Đặc phái viên John Kerry chia sẻ với sinh viên Đại học Fulbright và khách mời các vấn đề liên quan chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cam kết bỏ nhiệt điện than mà Việt Nam nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 vào tháng 11 năm ngoái là một trong những vấn đề được bàn luận trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Kerry.
Trong cuộc giao lưu với sinh viên và họp báo ngắn tại Đại học Fulbright (quận 7, TP.HCM) chiều 25-2, đặc phái viên John Kerry nhận xét Việt Nam có nhiều lợi thế về năng lượng gió, mặt trời cũng như các mỏ khí đốt.
Theo ông, đây là những cơ sở để Việt Nam có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, dần chuyển đổi thành một nền kinh tế sử dụng năng lượng xanh và có thể tái tạo.
Một nền kinh tế không thể được xem là nền kinh tế xanh - sạch nếu việc đốt than để tạo ra điện vẫn tiếp diễn song song với các nỗ lực giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
"Không một quốc gia nào có thể giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu một mình. Cả thế giới cần chung tay và tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể trở thành một trong những nước lãnh đạo phong trào này, bằng cách trở thành một minh chứng cho việc chuyển đổi sử dụng năng lượng ra sao", ông Kerry chia sẻ.
Về các cuộc trao đổi với lãnh đạo Việt Nam trong mấy ngày qua, ông Kerry mô tả chất lượng thảo luận rất tốt và hy vọng sẽ có thể sớm công bố một số thỏa thuận giữa hai bên.
Khi được hỏi về những cam kết của Mỹ, ông Kerry cho biết phía Mỹ sẵn sàng thảo luận với Việt Nam các cam kết, hỗ trợ công nghệ và tài chính trong chuyển đổi năng lượng.
"Ở chiều ngược lại, chúng tôi cũng muốn Việt Nam có một số quy định nhất định giúp giải phóng các khoản đầu tư cần thiết để biến những điều trên thành sự thật", ông Kerry bày tỏ.
Sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam đặt câu hỏi cho đặc phái viên Kerry chiều 25-2. Nhiều câu hỏi về việc làm thế nào để không lệ thuộc vào nhiệt điện than, vai trò của chính phủ trong hỗ trợ ngành xe điện... đã được nêu ra - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trong phần giao lưu với sinh viên, đặc phái viên của tổng thống Mỹ cũng chia sẻ Washington không cố gắng can thiệp vào cách Việt Nam sử dụng năng lượng như thế nào.
"Chúng tôi chỉ đang cố gắng thuyết phục Việt Nam ứng dụng những cách làm tốt nhất và cách tốt nhất hiện nay là không mở thêm nhà máy điện than", ông Kerry nêu quan điểm.
Đặc phái viên John Kerry đến Việt Nam ngày 22-2 và có một loạt cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh...
Trong cuộc gặp ngày 23-2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam coi vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là lĩnh vực hợp tác mang tầm chiến lược giữa hai nước, là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Mỹ tăng cường hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để giúp Việt Nam thực hiện cam kết tại COP26, tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với một số đối tác, trong đó có Mỹ.
Bà Đàm Bích Thủy, chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, trao quà lưu niệm cho ông Kerry sau buổi giao lưu chiều 25-2. Cơ sở chính của Đại học Fulbright Việt Nam đang được xây dựng tại Khu công nghệ cao của TP.HCM, hứa hẹn là khu đại học xanh và thân thiện với môi trường - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
TTO - Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry phát biểu trong lễ công bố quỹ thách thức đổi mới sáng tạo do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ ngày 23-2 tại Hà Nội.