Nga đang được Trung Quốc "bảo kê"?
Hôm 24/2, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Vladimir Putin cho quân xâm lược Ukraine, chính phủ Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu.
Các biện pháp trên không bao gồm hạn chế đối với các giao dịch mua dầu thô và khí đốt của Nga - hai động lực quan trọng cho nền kinh tế địa phương.
Không lâu sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo hoạt động thương mại của đất nước tỷ dân với Nga và Ukraine vẫn sẽ "bình thường" và từ chối gọi việc động binh của Điện Kremlin là một "cuộc xâm lược".
Cùng lúc, cơ quan hải quan của Trung Quốc đã dỡ toàn bộ các lệnh cấm nhập khẩu lúa mì của Nga, cho thấy mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang được thắt chặt sau khi phương Tây trừng phạt Nga.
Phát biểu tại thủ đô bắc Kinh, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay: "Trung Quốc và Nga là hai đối tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc và Ukraine là các đối tác thân thiện".
"Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục giao lưu thương mại với hai nước, trên cơ sở Năm nguyên tắc chung sống hòa bình của Bắc Kinh [đối với quan hệ quốc tế] và trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa các bên. Tất nhiều, điều này bao gồm hợp tác về năng lượng", bà Hoa nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Hoa còn lên tiếng chỉ trích việc Mỹ hỗ trợ quân sự cho Ukraine và nhận định Nga không cần sự trợ giúp từ Bắc Kinh hay bất kỳ nước nào khác.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và Ukraine. Cả hai nước Đông Âu đều là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc - một dự án để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu.
Năm ngoái, giao thương giữa Trung Quốc và Nga đạt mức kỷ lục 146,9 tỷ USD, cao hơn 35,8% so với năm trước, theo cơ quan hải quan Trung Quốc. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga cũng vượt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD.
Từ con số kim ngạch hiện tại, hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và Nga phải tăng thêm 37% để hoàn thành mục tiêu 200 tỷ USD năm 2024 của hai nước, theo CNBC.
Cũng năm ngoái, giao thương giữa Trung Quốc và Ukraine tăng khoảng 29,7% lên 19,31 tỷ USD, cũng là một mức cao kỷ lục. Tỷ lệ giữa kim ngạch xuất và nhập khẩu khá đồng đều.
Trung Quốc không thể bù tổn thất cho Nga?
Tỷ trọng của Trung Quốc và Nga trong nền kinh tế toàn cầu dĩ nhiên thấp hơn nhiều so với nhóm G7 của Mỹ và Đức. Do đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định Trung Quốc "không thể bù đắp" tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo dữ liệu từ World Bank, tính đến năm 2020, Trung Quốc chiếm khoảng 17,3% GDP toàn cầu, Nga chiếm 1,7%, trong khi nhóm G7 đóng góp khoảng 45,8% tổng sản lượng kinh tế chung.
Ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận Hinrich Foundation, cho hay: "Việc Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh hạn chế đối với nhập khẩu lúa mì và lúa mạch của Nga rõ ràng là nhằm bù đắp tác động của các lệnh trừng phạt.
Song, chúng ta cần phải chờ xem liệu động thái của Trung Quốc chỉ mang tính tượng trưng hay sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Nga".
"Khả năng 'gánh team' của Trung Quốc phụ thuộc vào quy mô và phạm vi của các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh phối hợp ban hành. Ở thời điểm này, phương Tây vẫn chưa đưa ra hết các quân cờ để chừa không gian siết chặt trừng phạt trong tương lai, nếu cần", ông Olson nhấn mạnh.
Hiện tại, Mỹ vẫn chưa cấm Nga tham gia hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Trong kịch bản Nga bị loại khỏi SWIFT, các tổ chức tài chính tại nước này gần như không thể gửi hoặc nhận tiền đến/từ nước ngoài.
Doanh nghiệp trong nước và khách hàng quốc tế, đặc biệt là những người mua bán dầu khí của Nga bằng đồng USD, sẽ chịu tổn thất nặng nề. Chỉ riêng tiền bán dầu mỏ và khí đốt tương đương 40% ngân sách chính phủ Nga.