Học sinh tiểu học ở TP.HCM đo thân nhiệt trước khi vào lớp - Ảnh: NHƯ HÙNG
Được biết chỉ sau 2 tuần học sinh đi học trở lại, TP.HCM ghi nhận có 7.500 F0 tại 201 trường học, trong đó hơn 6.800 là học sinh, còn lại là giáo viên, nhân viên trường.
Đau đầu vì phụ huynh '9 người 10 ý'
Hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng ở quận 1, TP.HCM, kể: "Trong lớp mới xuất hiện 1 F0 là học sinh là ngay lập tức có phụ huynh chất vấn thầy giáo chủ nhiệm: Tại sao không cho lớp nghỉ ở nhà để học trực tuyến? Nếu con tôi đi học mà bị F0 thì thầy có chịu trách nhiệm không? Thầy giáo phải đưa văn bản của Bộ Y tế cho phụ huynh xem. Vậy nhưng lớp vẫn chia ra làm 2 phe: hơn 20 phụ huynh tiếp tục cho con đi học, còn hơn 10 phụ huynh báo sẽ cho con nghỉ ở nhà".
Theo một cán bộ Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM: "Bộ Y tế và UBND TP.HCM đã có văn bản quy định rằng lớp học có F0 thì vẫn tiếp tục dạy trực tiếp, chỉ trừ F0, F1 ở nhà cách ly. Tuy nhiên thực tế lại không diễn ra như vậy. Ở nhiều lớp, khi biết có học sinh nhiễm COVID-19, rất nhiều phụ huynh đã tự cho con ở nhà. Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại phản ứng với quy định trên, họ cho rằng yêu cầu F1 ở nhà cách ly 7 ngày là không cần thiết. Tóm lại là rất đau đầu".
Lý giải việc cho con ở nhà học trực tuyến, chị Tâm - phụ huynh có con học lớp 2 ở quận Tân Phú - chia sẻ: "Khi cô chủ nhiệm thông báo trong lớp có 1 học sinh dương tính với COVID-19, tôi xin cô cho con ở nhà vào ngày hôm sau mặc dù bé không phải F1. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tôi lo lắng nên muốn con mình ở nhà học trực tuyến cho an tâm. Tôi cho rằng việc học là việc cả đời, không học hôm nay thì mai học, không việc gì phải đẩy con mình đi học một cách mạo hiểm như vậy".
Tuy nhiên, chị H.T. - phụ huynh có con học lớp 1 ở quận 1 - lại suy nghĩ khác: "Tôi đã tìm kiểu kỹ thông tin về dịch bệnh cũng như những điều thiệt - hơn khi cho trẻ ở nhà học trực tuyến. Vì vậy, tôi đã chuẩn bị rất kỹ mọi thứ để con mình đến trường. Bây giờ, không thể nói vì nhiều phụ huynh đề nghị mà nhà trường cho cả lớp ở nhà học trực tuyến.
Cá nhân tôi đã yêu cầu nhà trường phải bố trí cho con tôi được học trực tiếp tại trường. Mấy tháng vừa rồi, tôi đã phải nghỉ ở nhà chăm con, bây giờ không thể nghỉ tiếp. Chưa kể con tôi còn có dấu hiệu nghiện máy tính, nghiện game và chán học, bây giờ mà học trực tuyến nữa coi như tạo điều kiện cho cháu nghiện game thực sự hay sao?".
Tình trạng phụ huynh chia làm 2 phe như trên đang khiến các nhà trường bối rối, gặp nhiều khó khăn khi tổ chức dạy học. "Một giáo viên không thể phân thân vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến cùng lúc cho 2 đối tượng học sinh. Vì thế, chúng tôi đành chọn giải pháp dung hòa: gắn máy quay trong lớp học trực tiếp để phát về cho các học sinh đang ở nhà.
Thế nhưng phụ huynh phản ánh con họ ở nhà nghe không rõ, nhìn không rõ hình ảnh và âm thanh từ máy quay trên lớp. Nhưng nhà trường cũng chưa có phương án nào khác hiệu quả hơn...", hiệu trưởng một trường trung học ở quận 12 thừa nhận.
Thầy cô phải "tăng ca" online lẫn offline
Hai học sinh trong giờ học trực tuyến ở nhà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết: "Trong tình hình như hiện nay, phụ huynh được quyền chọn lựa hình thức học tập cho con em mình sao cho phù hợp và thuận tiện với hoàn cảnh của từng gia đình. Sở cũng đã chỉ đạo các nhà trường phổ thông linh hoạt trong việc tổ chức giảng dạy: dạy trực tiếp cho những học sinh đến trường và dạy trên môi trường Internet cho những học sinh không đến trường".
Theo ghi nhận thực tế, các trường học ở TP.HCM hiện đã triển khai nhiều phương án dạy học linh hoạt cho học sinh. Tại quận 5, một số trường trung học cơ sở gửi các clip bài giảng cho học sinh F0, F1 phải cách ly tại nhà. Các clip có thể được quay ngay trong lớp học hoặc là bài giảng trực tuyến đã được chuẩn bị từ trước, sau đó giáo viên sẽ "phụ đạo" cho những học sinh học online.
Đối với tiểu học, một số thầy cô chọn cách dạy riêng cho các em học online vào buổi tối sau khi đã xong lớp offline. Cô Thanh Tâm - giáo viên tiểu học tại một trường ở quận 5 - chia sẻ: "Làm theo cách này thì giáo viên sẽ đỡ 'phân thân' khi vừa dạy online vừa dạy offline, chỉ có điều cực hơn do phải dạy online thêm buổi tối. Nhưng trong tình hình hiện tại không có cách nào khác, mình phải chịu khó một chút vì học sinh", cô Tâm nói.
Cũng có trường thầy cô dạy offline song song online: giáo viên vừa dạy trên lớp, vừa bật thiết bị ghi hình để phát trực tiếp cho học sinh ở nhà theo dõi.
"Nhưng học sinh ở nhà thường than không nhìn thấy bảng hoặc nghe không rõ, nên mình phải viết chữ thật lớn, nói thật to. Lâu lâu sợ học sinh đang học online ở nhà làm việc riêng, mình phải liên tục gọi tên nhắc chừng", thầy P. - giáo viên tại một trường tiểu học ở quận 1 - nói. "Với các học sinh lớp nhỏ, giáo viên gửi tài liệu cho phụ huynh để họ cùng thầy cô theo dõi tiến độ học của con".
Trong khi đó thầy Võ Kim Bảo - giáo viên môn ngữ văn của Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - cho biết các học sinh F0, F1 của cả khối sẽ được gom lại học chung trong lớp online và có giáo viên phụ trách riêng chứ không dạy song song "vừa on vừa off".
"Tôi mang laptop tới trường để nhiều khi hết tiết dạy trên lớp là dạy online ở trường luôn", thầy Bảo nói.
Thầy Bảo cho biết thêm dù gặp nhiều áp lực nhưng thầy và nhiều thầy cô đều xác định tinh thần phải hoàn thành bài vở cho học trò một cách trọn vẹn nhất. Đặc biệt, hễ đến lớp trực tiếp là sẽ phải chú trọng những phần kiến thức quan trọng nhất cho các em, phòng khi chỉ ngày hôm sau là các em đã phải học trực tuyến.
"Không được uổng phí một giây một phút nào khi học trò lên học trực tiếp trên lớp", thầy Bảo nói.
TTO - Hiện nay, mỗi lớp tại Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM sẽ có một tổ chống COVID-19 do học sinh tự quản nhằm theo dõi những biến động sức khỏe của học sinh trong lớp để kịp thời thông tin với giáo viên chủ nhiệm.