Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2, PLO đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Lê Minh Khôi- Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức COVID-19, Trưởng Phòng khoa học và đào tạo BV ĐH Y Dược TP.HCM
Được theo nghề y là hạnh phúc
.Phóng viên: Điều gì giúp anh và đồng đội trụ vững được đến ngày hôm nay khi đi qua những ngày đau thương vậy?
Bác sĩ Lê Minh Khôi. Ảnh: NGUYỄN Á
+ Bác sĩ Lê Minh Khôi: Thực ra, ai khi đối diện với sự khốc liệt đó chắc chắn cũng sẽ bị tổn thương. Những tổn thương đó, sang chấn đó có thể bây giờ chưa hiển lộ trên bề mặt nhưng có thể 6 tháng sau, một năm sau khi thành phố trở lại bình yên, có thể lúc đó những tổn thương đó mới bộc phát.
Nhưng được làm ngành y trong khoảnh khắc này, đó là hạnh phúc nhất. Bởi vì có rất nhiều người mong muốn được đóng góp, muốn được làm một điều gì đó nhưng họ không làm được. Chúng tôi may mắn có cơ duyên với ngành y, trong hoàn cảnh này có thể góp sức, cứu người được, đó là hạnh phúc.
. Anh đã chuẩn bị cho cuộc chiến khốc liệt này như thế nào?
+ Trước khi đi vào trận chiến này, tôi đã đọc và tìm hiểu rất nhiều. Có những giai đoạn khó khăn nhất, tôi không dám ra đứng ở lầu 3, lầu 4 vì sợ lỡ như một ý nghĩ trầm cảm nó đó đột khởi xuất hiện trong đầu mình, lỡ như mình chấp nhận buông xuôi, nhảy lầu chẳng hạn, thì rất nguy hiểm.
Tôi né nó. Nhưng rồi khi vào trong tôi nghĩ: Nếu ra đó mình có nhảy hay không. Tôi nói không. Không có lý do gì mình nhảy lầu chết trong giai đoạn này hết.
Trước khi đi, tôi đã xin ý kiến hai thầy: Sư Viên Minh (trụ trì chùa Bửu Long- người quy y cho bác sĩ Lê Minh Khôi-PV) và sư Minh Niệm (Tác giả cuốn sách "Hiểu từ trái tim"- PV). Sư Viên Minh nói với tôi rất nhiều nhưng đại ý rằng khi đi vào trong trận chiến này, “từ bi” là quan trọng nhất. Người học y, chữ "từ bi" sẽ nghiệm nhất trong nghề của mình. Có thể sẽ phải chấp nhận bỏ người này, cứu người khác. Việc này sau này có thể gây đau khổ cho mình vì cứu được một người nhưng mất người khác... Nhưng “từ bi” sẽ giúp chúng tôi vượt qua và bước tiếp. Về mặt tâm linh, những lúc yếu đuối nhất, lời khuyên của hai thầy là chỗ dựa để tôi dựa vào.
Những ngày tháng đau thương và tự hào
. Nhiều tháng liên tục xa nhà, anh có bị áp lực gia đình?
+ May mắn là vợ con tôi đều thông cảm. Vợ tôi cùng nghề, con tôi từ nhỏ đã quen với cảnh nửa đêm tôi mang đồ chạy vào bệnh viện. Chuyện tôi đi xa nhà mấy tháng không về, con cũng biết và thông cảm, động viên. May mắn hơn nữa, cả thầy sếp tôi đều rất ủng hộ, nâng đỡ nên tôi hầu như không có khó khăn về tâm lý.
. Còn với học trò anh thì sao? Rất nhiều bạn tình nguyện đi cùng anh từ Mặt trận phía Tây sang Trung tâm Hồi sức COVID-19 (UCICC), họ còn rất trẻ. Anh động viên và trấn định tâm lý cho học trò bằng cách nào trong những ngày tháng đau thương ấy?
+ Tôi thức cùng các bạn, nói chuyện cùng các bạn. Khi các bạn cần, tôi có mặt. Có những việc có thể động chạm tâm linh, tâm lý các bạn, các bạn chưa làm được, tôi sẽ quyết. Quyết định đó có thể ảnh hưởng tới sự sống chết của bệnh nhân, những quyết định khó khăn nhất, tôi sẽ quyết. Tôi luôn nói với các bạn rằng, các bạn cứ làm theo những kiến thức đã đào tạo. Về pháp luật, tôi đứng ra chịu trách nhiệm. Các bạn cứ làm, hãy làm tốt nhất có thể. Dĩ nhiên ở đây có rất nhiều máy, trong đó có camera, có bệnh án điện tử…
Các bệnh nhân được chăm sóc tích cực cả về tinh thần và thể trạng. Ảnh: NGUYỄN Á
Nhiều câu chuyện xúc động về học trò được bác sĩ Lê Minh Khôi trân trọng kể lại trong cuốn sách Phía Tây thành phố.
Trầm cảm thì bác sĩ ít nhiều sẽ có, bác sĩ cũng là con người thôi, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau: sức khoẻ, stress, con nhỏ mẹ đau, cha yếu, chồng vợ không thông cảm cho công việc của mình, người thân nhiễm COVID-19, con điều trị cho ba ruột, thậm chí có những bác sĩ điều dưỡng ở đây cũng có người thân mất vì COVID-19... Người thân ở nhà nhiễm COVID thì nhiều lắm. Dĩ nhiên các bạn stress chứ, thánh thần gì mà không stress được.
Có đồng nghiệp của tôi, đợt dịch thứ nhất bạn đứng vững, nhưng đợt dịch thứ tư này bùng phát bạn đứng tua đầu sóng ngọn gió “thở máy”, bệnh nhân ra đi rất nhiều. Bạn tâm sự “Không hiểu bây giờ em bị sao đó, em đi xe em chỉ muốn nhảy vào xe, em chết luôn cho rồi”. Bạn khủng hoảng. Ngay lập tức tôi giữ lại đưa em về viện.
Nhưng rồi chỉ vài ngay sau đó, bạn tâm sự: “Cảm giác đó đi qua rồi lúc đó em suy nghĩ lung tung quá. Bây giờ nếu anh đưa em về bên kia nữa em sẽ có cảm giác mình vô dụng, em sẽ trầm cảm hơn”. Tôi suy nghĩ tới lui rồi quyết định giữ bạn ở lại.
Nhiều bạn giấu gia đình lên đường vào bệnh viện dã chiến, đi 2 tháng “thầy đừng nói cho gia đình biết vì gia đình rất sợ bệnh dịch”. Bạn chỉ trở về khi đến ngày dạm ngõ,…
Nhiều người chỉ muốn nghe những con số đẹp, cứu sống được bao nhiêu người. Nhưng các bạn có biết mấy chục ngàn bô phân, bô dính nước tiểu, mấy chục ngàn cái tã dính phân, dính bẩn, dính máu...tất cả các bạn làm hết.
Trong ngành y, tử tế quan trọng nhất
.Theo anh, người theo ngành y, quan trọng nhất là điều gì?
+ Làm gì làm, đặc biệt trong ngành y, tử tế là quan trọng nhất. Hồi trước, khi đi học hay đi làm nghiên cứu sinh, quan điểm người giỏi, phải chiến thắng trong thi đấu rất dữ. Nhưng khi bước lên vị trí này, tôi chọn người có tâm. Cái tâm đó đụng vào đại dịch này thấy rất rõ.
Xuân dã chiến của các y bác sĩ, nhân viên y tế...Ảnh: FBNV
Có những người bình thường, họ nói rất hay, họ có thể làm được cái này, viết được cái kia. Đụng vào đại dịch, những người đó nhạt nhoà rất nhanh. Nhưng cũng có những người bình thường họ không nói gì nhiều, nhưng khi dịch bùng phát họ chỉ nói một câu thôi: "Máu chiến". Tức là, đã là nhân viên y tế trong mùa dịch này mà không làm, họ thấy có lỗi.
Ngày trước, tôi mất ngủ rất nhiều, rát dạ dày kinh khủng, uống thuốc không có tác dụng. Cứ nửa đêm phải dậy lấy sữa, đặt sữa vào tủ lạnh. Có lúc trào lên đau kinh khủng, phải uống sữa để dịu xuống. Nhưng từ lúc vào trận chiến này rồi, không phải dùng thuốc nữa bởi vì tôi hiểu mình đã sống hết mình.
Quan trọng nhất mình hiểu năng lực của mình, của con người có hạn. “Tận nhân lực tri thiên mệnh”- cứ làm hết mình đừng lăn tăn đến những chuyện khác may ra mới bảo vệ được mình, mới đi đường dài được.
.Tôi hỏi thật, có bao giờ anh nghĩ mình sẽ chết trong trận chiến này?
+ Trường hợp xấu nhất có lẽ là chết. Rồi tôi tự hỏi, nếu không chết, sau này mình có chết không? Nếu sống thêm 30 năm nữa mà cứ sống nhàn nhạt, không dám sống với ước mơ, không dám vào những nơi như thế này thì khác gì đã chết. Sống vậy còn có ý nghĩa gì nữa. Chết trước 30 năm mới được đi chôn thì cuộc đời này khổ qúa.
Khoảnh khắc giao thừa của gia đình Bác sĩ Lê Minh Khôi ở Mặt trận phía Nam thành phố. Ảnh: FBNV
Tôi không tin tôi chết. Nhưng lỡ như xui lắm bị chết thì cái thứ nhất tôi nói với vợ ai thương thì cưới đi, đừng để già quá, cô ấy tuổi lớn rồi. Thứ hai, đốt tro tôi để đó cũng được. Nếu không để đó được thì đi ra sông Hồng rải ít, đi về lại sông Hương rải ít, về sông Trà Bồng của tôi rải một ít và về sông Cửu Long thả xuống một ít. Coi như là tôi đã sống toàn bộ ở dải đất này. Còn mà không được nữa thì xuống sông Cần Giờ thả, coi như tôi cũng về với biển thôi. Bà xã bảo tôi nói tầm bậy tầm bạ. Nhưng tôi chỉ muốn vậy…
.Tôi được biết anh nhận học bổng của Đức chứ không đi theo chương trình 322 của Bộ Giáo dục đào tạo. Anh cũng là người đoạt giải thưởng luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất của Đức. Tại sao anh lại trở về Việt Nam khi có nhiều cơ hội ở lại, và thực tế rất nhiều người đã tìm mọi cách ở lại?
+ Là lý tưởng. Vợ tôi cũng 5 lần 7 lượt bắt tôi ở lại. Nhưng tôi nghĩ cứ đi nước ngoài học rồi ai cũng đi hết, chẳng trở về thì làm sao? Con cháu mình sau này cũng đi vậy, chẳng lẽ mình cứ lưu vong mãi vậy à?
Có những người đi nước ngoài cống hiến cho Việt Nam chứ. Nhưng tôi muốn trở về phụng sự Tổ quốc. Tôi chỉ làm những việc bình thường thôi, như trong mùa dịch này, tôi được ở bên các đồng đội của mình trong trận chiến này.