Đắk Nông - Thời điểm từ tháng 2 trở đi, là mùa mà nhiều loại cây trồng ở tỉnh Đắk Nông thi nhau đua nở hoa. Thế nên, đây cũng là thời điểm mà chủ nhân của hàng triệu con ong ở các tỉnh thành trên cả nước di cư đến đây để lấy mật.
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tháng 2 hàng năm, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông luôn có hàng trăm người nuôi ong từ trong Nam, ngoài Bắc vận chuyển tổ ong đến Đắk Nông để khai thác mật hoa điều, hoa cà phê...
Chia sẻ về việc này, nhiều người nuôi ong cho biết, thời tiết ở Đắk Nông ôn hòa nên các loại cây trồng có diện tích lớn như điều, cà phê... cho chất lượng phấn hoa tốt. Khi đó, người nuôi ong sẽ thu được năng suất và chất lượng mật ong cao hơn ở các địa phương khác.
Có thâm niên hơn 10 năm trong nghề khai thác ong mật, anh Nguyễn Phước Thiện, ở tỉnh Bình Định không quản đường xá xa xôi đã đưa gần 400 thùng ong đến tỉnh Đắk Nông chăm nuôi. Theo anh Thiện, nghề nuôi ong vất vả ở chỗ phiêu du nay đây, mai đó, tìm những địa phương có nhiều hoa thì hiệu quả mới cao.
Trước khi chọn vị trí cho đàn ong cư ngụ, người nuôi ong phải lăn lội, tìm những vị trí thuận lợi rồi mới quyết định dừng chân, hạ lán trại ăn ở với đàn ong khoảng 2 tháng trời ròng rã. Nhiều năm qua, Đắk Nông là điểm dừng chân quen thuộc để anh khai thác mật hoa hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
"Với những người nuôi ong như chúng tôi, mỗi năm có 3 - 4 lần cho ong đi di cư theo những mùa hoa ở các vùng miền trong cả nước. Ra Tết Nguyên đán chúng tôi chọn tỉnh Đắk Nông. Đến khoảng tháng 4 thì đưa đàn ong ra các tỉnh phía Bắc khai thác mùa hoa vải, hoa nhãn... Hết niên vụ ở đây, chúng tôi lại thuê xe đưa ong về Bình Dương, Bình Phước vì những rừng cao su bắt đầu thay lá," - anh Thiện chia sẻ.
Cũng theo anh Thiện, những ngày phải ăn nằm với đàn ong ở dưới tán các loại cây trồng không khó khăn bằng thời điểm di chuyển ong đi địa phương khác. Việc di chuyển các thùng ong phải thực hiện vào ban đêm để không bị thất thoát về số lượng.
Khi tìm vị trí đặt ong không chỉ là nơi nhiều hòa mà phải kín gió để không làm ảnh hưởng đến việc đàn ong di chuyển thuận lợi để lấy mật. "Cứ mỗi đợt di cư theo những mùa hoa, sau khi trừ hết chi phí tôi ước tính thu về được khoảng 200 triệu đồng" - anh Thiện khẳng định.
Cũng giống anh Thiện, anh Nguyễn Văn Hùng, đã đưa gần 500 thùng từ Bình Phước về Đắk Nông từ những ngày trước Tết Nguyên đán và một mình ở đây trông coi số ong này gần 3 tuần nay.
Chủ nhân của đàn ong này cho biết, nghề nuôi ong rong ruổi suốt cả năm, khắp nơi, mọi chốn. Cứ chỗ nào có hoa là người nuôi ong như chúng tôi có mặt, chẳng mấy khi được ở bên gia đình, con cái. Nghề "ăn gió nằm sương" nếu thuận lợi thì có thu nhập ổn định, nếu không thì cũng chẳng đáng là bao.
Theo anh Hùng, năm nay, mọi việc thuận lợi, gần 500 thùng ong ở tỉnh Đắk Nông ước tính sẽ mang về nguồn thu nhập cho gia đình khoảng 250 triệu đồng. Sắp tới, khi Đắk Nông sẽ hết mùa hoa tôi sẽ trở về Bình phước để tiếp tục khai thác.
Chia sẻ về việc khai thác mật ong hiệu quả, anh Hùng phân tích, có những đàn ong di chuyển từ địa phương này sang nơi khác, cách nhau cả ngàn cây số. Khi bị thay đổi môi trường sống, đàn ong dễ bị bệnh. Có khi đàn ong vào lấy hoa ở những vườn cây mới phun thuốc trừ sâu cũng rất dễ chết, người nuôi sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Theo các chủ trại ong, nghề nuôi ong chỉ cần bỏ vốn đầu tư ban đầu. Những năm sau đó, người nuôi ong chỉ cần bỏ công sức thuê xe chở đàn ong phiêu du nay đây, mai đó. Tuy nhiên, để có thu nhập thì nghề nuôi ong cũng trông chờ thời tiết "mưa thuận, gió hòa" thì mọi việc mới trở nên thuận lợi.
Xem thêm: odl.9365101-aoh-aum-gnuhn-oeht-ud-ueihp-ehgn/et-hnik/nv.gnodoal