Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch cuối cùng của tháng 2 với diễn biến đầy biến động. Giá vàng thế giới và Việt Nam đều ghi nhận những phiên chao đảo khi tăng - giảm mạnh theo tình hình chính trị thế giới.
Vàng thế giới chao đảo
Giá vàng thế giới phiên cuối tuần kết thúc ở mức 1.889,7 USD/lượng. Trên biểu đồ, giá vàng khởi đầu tuần ở mức 1.895 USD/lượng và chỉ tăng nhẹ quanh vùng 1.900 USD trong 3 phiên đầu tiên. Đến phiên 24/2 (giờ Mỹ), những căng thẳng địa chính trị tại Nga và Ukraine trở thành một cuộc xung đột quân sự sau thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ mở chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020, giá vàng thế giới đã vượt mốc 1.970 USD.
Thị trường chứng khoán không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới đều giảm mạnh. Mở cửa phiên giao dịch ngày 24/2, hàng loạt chỉ số chứng khoán của thị trường châu Âu chìm trong sắc đỏ và sụt giảm nặng nề.
Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 187,5 điểm, tương đương 2,5%. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 211,26 điểm, tương đương 3,12%. Chỉ số DAX của Đức giảm 490,91 điểm, tương đương 3,36%. Đáng chú ý, chỉ số MOEX của Nga rơi tự do gần 1.400 điểm, khoảng 45%, xuống 1.690 điểm. Đây là mức thấp nhất của MOEX kể từ tháng 9/2015.
Chính trị leo thang lại khiến vàng trở thành kênh trú ấn an toàn. Tuy nhiên, kênh trú ẩn này không được lâu khi giá vàng miếng đã nhanh chóng hạ nhiệt và giảm về dưới vùng 1.900 USD.
Phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay đã giảm tiếp về mức 1.889 USD, thấp hơn 14,5 USD so với phiên liền trước. Thậm chí, so với cuối tuần trước giá mặt hàng này còn thấp hơn 10,2 USD, tương đương mức giảm ròng 0,5% trong tuần.
Các chuyên gia không phủ nhận việc vàng là một tài sản trú ẩn an toàn tốt. Tuy nhiên, sẽ rủi ro khi chơi vàng như một nơi trú ẩn an toàn trước những căng thẳng địa chính trị. Họ cũng đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư nên nhìn nhận vàng ở góc độ dài hạn thay vì tập trung vào biến động từng ngày của kim loại quý này để đưa ra những quyết định đầu tư ít rủi ro hơn.
Bên cạnh đó, việc giá vàng lao dốc trong 2 phiên cuối tuần có nguyên nhân chính từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga. Chuyên gia chiến lược toàn cầu của TD Securities - ông Bart Melek - cho biết các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây đưa ra với quốc gia đông Âu này không gay gắt như thị trường lo ngại.
Vàng trong nước "hạ nhiệt"
Trước diễn biến lao dốc nhanh của giá vàng thế giới, tại thị trường trong nước, cả vàng nhẫn và vàng miếng đều ghi nhận xu hướng hạ nhiệt trong phiên cuối tuần hôm nay.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 26/2, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 64,55-65,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 950.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 650.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, giá vàng liên tục tăng "nóng" từ sáng đầu tuần 21/2 ở ngưỡng 63 triệu đồng/lượng lên ngưỡng 67,5 triệu đồng/ượng vào chiều 24/2.
Tuy nhiên, sau khi vụt tăng lên cao chưa từng thấy trong lịch sử trước những căng thẳng Nga - Ukraine, kể từ chiều 25/2, giá vàng trong nước lại giảm mạnh đến 1,9 triệu đồng/lượng, theo xu hướng giảm của giá vàng thế giới. Hiện, mức chênh lệch với giá vàng thế giới khoảng 13 triệu đồng.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI là doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng cao nhất tuần này với mức 67,5 triệu/lượng (bán) trong phiên 24/2. Tuy vậy, khi giá vàng thế giới lao dốc, giá vàng miếng tại đây cũng nhanh chóng hạ nhiệt.
Đặt thử một phép tính, chẳng hạn nhà đầu tư mua một lượng vàng chiều 24/2 với giá 67,5 triệu đồng/lượng tại SJC thì sau đó một ngày, đã có thể chịu lỗ tới hơn 2,5 triệu đồng/lượng.
Cẩn thận "mua đỉnh, bán đáy"
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng đều ghi nhận doanh số vàng miếng có xu hướng tăng từ đầu năm, nhưng chưa ghi nhận giao dịch cao đột biến như tuần vừa rồi. Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhận định giá vàng phụ thuộc lớn vào biến động kinh tế, chính trị - xã hội.
"Đặc biệt trong thời gian vừa qua do căng thẳng giữa Nga - Ukraine nên nhà đầu tư đã hoảng hốt nên chạy khỏi các kênh đầu tư khác để đến với vàng" - ông Thịnh nhận định nguyên nhân trực tiếp khiến chứng khoán Việt Nam có thời điểm giảm tới 37 điểm còn vàng lại tăng lên đỉnh lịch sử.
Ngoài ra, PGS Đinh Trọng Thịnh đánh giá việc vàng Việt Nam cao hơn vàng thế giới từ 11-13 triệu đồng/lượng do cung - cầu về vàng trong nước nhiều nay có sự chênh lệch. Nguồn cầu lớn do người dân muốn tích trữ thay vì giao dịch tuy nhiên nguồn cung hạn chế, vàng Việt Nam chưa liên thông hoàn toàn với thế giới để chủ động mua - bán mà phải thông qua số ít đầu mối từ Ngân hàng Nhà nước mà mỗi lần đều giới hạn về khối lượng.
Về tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng cao, PGS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo người dân không nên mua vào giai đoạn này bởi theo ông, giá vàng có thể điều chỉnh xuống trong thời gian tới.
Ông cho biết từng nhận định vàng sẽ đạt mốc 1.900 USD nhưng không ngờ chỉ trong tháng 2 đã được mốc này. PGS Đinh Trọng Thịnh cho rằng từ giờ tới cuối năm, có khả năng sẽ quay lại mốc này tuy nhiên không nên mua vàng trong những phiên cao, tránh rơi vào vòng xoáy "mua đỉnh, bán đáy", mất một khoản tiền lớn.
Cùng đánh giá về vấn đề này, ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni cho rằng, giá vàng đang có khuynh hướng tăng. "Vừa rồi, vàng ở Việt Nam đã ăn theo ngày thần tài và đã lên khá cao so với giá vàng thế giới" - ông nói.
Ông cho biết thêm, khi có thêm tin chiến tranh, giá vàng Việt Nam có thời điểm lên mạnh. "Nếu chiến tranh Nga - Ukraine còn kéo dài, cộng thêm tính lo xa của người Việt thì giá vàng trong nước sẽ khó xuống tiếp" - ông nhìn nhận.
Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh, những nhà đầu tư không chuyên không nên tham gia thị trường vì sẽ chịu nhiều rủi ro. Chỉ những nhà đầu tư theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế mới có thể "lướt sóng" ngắn hạn với giá vàng thời điểm này.
"Người dân nên tỉnh táo trước những quyết định đầu tư vào vàng tại thời điểm này, cần cân nhắc, xem xét kỹ và không nên chạy theo tâm lý đám đông" - PGS Đinh Trọng Thịnh nhận định.