Chị Hạnh – Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, cơ quan chị yêu cầu 3 ngày nhân viên phải test một lần nên chị Hạnh thi thoảng chạy xuống nhà thuốc mua kit test. Chị mua lẻ 2 que một lần chứ không mua cả hộp vì giá đang cao quá.
Thường nhân viên nhà thuốc khi gặp chị đều mời mua các sản phẩm phòng Covid-19 như vitamin, các loại xịt họng. Thậm chí sản phẩm xịt họng siêu năng được cho là xịt ngay khi tiếp xúc với F0 thì Covid-19 không còn lối nào xâm nhập vào cơ thể. Mỗi lọ xịt họng giá 360 nghìn đồng, to hơn ngón tay. Mọi tư vấn đều chỉ nhận được cái lắc đầu của bà mẹ trẻ này.
Theo chị Hạnh chị vẫn tuân thủ phòng dịch và cố gắng bồi bổ sức khoẻ cho cả nhà bằng các thực phẩm tự nhiên hàng ngày thay vì thực phẩm chức năng.
Không riêng chị Hạnh, BS Lê Xuân Trung – BV Nhi Thanh Hoá cũng cho biết các thực phẩm chức năng tăng đề kháng phòng Covid-19 đang rất loạn. Các phụ huynh sợ Covid-19 tấn công con em mình nên ai cũng cố mua vài lọ thuốc bổ về cho con khiến các sản phẩm này thay đổi từng ngày.
TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục – Trưởng khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi trung ương cho biết không chỉ thực phẩm chức năng mà các thông tin về sử dụng thực phẩm thông thường tiêu diệt virus cũng đầy rẫy trên mạng.
Người dân đổ xô đi mua thuốc bổ. |
BS Thục cho biết nhiều người cho rằng khi dịch Covid-19 phức tạp nên cho trẻ sử dụng thực phẩm có tính kiềm cao để đẩy lùi virus như chuối, cam, chanh, bơ, tỏi, cải xoong… Điều này không chính xác.
BS Thục cho rằng tới nay, chưa có kết luận về một loại thức ăn cụ thể nào có thể diệt được virus. Thực sự mỗi loại thực phẩm đều có giá trị riêng ví dụ vitamin C có tác dụng tăng cường miễn dịch có nhiều trong hoa quả tươi như bưởi, cam, kiwi nhưng Flavonoid là chất chống oxy hóa lại có nhiều trong lá màu xanh sẫm như súp lơ, cải xanh hay vitamin E có vai trò thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch thì lại có nhiều trong rau mầm, đậu nành …
Như vậy, trẻ cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể nhận đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ cũng như hệ miễn dịch vững vàng để chống lại bệnh tật, tránh chỉ ăn một loại thức ăn hay thực phẩm nào đó gây mất cân đối trong khẩu phần ăn.
Theo bác sĩ Thục, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, với trẻ nhỏ thì duy trì cho bú mẹ . Trẻ trên 2 tuổi cần đảm bảo tối thiểu lượng sữa công thức theo lứa tuổi là 500 ml sữa/ngày. Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao (1Kcal/ml với trẻ trên 1 tuổi hoặc 0,75-0.8kcal/ml cho trẻ dưới 1 tuổi) để thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.
Nên cho trẻ ăn đúng khẩu vị trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao. Hàng ngày trẻ phải ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm).
Khi trẻ mắc Covid-19, cha mẹ theo dõi tình trạng của trẻ không cần cho trẻ em theo chế độ ăn đặc biệt, vẫn ăn bình thường nhưng cần đa dạng loại thực phẩm và chú ý bổ sung dầu mỡ và tăng cường protein giàu giá trị sinh học (thịt, cá trứng sữa, và các loại họ đậu đỗ ) trong khẩu phần ăn của trẻ.
Nếu trẻ ăn kém do sốt, ho, mệt mỏi, ngạt mũi v..v thì cha mẹ có thể chia nhỏ bữa hoặc thay thế, bổ sung thêm 1-2 bữa phụ bằng các chế phẩm sữa có mức độ năng lượng cao.
Việc ăn rau xanh, trái cây cho trẻ cũng nên ăn vừa đủ. Ví dụ như nước ép trái cây trẻ 2 – 3 tuổi chỉ uống 200 ml/ngày. Trẻ trên 4 tuổi uống 350 ml/ngày, trẻ 14 – 18 tuổi uống 2 cốc ngày không nên uống quá nhiều.
Khánh Chi
Infonet
Xem thêm: nhc.82054338072202202-91-divoc-gnohp-ert-ohc-gnahk-ed-gnat-mahp-cuht-naol/nv.zibefac