lãnh đạo Chính phủ, điều này cho thấy việc điều hành linh hoạt và giá trong nước tăng ở mức độ "chịu đựng được", thấp hơn các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, giá thấp hơn một số nước láng giềng sẽ dẫn tới tình trạng buôn lậu. Do đó, ông đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng thẩm lậu qua biên giới.
Lãnh đạo Chính phủ giao liên Bộ Công Thương - Tài chính theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, đảm bảo cân đối cung cầu, không để thiếu hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
"Cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, nền kinh tế", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thêm xăng dầu để có thêm nguồn cung cho thị trường nội địa, nhưng "ở mức hợp lý, tiết kiệm ngoại tệ, bảo đảm nhu cầu trong nước".
Trước xu hướng đi lên của giá nhiên liệu gây áp lực lạm phát, lãnh đạo Chính phủ lưu ý, các bộ, ngành theo dõi quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, thực phẩm, vật liệu xây dựng, phân bón... để có giải pháp kịp thời, tránh tác động cộng hưởng tới điều hành giá thời gian tới.
"Các báo cáo triển vọng kinh tế tháng 1 đều cho thấy lạm phát tại các thị trường mới nổi tăng gần 6%. Việt Nam là nền kinh tế mở, chịu tác động mạnh và áp lực lớn trong điều hành, kìm giữ lạm phát", Phó thủ tướng nói.
Anh Minh