Cho đến nay, các cổ phiếu hàng hóa và vận tải biển của châu Á đang nổi lên như một nơi đặt cược cho sự an toàn (giá sẽ tăng) bởi những lo ngại về tình trạng thiếu nguyên liệu do Nga là nước xuất khẩu lớn.
Các chiến lược gia của Goldman Sachs Group Inc. khuyên rằng nên chuyển hướng sang nguồn cung Australia – nơi có nhiều loại hàng hóa, và khuyến nghị nên cân nhắc kỹ tới lĩnh vực năng lượng.
Trong khi đó, cổ phiếu của các công ty có một phần doanh thu từ Nga, chẳng hạn như Japan Tobacco Inc., có nguy cơ giảm lợi nhuận. Những tác động liên hoàn dài hạn cũng sẽ phức tạp hơn, bởi chi phí cho các hàng hóa cơ bản tăng sẽ tiếp tục gây áp lực lên người tiêu dùng, khiến họ hạn chế chi tiêu. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của những công ty không có khả năng chuyển giao chi phí.
Giá dầu tăng khiến lợi nhuận của các công ty năng lượng châu Á ước tính tăng gấp đôi so với mức thấp của năm 2020.
Với quan điểm tình hình đang diễn biến rất phức tạp, những thông tin dưới đây nhằm phân tích về những thị trường Châu Á bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Hàng hóa
Giá nguyên liệu thô đồng loạt tăng sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine lên đến đỉnh điểm, với Chỉ số Hàng hóa Bloomberg tuần này chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Tại châu Á, cổ phiếu của các nhà sản xuất năng lượng và dầu mỏ tiếp tục đà tăng - bắt đầu từ năm ngoái trong bối cảnh các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch. Ví dụ: Cổ phiếu của các công ty Woodside Petroleum Ltd. và Santos Ltd đã vượt trội so với chỉ số chứng khoán trung bình Châu Á – Thái Bình Dương (MSCI Asia Pacific benchmark) – đã giảm khoảng 4% trong tuần này.
Giá dầu cọ tuần này đã tăng lên cao kỷ lục lịch sử.
Chiến lược gia của Modular Asset Management, Wai Ho Leong, cho biết: "Giá năng lượng và ngũ cốc tăng là điềm báo tốt cho các nhà xuất khẩu ròng ở châu Á như Malaysia, vốn được hưởng lợi từ giá khí đốt và dầu cọ kỷ lục".
Nga là nhà cung cấp lớn đối với nhiều nguyên liệu chủ chốt.
Vận tải
Các công ty đóng tàu và vận tải biển châu Á cũng sẵn sàng phục hồi hơn nữa khi các nước châu Âu có thể tìm kiếm các nguồn khí đốt tự nhiên vận chuyển bằng đường biển khi căng thẳng ở Đông Âu leo thang. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc các công ty đóng tàu Hàn Quốc sẽ có nhiều hợp đồng hơn, bao gồm Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. và Hyundai Heavy Industries Co., - những công ty có cổ phiếu tăng giá ít nhất 10% trong tuần này.
Trong khi đó, những công ty tiêu thụ dầu lớn như các hãng hàng không đã thấy giá cổ phiếu giảm mạnh. Đánh giá sơ bộ của Bloomberg cho thấy cổ phiếu của các hãng hàng không châu Á đã giảm hơn 5% trong tuần này, do cổ phiếu của Công ty Hàng không InterGlobe của Ấn Độ, China Eastern Airlines Corp. và Japan Airlines Co. đồng loạt giảm sâu.
Thực phẩm
Cổ phiếu của các công ty lương thực cũng có thể tăng do Ukraine và Nga chiếm hơn 1/4 thương mại lúa mì và 1/5 thương mại ngô toàn cầu.
Ông Nirgunan Tiruchelvam, người phụ trách mảng nghiên cứu cổ phiếu tiêu dùng thuộc công ty Tellimer ở Singapore, cho biết nguồn cung có khả năng bị gián đoạn đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp thực phẩm ở thị trường mới nổi sẽ thấy nhu cầu từ khách hàng của mình tăng lên.
Theo ông, cổ phiếu của các công ty như Wilmar International Ltd. và Charoen Pokphand Foods của Thái Lan, được niêm yết tại Singapore, có thể được hưởng lợi. Tuần này, cổ phiếu của 2 công ty này giảm lần lượt 5,7% và 1%.
Những doanh nghiệp của liên quan đến các công ty Nga – Ukraine
Cổ phiếu của các công ty coi Nga và Ukraine là các thị trường tiêu thụ đã lao dốc. Cổ phiếu của United Co., Rusal International có trụ sở tại Nga đã giảm 22% tại Hồng Kông trong tuần này. Theo dữ liệu của Bloomberg, công ty nhận được khoảng 1/4 doanh thu hàng năm từ Nga.
Trong số các công ty khác có tỷ lệ tương tự, Japan Tobacco và Hitachi Ltd., cổ phiếu tuần này đều giảm hơn 6%.
Nhà phân tích Nobuyoshi Miura của Citigroup Inc., cho biết Nga chiếm 7% doanh thu và 18% lợi nhuận hoạt động của Japan Tobacco trong năm 2021. Theo ông, bế tắc có thể chỉ có "tác động hạn chế" đến khối lượng bán hàng của công ty, nhưng việc đồng rúp Nga suy yếu có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Đối với nhà sản xuất sản phẩm điện tử Hitachi, nhà phân tích Bolor Enkhbaatar của Jefferies Financial Group Inc. cho rằng giá cổ phiếu của doanh nghiệp này có thể "phản ứng quá mức" do công ty này có quyền sở hữu ở một đơn vị có tên là GlobalLogic. Chi nhánh này có các trung tâm phát triển phần mềm ở Ukraine và chiếm khoảng 1% doanh thu.
Các nhà sản xuất chip
Với việc Ukraine là nhà sản xuất khí neon lớn - được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn, việc nước Anh cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga đã khiến các nhà sản xuất chip dễ bị tổn thương vào thời điểm mà sự gián đoạn do đại dịch gây ra vốn đã đè nặng lên chuỗi cung ứng chip. Cổ phiếu của lĩnh vực này đã giảm bất chấp việc Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn cho biết căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine không phải là mối đe dọa đối với nguồn cung chip.
Cổ phiếu của công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. đã giảm hơn 5% trong tuần này, trong khi của Samsung Electronics Co. giảm khoảng 3%. Trong số các nhà sản xuất thiết bị chip, cổ phiếu của Lasertec Corp. và Disco Corp. - được niêm yết tại Tokyo - lần lượt giảm khoảng 3% và 4%.
Ngân hàng
Cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong tầm ngắm của các nhà giao dịch trong bối cảnh các nước phương Tây tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga do một số người cho vay tiếp xúc với thị trường này.
Mặc dù định nghĩa về "dư nợ" khác nhau tùy theo ngân hàng, nhưng Mitsubishi UFJ Financial Group Inc., Sumitomo Mitsui Financial Group Inc. và Mizuho Financial Group Inc. của Nhật Bản, mỗi ngân hàng hiện có dư nợ khoảng 2 tỷ đến 4 tỷ USD tính đến tháng 9/2021, theo dữ liệu của các ngân hàng này.
Nobuhiko Kuramochi, chiến lược gia thị trường thuộc Mizuho Securities Co., cho biết: "Cổ phiếu ngân hàng có khả năng bị bán ra khi các nhà đầu tư ngày càng nhận thức được khả năng giảm lợi suất do nền kinh tế yếu đi, và mức dư nợ của họ với Nga".
Tham khảo: Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/02/1247653.htm