Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn thăm khám cho học sinh - Ảnh: Gia đình cung cấp
Chiều muộn, trong căn nhà của bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn - nguyên trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM - nghi ngút khói hương.
Bà Thân Ngọc Hương (63 tuổi, vợ ông) lủi thủi chuẩn bị cơm chay, bánh kẹo, trái cây dâng lên bàn thờ người chồng quá cố.
Đã hơn 6 tháng ngày người bạn đồng hành suốt 40 năm của bà đi xa.
"Người hùng" của xã Phước Lộc
Không phải đến lúc bác sĩ Nhẫn ra đi vì mắc COVID-19 trong lúc làm nhiệm vụ, người dân mới biết đến ông. Ở xã Phước Lộc, tên tuổi của ông suốt gần 40 năm qua đã gắn liền với nhiều ca cấp cứu sinh tử, ông là "bà đỡ" mát tay cho nhiều sản phụ.
Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn - trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè (thứ 4 từ phải qua) - khi còn sống, cùng chụp ảnh với các lực lượng y tế, công an, dân quân tham gia chống dịch - Ảnh: Gia đình cung cấp
Những bà Hồng, bà Đần, bà Lành... đều là "nhân chứng lịch sử", những người được bác sĩ Nhẫn tiếp sức vượt cạn thành công.
Bà Đặng Ngọc Đần, người được bác sĩ Nhẫn đỡ đẻ cách đây 28 năm, kể xã Phước Lộc ngày ấy đường sá đi lại cách trở, đêm hôm đau yếu bệnh tật hoặc sinh nở đều phải bồng bế lội nước bì bõm hoặc chèo ghe vô cùng khó khăn. Bà vẫn nhớ vị bác sĩ trẻ lúc ấy dù đêm khuya luôn có mặt và không quản ngại ra tay cứu giúp người dân.
"Ở đây không ai không biết bác sĩ Nhẫn cả, ông ấy là người rất hiền lành, hết lòng vì người bệnh, là người hùng của xã Phước Lộc", bà Đần nói.
Đợt dịch COVID-19 thứ 4, bác sĩ Nhẫn chỉ còn 4 tháng nữa là về hưu. Bà Thân Ngọc Hương nói khi chồng tham gia chống dịch, gia đình đã rất lo lắng bởi ông tuổi cao, sức cũng yếu; chưa kể ông bị cao huyết áp. Cũng bởi bệnh lý này mà ông buộc phải trì hoãn tiêm vắc xin.
"Nhưng là trạm trưởng trạm y tế, vì lương tâm nghề nghiệp, ông ấy đã không đứng ngoài cuộc, cùng với các đồng nghiệp tham gia truy vết, tổ chức cách ly người mắc COVID-19.
Vợ bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn xúc động khi nhớ về những kỷ niệm với chồng mình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Những ngày đó, ông ấy gói ghém quần áo để lên trạm trực chiến, hầu như toàn thời gian ở trạm cho đến ngày mắc bệnh qua đời", bà Hương kể và cho biết ngay cả khi mắc COVID-19 nằm điều trị trong bệnh viện, ông vẫn không quên gọi điện về cập nhật tình hình dịch bệnh tại địa phương, cố gắng chút sức lực còn lại tư vấn khi có người dân gọi điện cầu cứu.
Ông Nguyễn Võ Quốc Cao - nguyên bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc - cho hay Phước Lộc là xã nghèo, cách trở sông nước và xưa nay để cứu người không ít lần bác sĩ Nhẫn phải chèo ghe, lội nước.
"Đúng với y đức của người thầy thuốc, tôi cảm nhận anh Nhẫn là người rất có trách nhiệm. Trong đợt dịch vừa qua, dù tuổi cao, sức yếu, mắc bệnh nền và chưa được tiêm vắc xin nhưng anh ấy vẫn tự nguyện xách balô lên trạm trực chiến cùng động viên anh em chống dịch. Sự ra đi của bác sĩ Nhẫn là mất mát to lớn của người dân xã Phước Lộc", ông Cao xúc động chia sẻ.
Vợ bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, nguyên là trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM, luôn tự hào vì những gì chồng đã cống hiến cho ngành y - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cố gắng sống tốt để vợ yên lòng
Từ cuối tháng 7-2021 khi Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển đổi công năng khoa hồi sức tích cực chống độc thành khoa hồi sức COVID-19, nhiều nhân viên y tế tại đây đã "chọn bệnh viện làm nhà".
Nữ điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng cũng vậy, phải tạm xa gia đình, xa hai đứa con nhỏ đang học lớp 9 và lớp 7 để lao vào chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. Những ngày đó mẹ con chỉ gặp nhau qua những cuộc gọi căn dặn chớp nhoáng.
"Những lần gọi điện về tôi cảm nhận công việc của vợ mình rất mệt nhọc. Thức đêm thức hôm chăm sóc người bệnh nên mắt lúc nào cũng thâm quầng vì thiếu ngủ", anh Nguyễn Quốc Dũng, chồng chị Hằng, kể.
Anh Dũng kể trước đó dù công việc ở bệnh viện bận rộn và áp lực nhưng lúc nào chị cũng quán xuyến chu toàn chuyện cơm nước, học hành cho hai con. Khi anh phải đi "3 tại chỗ" ở công ty, chị kéo lại nhét vào balô thật nhiều khẩu trang và căn dặn luôn đeo để không bị lây bệnh.
Và đó là lần cuối cùng hai vợ chồng anh gặp nhau trực tiếp, chị vào bệnh viện chống dịch, sau đó thì nhiễm bệnh rồi qua đời.
Từ ngày một mình trong cảnh "gà trống nuôi con", nhiều lúc anh vừa đi làm vừa phải "ôm sô" đưa đón con đi học, lo chuyện tắm giặt, ăn uống và đốc thúc con học hành.
"Những ngày đầu, hai bé buồn lắm, nhưng theo thời gian mọi chuyện cũng dần nguôi ngoai phần nào", anh Dũng xúc động tâm sự.
Mất mát không thể bù đắp, nhưng đổi lại cha con anh cảm thấy ấm lòng khi sự hy sinh của vợ, mẹ được Nhà nước ghi nhận, các đồng nghiệp và bệnh viện cũng thường xuyên gọi điện thăm hỏi, động viên.
"Tôi đang từng ngày cố gắng vượt qua sự thiếu vắng này để nuôi dưỡng con nên người, để vợ tạm yên lòng nơi chín suối", anh chia sẻ.
Ngày 5-9-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định truy tặng Huân chương Lao động hạng ba cho bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, nguyên trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) và điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Lực lượng y tế chịu nhiều áp lực về tinh thần và thể chất
PGS.TS Phạm Thanh Bình - chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - cho biết trong suốt hai năm chống dịch vừa qua, số lượng nhân viên y tế mắc COVID-19 rất lớn, nhiều bệnh viện có đến 1/3 nhân viên là F0.
Tuy đến nay chưa có con số thống kê chính xác, nhưng ước tính cả nước có thể lên đến khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế bị mắc COVID-19.
Trong số đó có 10 nhân viên y tế là bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh và kỹ thuật viên tử vong trong quá trình tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19.
Theo bà Bình, có lẽ nhiều người dân Việt Nam đều có chung cảm nhận và công nhận sự vất vả, hy sinh quên mình của đội ngũ y tế trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19.
"Họ đã phải xa nhà, phải ở trong các khu cách ly hàng tháng trời và chịu rất nhiều áp lực về tinh thần lẫn thể chất", bà Bình chia sẻ.
Tuy vậy, điều mà bà đặc biệt trăn trở là còn nhiều cá nhân, đơn vị chưa nhận hoặc nhận rất chậm tiền hỗ trợ phòng chống dịch trong khi thu nhập bình quân của nhân viên y tế rất thấp. Đó là chưa kể họ phải gánh chịu các di chứng của bệnh tật hậu COVID-19.
"Có thể nói trong suốt hai năm qua, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác khiến ngành y tế chưa có lúc nào được ngơi nghỉ để phục hồi sức khỏe.
Có được những thành quả như ngày hôm nay, chứng tỏ lực lượng y tế trong việc tham gia chống dịch đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và xứng đáng được cộng đồng xã hội ghi nhận, cổ vũ và tôn vinh", bà Bình nhấn mạnh.
TTO - 10 thành tựu Y khoa năm 2021 được vinh danh là những chiến lược sáng tạo đúng đắn, những cống hiến 'cứu cánh' kịp thời để TP.HCM có thể thích ứng an toàn và linh hoạt trong hiện điểm hiện tại.
Xem thêm: mth.82552622262202202-gnos-coud-hneb-iougn-ohc-id-ar/nv.ertiout