Giá vàng thế giới và trong nước đã có nhiều ngày biến động dữ dội, đặc biệt là vàng miếng SJC có lúc lập kỷ lục mới 67,5 triệu đồng/lượng, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ucraine.
Cuối ngày 27-2, giá vàng SJC được các doanh nghiệp mua vào 64,2 triệu đồng/lượng, bán ra 65 triệu đồng/lượng - giảm thêm 250.000 đồng/lượng so với cuối ngày trước. Trong khi đó, giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 53,9 triệu đồng/lượng mua vào, 54,3 triệu đồng/lượng bán ra - giảm mạnh 700.000 đồng/lượng so với mức giá cao nhất tuần qua (55 triệu đồng/lượng). Diễn biến của giá vàng SJC từ ngày 24-2 đến nay có lúc tăng - giảm mạnh 1 - 2 triệu đồng/lượng.
Chủ một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết nhiều người có tiền nhàn rỗi đã tăng sức mua vàng miếng, chờ giá vàng SJC đi lên để bán ra kiếm lời. Vì thế, giá vàng SJC trong ngày 24-2 có lúc tăng mạnh 1 - 2 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, khi giá vàng lên mức 67,5 triệu đồng/lượng, những người nắm giữ vàng miếng với giá thấp đã ồ ạt bán ra, giá vàng SJC liền giảm hàng triệu đồng/lượng. Thậm chí, các đơn vị kinh doanh vàng hàng đầu đã tăng mức chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán lên hơn 2 triệu đồng/lượng nhằm hạn chế mức độ bán ra của giới đầu cơ.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng SJC Phú Thọ, nhận định diễn biến của giá vàng trong và ngoài nước hoàn toàn phụ thuộc vào sự căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine, biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga. "Nếu Mỹ có các biện pháp mạnh tay hơn thì giá vàng chắc chắn còn tăng cao" - ông Hải dự báo.
Do căng thẳng Nga - Ukraine leo thang nên thị trường vàng trong và ngoài nước tuần qua phản ứng rất mạnh. Giá vàng thế giới có thời điểm tăng mạnh gần 100 USD/ounce, cán mốc 1.978 USD/ounce. Sau đó, giá vàng thế giới "bay hơi" 90 USD/ounce, rồi đóng cửa nghỉ giao dịch cuối tuần ở mức 1.899 USD/ounce.
Theo giới phân tích, sự thoái lui của giá vàng có thể đến từ động thái chốt lời của nhà đầu tư. Phần lớn sự suy giảm của giá vàng diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số quốc gia châu Âu công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Nhà đầu tư trên thị trường toàn cầu vẫn đang đánh giá ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Giới phân tích cho rằng giá vàng đã tăng suốt từ đầu năm 2022 cùng với sự nóng lên của căng thẳng giữa Nga - Ukraine nên đến thời điểm này - khi Nga đã mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, đà tăng có phần chững lại.
l Mặc dù trải qua 1 tuần "rung lắc" do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam không giảm quá sâu. Dự báo tuần này, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hồi phục nhẹ theo chứng khoán thế giới.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua hôm 25-2, VN-Index đạt mức 1.498,89 điểm, giảm 5,95 điểm so với phiên cuối tuần trước; HNX-Index lại tăng 4,55 điểm, lên 440,16 điểm; UPCoM-Index giảm 0,06 điểm, xuống 112,66 điểm. Đáng chú ý là thanh khoản thị trường tăng mạnh. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 32.517 tỉ đồng/phiên, tăng 31% so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh bình quân đạt 31.193 tỉ đồng/phiên, tăng đến 35,7%. Có thể nói nhà đầu tư cá nhân sau khi chốt lời tuần trước đã quay lại mua vào. Theo đó, họ mua nhiều hơn 220 tỉ đồng so với tuần trước đó. Còn khối tự doanh, công ty chứng khoán lại bán ròng trên 400 tỉ đồng.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) nhận định nhìn chung, dòng tiền vẫn còn thận trọng khi thị trường quay trở lại vùng cản 1.500 điểm. Điều này cho thấy thị trường chưa sẵn sàng cho việc vượt cản và áp lực bán có khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép cho thị trường. Với diễn biến thị trường chưa thực sự mạnh và còn tiềm ẩn khả năng suy yếu, nhà đầu tư cần thận trọng và cân nhắc các yếu tố rủi ro. Đồng thời, nên xem xét hạ tỉ trọng danh mục để giảm thiểu rủi ro, nhất là với những cổ phiếu đang chịu áp lực bán lớn hoặc xu hướng kém. Theo VDS, nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết nên tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại để hướng đến vùng kháng cự 1.530-1.550 điểm có thể đạt được trong thời gian tới.
Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận xét trong tuần giao dịch này, VN-Index có thể sẽ giằng co và đi ngang quanh ngưỡng tâm lý 1.500 điểm để chờ cơ hội bứt phá trở lại.
Xem thêm: mth.81725501272202202-hnam-gnu-nahp-gnav-gnourt-iht/et-hnik/nv.moc.dln