Trang web của Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đăng tải một bài bình luận khẳng định nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine là do sự chuyên quyền của Mỹ và tố cáo Washington không quan tâm đến yêu cầu an ninh hợp pháp của Nga, đài RT đưa tin.
Mặc dù chính quyền Bình Nhưỡng vẫn chưa chính thức lên tiếng về việc Nga tấn công Ukraine nhưng trên trang web của Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đăng một bài bình luận về vấn đề này. Có lẽ, đây chính là thông điệp công khai về thái độ của Triều Tiên đối với chiến sự ở Ukraine.
Bài bình luận của nhà nghiên cứu Ri Ji Song thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Triều Tiên hôm 26-2 viết: "Nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine cũng nằm ở chuyên quyền và tùy tiện của Mỹ".
Lính Ukraine thu nhặt những mảnh vụn của đạn pháo Nga trên đường phố thủ đô Kiev. Ảnh: AFP
Bài viết lập luận rằng Washington đã theo đuổi “quyền lực tối cao về quân sự mà không quan tâm đến yêu cầu an ninh hợp pháp của Nga”.
Chuyên gia Ri đã chỉ trích Mỹ vì hành động của Washington là không công bằng. Một mặt, Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác với danh nghĩa "hòa bình và ổn định". Mặt khác Washington lại phủ nhận lý do các quốc gia tiến hành các biện pháp tự vệ chính đáng để bảo đảm an ninh quốc gia của mình, đài NDTV cho hay.
Bài đăng còn khẳng định: “Đã qua rồi cái thời mà Mỹ có quyền lực tối cao”.
Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha Womans (Hàn Quốc) Park Won-gon bình luận bài đăng trên trang Bộ Ngoại giao Triều Tiên là một phản ứng chính thức "nhẹ nhàng" của Bình Nhưỡng vì thông điệp được công khai dưới danh tính của một cá nhân.
Trước đó, Nga đã phát động cuộc tấn công ở Ukraine vào ngày 24-2 và tuyên bố đây là lựa chọn duy nhất để tránh bị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đe dọa từ lãnh thổ Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin nói rằng mục tiêu chiến dịch là phi quân sự hóa và phi phát xít hoá Ukraine, nhưng Kiev và phương Tây cho rằng cuộc tấn công là vô cớ.
Động thái của Moscow đã khiến phương Tây phản đối mạnh mẽ và áp các lệnh trừng phạt lên Nga. Gần đây nhất là Mỹ và đồng minh đã nhất trí loại Nga khỏi hệ thống liên lạc thanh toán quốc tế SWIFT.
Về phản ứng của Trung Quốc, Bắc Kinh đã lên án Mỹ và đồng minh “thổi phồng” tình hình và “đổ thêm dầu vào lửa” ở Ukraine.
Bắc Kinh đã lên án các biện pháp trừng phạt chống lại Nga là một giải pháp không hiệu quả và kêu gọi phương Tây giải quyết những lo ngại về an ninh “hợp pháp” của Moscow trong khu vực. Trung Quốc cũng dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối lúa mì của Nga nhằm mục đích có thể là cứu nền kinh tế Nga khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.