Giao lưu của các y bác sĩ, nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch - Ảnh: KIM ÚT
"Họ đã làm việc rất tận tụy hết lòng"
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM - bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với ngành y tế cả nước. Trước bối cảnh sức khỏe và tính mạng của người dân bị đe dọa vô cùng nguy cấp, hệ thống chính trị cùng nhân dân nỗ lực quyết tâm chung sức đồng lòng để vượt qua đại dịch. Chính lúc này, toàn ngành y tế trở thành lực lượng chủ yếu, dũng cảm xông pha nơi tuyến đầu chống dịch.
"Nhiều người đã gửi lại người thân yêu của mình để xung phong vào tâm dịch. Bất chấp mọi rủi ro, nguy cơ nhiễm. Có người không thể về chịu tang cha mẹ mình, gác lại ngày đám cưới…Nhiều người bị nhiễm bệnh, sau khi qua khỏi không nỡ rời bỏ bệnh nhân đã xin ở lại cùng anh em tiếp tục chiến đấu. Họ đã làm việc rất tận tụy hết lòng. Lịch sử TP.HCM sẽ mãi mãi khắc ghi, tưởng nhớ" - ông Nên nói.
Có mặt giao lưu tại buổi lễ, bác sĩ Hoàng Văn Cường - giám đốc Trung tâm y tế quận 8 - cho biết giai đoạn cao điểm, số cuộc gọi cấp cứu mỗi đêm lên đến 100-200 cuộc, các y bác sĩ chỉ nghỉ ngơi được khoảng 1-2h.
"Vì bệnh COVID-19 hay chuyển nặng lúc gần sáng nên người dân thường gọi cấp cứu từ 1-5h. Có thời điểm người quen gọi tôi không bắt máy mà chỉ nghe những số lạ để kịp thời tiếp nhận bệnh nhân" - bác sĩ Cường nói.
Bí thư Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: KIM ÚT
Trong những ngày cuối tháng 6-2021, bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Trường - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - được chỉ đạo tiếp nhận và đưa Bệnh viện dã chiến số 1 vào hoạt động. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ chỉ có 36 giờ để tổ chức và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
"Khi bệnh viện bắt đầu tiếp nhận bệnh, ngay lập tức đã có rất nhiều đoàn xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới. Tất cả chúng tôi đều làm việc từ 17h đến 5h sáng để tiếp nhận thu dung các bệnh nhân. Nhìn sự lăn xả của các đồng nghiệp mà tôi nghẹn lòng, nhiều khi muốn bật khóc nhưng tôi cố kìm nén cảm xúc của mình để động viên anh em" - bác sĩ Trường xúc động kể.
Bí thư Nguyễn Văn Nên trao cờ thi đua chính phủ cho hai tập thể: Bệnh viện Hùng Vương (nhóm bác sĩ bên phải) và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - Ảnh: KIM ÚT
Tổ chức hệ thống y tế gần dân hơn
Theo ông Nên, sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước đặt làm nhiệm vụ trọng yếu. Những năm qua, TP từng bước xây dựng hệ thống y tế theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Công tác y tế liên tục gặt hái được nhiều thành công trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát đã bộc lộ một số khiếm khuyết. Vì vậy, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư hiệu quả và chất lượng hơn đối với ngành y.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay một bài học sâu sắc trong phòng chống dịch là tổ chức hệ thống y tế gần dân hơn, thông minh hơn. Vừa phổ cập chuyên sâu vừa nâng cao khả năng nghiên cứu, dự báo dịch bệnh đi đôi với dịch vụ y tế từ xa cho người dân. Chăm lo phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.
"Bảo đảm cho công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế không chỉ đảm bảo cho công tác sức khỏe của nhân dân TP mà còn tính toán cho cả vùng, các khu vực phía Nam" - ông Nên nói.
Tại buổi lễ, lãnh đạo TP.HCM đã trao tặng huân chương lao động cho 9 tập thể và 9 cá nhân, cờ thi đua chính phủ cho 2 tập thể, bằng khen cho 21 tập thể và 108 cá nhân.
Bí thư Thành ủy trao huân chương lao động cho các cá nhân - Ảnh: KIM ÚT
Bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch HĐND TP.HCM, trao bằng khen cho các cá nhân - Ảnh: KIM ÚT
TTO - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết hiện các lực lượng chức năng của TP.HCM đang khoanh vùng, truy vết thần tốc liên quan đến chùm ca nhiễm COVID-19 thuộc biến chủng Omicron để ngăn chặn lây nhiễm cộng đồng.