Học sinh Trường tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM được kiểm tra thân nhiệt và rửa tay khử khuẩn trước khi vào lớp học - Ảnh: NHẬT THỊNH
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định như vậy trong báo cáo gửi Tổ công tác thực hiện nghị quyết số 30 của Quốc hội về một số vấn đề nổi lên liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 thuộc lĩnh vực phụ trách.
Theo đó, Ủy ban Pháp luật nhận định việc hướng dẫn về xét nghiệm, cách ly theo dõi sức khỏe đối với học sinh bị bệnh nền, quy trình xử lý khi có học sinh nhiễm COVID-19 ở trường học, thời gian cách ly tại nhà đối với học sinh là F1 hiện nay chưa thật rõ ràng, thống nhất.
Nhiều trường vẫn lúng túng khi có học sinh mắc COVID-19, mỗi trường xử lý một cách khác nhau, chưa thống nhất phương pháp chung.
Nếu không có phương án chuẩn bị chu đáo, để xảy ra tình trạng mỗi trường xử lý một kiểu sẽ chưa bảo đảm an toàn phòng, chống lây nhiễm dịch ở trường học, gây rủi ro cho sức khỏe học sinh và thầy cô giáo, dẫn đến phụ huynh không yên tâm, tin tưởng để cho con em đến trường. Từ đó tác động bất lợi đến thực hiện chủ trương mở cửa trường học để học sinh học tập trung trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu về mặt hàng kit xét nghiệm nhanh COVID-19 đã gia tăng đột biến trong khi chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như thuốc điều trị, kit xét nghiệm, máy đo nồng độ oxy máu,… nhằm góp phần chấm dứt tình trạng "loạn" giá các mặt hàng này và bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
TRÍCH BÁO CÁO
Cũng trong báo cáo, Ủy ban Pháp luật ghi nhận tại một số địa phương, nhiều lao động mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà đang gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian.
Cụ thể, theo quy định, việc cấp giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do trung tâm y tế cấp huyện thực hiện, trong khi các trạm y tế cấp xã chỉ cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly hoặc giấy hoàn thành điều trị COVID-19 tại nhà.
Người lao động không thể sử dụng giấy xác nhận của trạm y tế cấp xã để tiến hành các thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là vấn đề đã được nhiều địa phương phản ánh đến Bộ Y tế, đề nghị cần có hướng dẫn để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động mắc COVID-19.
Ngoài ra, hiện nay, do số lượng người mắc COVID-19 quá nhiều dẫn đến hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi đang bị quá tải, các nhân viên y tế đang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, ở một số nơi (đặc biệt là ở tỉnh, thành phố đang có số ca mắc cao như thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh), người mắc COVID-19 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đầy đủ từ y tế địa phương trong việc tư vấn về đơn thuốc, đặc biệt là trong công tác khai báo, lập danh sách các ca mắc.
Cần quy trình quản lý người tình nguyện vào hỗ trợ các khu cách ly, điều trị
Ủy ban Pháp luật nhận định việc quản lý tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 chưa thật chặt chẽ.
Theo phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng, có trường hợp giả danh sinh viên trường y để tham gia đội ngũ tình nguyện viên đến hỗ trợ khu cách ly, điều trị COVID-19 ở quận 12, TP.HCM, sau đó "hô biến" thành bác sĩ để thực hiện việc thăm khám, chữa trị, cấp phát thuốc cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại khu cách ly trong một thời gian mới bị phát hiện.
Qua sự việc, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có quy trình quản lý người tình nguyện vào hỗ trợ các khu cách ly, điều trị COVID-19 chặt chẽ hơn để công tác chăm sóc, khám, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 đạt chất lượng, hiệu quả.
TTO - Ngày 10-2, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã kiểm tra công tác chuẩn bị cho học sinh các cấp trên địa bàn Đồng Nai trở lại trường học trực tiếp.