Người dân là F0 khai báo bệnh và xin xác nhận cách ly tại nhà ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội sáng 25-2 - Ảnh: NAM TRẦN
Hơn nữa, việc cho phép buôn bán thuốc kháng virus điều trị COVID-19 tại một số nhà thuốc ở Hà Nội và TP.HCM có điều kiện phải có đơn chỉ định của bác sĩ hoặc giấy chứng nhận đang điều trị F0 của cơ sở y tế địa phương thì việc khai báo bệnh càng trở nên quan trọng.
Khai báo đã linh hoạt hơn
Thuê trọ sống và làm việc một mình tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), anh T.H.P. cho biết mới đây anh nhiễm COVID-19 nhưng không khai báo với chính quyền và tự cách ly, điều trị tại phòng trọ vì "sợ phiền". "Nếu khai báo với phường sẽ phải lên xuống trạm y tế nhiều lần, rồi bị giăng dây ảnh hưởng đến cả khu trọ, thôi thì cứ tự điều trị", anh P. bộc bạch.
Trước những lo ngại này, bác sĩ Đinh Nho Tài - trưởng trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh - cho hay hiện nay quy trình xử lý F0 tại các hộ gia đình đã linh động hơn theo tình hình thực tế. Trạm y tế đã phối hợp với các tổ dân phố cung cấp mẫu khai báo trực tuyến đến từng người dân, khi người dân tự thực hiện xét nghiệm nhanh dương tính có thể khai dễ dàng theo bản khai báo mẫu.
"Đội ngũ nhân viên y tế luôn túc trực và cập nhật danh sách ca nhiễm qua mẫu, người dân không cần phải lên xuống trạm, quy trình xử lý linh động nhất để người bệnh an tâm trong việc điều trị tại nhà", ông Tài chia sẻ.
Theo ông Tài, sau khi người dân khai báo, trạm y tế sẽ cử nhân viên đến kiểm tra lại xét nghiệm (nếu cần thiết), đồng thời đánh giá tình trạng người bệnh, xem xét điều kiện cách ly, điều trị đối với F0. Nếu F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà thì được cách ly, điều trị tại nhà. Người bệnh có triệu chứng thì được cung cấp các túi thuốc A, B, C. Với các thành viên trong gia đình là F1, xét nghiệm để phân loại cách ly nếu gia đình chưa thực hiện.
Người dân khai báo F0, xin giấy xác nhận cách ly... tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội sáng 25-2 - Ảnh: N.TRẦN
Cẩn thận với "kẽ hở" bùng dịch
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), phần lớn ca nhiễm COVID-19 hiện nay đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ do hiệu quả của chiến dịch tiêm vắc xin vừa qua, tuy vậy tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó lường nên việc khai báo y tế khi nhiễm bệnh là cần thiết. Theo nhiều chuyên gia, tình trạng gia tăng F0 nhưng không khai báo là "kẽ hở" để dịch có thể bùng phát trở lại.
"Việc khai báo sẽ giúp người bệnh được hướng dẫn, tư vấn và điều trị phù hợp với tình hình sức khỏe, tránh việc dùng thuốc không theo chỉ dẫn, tránh việc tự ý điều trị theo các phương pháp không đúng được chia sẻ trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến diễn tiến bệnh. Đặc biệt, khi khai báo thì F0 sẽ được theo dõi sức khỏe để phòng những trường hợp chuyển nặng được điều chuyển kịp thời", ông Phu chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ông Phu, dù hiện nay Việt Nam đang thực hiện chiến lược là trạng thái bình thường mới và thích ứng an toàn với dịch bệnh nhưng vẫn cần thống kê số ca nhiễm ở từng địa phương để có thể xác định ổ dịch, tránh làm nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là khi có sự tiếp xúc xã hội nhiều như ở trường học, các cơ quan... Từ đó, ngành y tế có thể đề ra các phương án phòng và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Ngoài ra, việc khai báo cũng giúp người bệnh có được giấy chứng nhận và hưởng các chế độ nhất định. Ngược lại, nếu không khai báo mà để lây lan dịch bệnh, người vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết các trường hợp nhiễm COVID-19 bắt buộc phải khai báo với địa phương, để từ đó có hướng đúng đắn trong việc chăm sóc người bệnh cũng như công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
"Khai báo có thể giúp địa phương quản lý được ca bệnh, tùy tình trạng bệnh mà cấp thuốc hoặc kê toa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu không được cấp thuốc, F0 vẫn có quyền lợi khác như được theo dõi chăm sóc ngăn chuyển biến nặng, can thiệp kịp thời trong tình huống xấu, chuyển viện sớm", bà Mai chia sẻ.
Đồng thời, bà Mai cho rằng với trường hợp F1 sống cùng nhà với F0 cũng cần được theo dõi sức khỏe, nhất là với gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ. Dù thích ứng an toàn nhưng tình hình dịch vẫn luôn diễn biến phức tạp, việc khai báo bệnh còn giúp ngành y tế có các biện pháp ứng phó kịp thời, tránh gây quá tải, áp lực lên y tế.
Quy trình tiếp nhận và xử lý F0 tại cộng đồng - Dữ liệu: CẨM NƯƠNG - Đồ họa: T.ĐẠT
Hãy sử dụng quyền và trách nhiệm khai báo bệnh
Bà Trần Thị Huê - chủ tịch UBND phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM - cho biết đối với những gia đình nhiễm COVID-19 thì trước hết sẽ được quan tâm giúp đỡ của chính quyền, tổ COVID-19 cộng đồng để yên tâm chữa bệnh.
"Những gia đình gặp khó khăn trong thời gian cách ly do nhiễm bệnh phường sẽ vận động khu phố, tổ dân phố hỗ trợ thêm các túi an sinh hoặc hỗ trợ việc khám chữa bệnh, cấp phát thuốc. Tổ dân phố luôn đồng hành và theo sát các hộ dân để chia sẻ, tương trợ kịp thời những khó khăn của người bệnh", bà Huê chia sẻ.
Ngoài ra, với các chế độ hỗ trợ do Nhà nước quy định, bà Huê cho hay phường luôn chủ động cập nhật danh sách số ca nhiễm từ trạm y tế trình lên UBND quận để chi hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, hiện còn nhiều trường hợp người mắc COVID-19 (F0) không khai báo mà tự điều trị tại nhà. Điều này đang gây khó cho các đơn vị, địa phương trong công tác giám sát, quản lý và tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh khi rác thải của những F0 này không được lực lượng chức năng xử lý theo quy trình.
Hiện nay, tỉ lệ F0 điều trị tại nhà ở Đà Nẵng đã hơn 95%, ngành y tế TP Đà Nẵng cũng đã tăng cường nhân lực cho tuyến y tế cơ sở. Các trường hợp điều trị tại nhà được các địa phương phân chia thành hai nhóm, gồm nhóm có nguy cơ và không có nguy cơ. Đối với nhóm có nguy cơ, lực lượng y tế địa phương có nhiệm vụ theo sát để hỗ trợ về chuyên môn, tránh để bệnh nhân chuyển nặng.
Theo nghị quyết số 68 và quyết định số 23 của Chính phủ, người điều trị nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng chống COVID-19 (F1) tại khu cách ly hoặc tại nhà sẽ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày. Riêng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế (F1), được hỗ trợ thêm một lần 1.000.000 đồng/người.
Hồ sơ để xét nhận hỗ trợ bao gồm: quyết định của cơ quan có thẩm quyền về cách ly y tế tại nhà; giấy hoàn thành việc cách ly; bản sao một trong các giấy tờ sau: giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, CMND, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế...
Trường hợp được chẩn đoán xác định mắc COVID-19, chi phí điều trị sẽ do ngân sách nhà nước chi trả. Nếu bệnh nhân mắc các bệnh khác, việc điều trị sẽ được quỹ BHYT thanh toán, xuất trình thẻ BHYT trước khi ra viện.
Nếu khám chữa bệnh mà chưa được hưởng chế độ BHYT do đang cách ly theo dõi, sau đợt điều trị bệnh nhân có thể đem hồ sơ minh chứng cần thiết đến cơ quan BHXH nơi sinh sống để được thanh toán trực tiếp.
Ngoài ra, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam còn có thêm các khoản chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động là ca F0 lên đến 3 triệu đồng/người. Người lao động có đóng BHXH nhiễm COVID-19 phải nghỉ việc, nếu có giấy xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo điều 25 của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Trong chiều ngược lại, theo quyết định 219 của Bộ Y tế, COVID-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Nếu phát hiện bản thân hoặc người khác có triệu chứng mắc bệnh mà không kịp thời khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.
F0 phải được tiếp cận với dịch vụ y tế
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-2, một chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng thời gian qua đã có những ý kiến cho rằng hiện số ca mới rất lớn, không cần đếm ca nhẹ nữa. Tuy vậy, việc F0 khai báo trên hệ thống là vẫn nên thực hiện và có lợi nhiều thứ. Số mắc mới là 1 trong 8 chỉ số đánh giá tình hình dịch, đánh giá cấp độ dịch.
Trong tình hình số mắc mới tăng cao, người dân cần khai báo để được nhận các chính sách về thuốc, về bảo hiểm, ngày nghỉ... "Tôi được biết Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, làm sao để mỗi người dân tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất ở tuyến cơ sở.
Khi số mắc mới tăng, tuyến cơ sở có khó khăn về nhân lực, đường dây nóng quá tải... thì đề nghị gọi cứu viện. Như bài toán khi Hà Nội cần xét nghiệm, cần tiêm vắc xin thì có sự hỗ trợ của các địa phương khác, không chỗ này thì chỗ khác, không để người dân không được hỗ trợ y tế. Muốn vậy phải biết số ca nhiễm mới", chuyên gia này nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng hiện nhiều xã phường đang gặp khó với việc F0 tăng cao. "Nếu quá tải thì báo cáo lên quận huyện, quận huyện quá tải báo cáo lên tỉnh, TP để điều quân, điều thuốc. Phải tạo thuận lợi cho người dân khai báo để hưởng chế độ chính sách và thuốc", chuyên gia này nói.
TTO - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho hay tình trạng xếp hàng dài xét nghiệm ở các trạm y tế trên địa bàn quận do F0 tăng nhanh trong khi nhân lực y tế vẫn giữ nguyên, thậm chí còn giảm do đội ngũ này cũng nhiều người là F0.
Xem thêm: mth.50754312062202202-oab-iahk-gnohk-0f-ut-hcid-gnub-oh-ek-oab-hnac/nv.ertiout