Theo báo cáo của FiinGroup, VN-Index hiện vẫn dao động quanh mốc 1.500 điểm trong khi thanh khoản còn khá yếu trong giai đoạn 2 tháng đầu năm 2022. Mức thanh khoản bình quân của cả 3 sàn chứng khoán HOSE, HNX và UPCoM trong gần hai tháng đầu năm 2022 chỉ tương đương mức bình quân năm 2021 và bằng khoảng 80% so với bình quân của thời kỳ đỉnh cao là quý 4/2021.
Số tài khoản mở mới tăng mạnh, dòng tiền cho vay margin tăng từ 150 nghìn tỷ đồng tại 30/9/2021 lên 175 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021 và số dư tiền gửi trên thị trường của nhà đầu tư ở mức cao. Tâm lý chung của thị trường là chờ đợi, nhà đầu tư vẫn đang ngóng chờ những yếu tố tích cực để có thể “giải ngân” trong thời gian tới.
Với chủ đề “Triển vọng đầu tư năm 2022”, tọa đàm thường niên do FiinGroup tổ chức đã mang tới những nhận định và đánh giá về triển vọng đầu tư qua các kênh đầu tư cổ phiếu và bất động sản từ các chuyên gia cho các nhà đầu tư cá nhân.
Chứng khoán đã thiết lập nền giá mới
Theo đánh giá của FiinGroup, năm 2022 việc lựa chọn danh mục đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn do sự tăng trưởng bùng nổ của VN-index trong năm 2021 khiến hầu hết các cổ phiếu thuộc nhiều nhóm ngành đều đã tăng mạnh và thiết lập nền giá mới. Do đó, việc lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu nào đều cần sự suy nghĩ cẩn trọng của nhà đầu tư.
"Lưu ý, định giá của khối ngân hàng chạm vùng cao này xuất hiện không quá nhiều trong chuỗi lịch sử. Mà đa số thời gian nó nằm ở dưới. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta đang bắt đầu năm 2022 với một nền định giá không còn thấp như những năm trước nữa", bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính, FiinGroup nhấn mạnh.
Theo đó, bà Vân chia sẻ, trong nửa cuối 2021 thị trường chứng kiến những diễn biến bất thường về giá, những cổ phiếu có nền tảng cơ bản không tốt thì bất ngờ tăng trưởng mạnh và ngược lại.
Theo đó, cổ phiếu được chia thành 3 loại:
Thứ nhất, cổ phiếu có nền tảng cơ bản nhưng đang tìm động lực phát triển. Có thể kể đến loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp sữa, mặc dù tình hình kinh doanh tương đối ổn định nhưng chưa thực sự có đà để bứt phá.
Thứ hai, cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh nửa đầu năm nhưng giá lại không tăng, do triển vọng lợi nhuận kém tích cực. Khi các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng nửa đầu năm không còn nhiều thì giá sẽ tự xuống.
Thứ ba, cổ phiếu giá giảm do tăng trưởng của công ty không theo kịp với kỳ vọng của thị trường.
Chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường lại cho rằng, giá cổ phiếu thể hiện giá trị nền tảng của doanh nghiệp và các yếu tố liên quan đến thị trường. Khi nhà đầu tư nhìn từng nhóm cổ phiếu cần hiểu cá tính của loại cổ phiếu đó, hiểu cá tính của nhóm ngành mình quan tâm. Với những loại nhất định cần có hành vi ứng xử tương đương, nếu không thì rủi ro danh mục sẽ không tương xứng.
Trả lời về mối quan tâm của nhà đầu tư rằng nếu kịch bản lạm phát không kiểm soát được như kì vọng thì sẽ ảnh hưởng đến kênh cổ phiếu như thế nào, theo ông Tường, khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất 1 cách đột ngột thì chứng khoán cũng sẽ chịu ảnh hưởng, hay nói cách khác là tạo ra một cú sốc thị trường.
Tuy nhiên, trong dài hạn, lạm phát tăng sẽ làm lợi cho giá của cổ phiếu. Cổ phiếu hàng hóa chắc chắn được hưởng lợi, sau đó là nhóm cổ phiếu liên quan đến hàng hóa đầu vào. Khi giá tăng đến mức gây ra bất ổn hoặc mất cân bằng về điều kiện kinh tế, thì đó sẽ là tín hiệu xấu cho toàn bộ thị trường.
Cổ phiếu nào có khả năng bật lên trong năm 2022?
Theo bà Vân, dựa theo triển vọng về tăng trưởng lợi nhuận, nhà đầu tư có thể tham khảo giải ngân vào 3 chủ đề chính.
Thứ nhất, chủ đề phòng thủ, liên quan đến những nhóm ngành tránh được rủi ro lạm phát như ngành điện và ngành dược. Đây cũng là nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực hậu Covid-19.
Đối với ngành dược, một số doanh nghiệp đang chuẩn bị đưa thêm dây chuyền, nhà máy vào hoạt động. "Yếu tố tích cực này sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm dược phẩm không chỉ năm 2022 mà có thể giúp cái ngành này có tăng trưởng kéo dài sang đến tận năm 2023", bà Vân nói.
Thứ hai, chủ đề đầu tư công gồm nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng.
Trong đó, nhóm ngân hàng được kỳ vọng sẽ có những bước tăng trưởng tốt trong năm nay nhờ nhiều yếu tố như: tín dụng tăng trưởng do nỗ lực kích thích kinh tế của chính phủ; thu nhập từ phí của nhóm ngân hàng sẽ hồi phục trở lại khi kinh tế hồi phục; một số ngân hàng đã phải trích lập dự phòng trước thời hạn của Thông tư 01, 03 và 14 nên đến năm 2022 sẽ không phải trích lập, thậm chí còn có cơ hội là hoàn nhập trở lại.
Đối với nhóm vật liệu xây dựng, giãn cách xã hội là một yếu tố khiến tăng trưởng lợi nhuận suy giảm trong năm 2021. Khi những yếu tố bất lợi qua đi, đây là nhóm có thể nhanh chóng chuyển từ suy giảm mạnh sang tăng trưởng cao trong năm 2022.
Thứ ba, chủ đề hưởng lợi từ phục hồi hậu Covid-19 gồm ngành bán lẻ, cá nhân và thuỷ sản.
Đối với bán lẻ, triển vọng tăng trưởng năm 2022 khá phân hóa. Bởi lẽ, cơ hội sẽ có thể đến với những doanh nghiệp có lợi nhuận năm 2021 tăng trưởng thấp hơn so với trung bình ngành.
Bà Vân đưa ra nhận định "Đối với ngành hàng cá nhân, câu chuyện tăng trưởng năm 2022 sẽ xuất phát từ nền tăng trưởng thấp trong, thậm chí suy giảm trong năm 2021. Đối với ngành thủy sản, dù năm 2021 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực. Tuy nhiên nếu so với giai đoạn trước khi Covid-19 xảy ra thì mức tăng trưởng lợi nhuận hiện nay vẫn chưa thực sự hồi phục".