Vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị ngành công an phối hợp các cục thuế để điều tra, xử lý việc trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
PV: Theo ông, đâu sẽ là những thách thức đặt ra trong việc thực hiện quyết tâm siết thuế chuyển nhượng bất động sản của Bộ Tài chính hiện nay?
TS. Nguyễn Văn Đính: Thực tế, liên quan đến việc thu thuế trên các giao dịch bất động sản thì pháp luật đã có quy định rõ ràng nhưng lâu nay người dân hay né tránh, khai bớt để né thuế. Do đó, động thái của Bộ Tài chính nhằm thúc giục các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chống thất thu thuế là hợp lý trong bối cảnh thị trường sôi động và nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng do đại dịch.
Tuy nhiên, để thực hiện được quyết tâm trên có thể nêu ra một số thách thức cần giải quyết. Đầu tiên, đó là những bất cập liên quan đến giá đất. Hiện Nhà nước quản lý dựa trên Bảng và khung giá đất, trong khi mức giá này thường thấp hơn nhiều so với thị trường. Việc tồn tại đồng thời 2 hệ thống giá đất tạo cơ hội để người dân khai thấp giá mua bán nhằm né thuế.
Đồng thời, nó cũng gây khó cho chính các cơ quan thuế các địa phương khi tính toán, xác định mức giá nào là phù hợp, mức giá nào là “gian dối” nhằm trục lợi do không có căn cứ để xác định giá thị trường. Ngoài ra, đây cũng là nguồn gốc của hiện tượng cấu kết giữa người dân với cán bộ thuế nhằm trục lợi bất chính.
Bên cạnh đó, cơ chế vận hành thị trường bất động sản trong nước còn nhiều “khoảng hở”. Cụ thể, tại nhiều nước, bất kể giao dịch tài sản nào cũng bắt buộc phải được niêm yết, thông qua một đơn vị thứ ba như sàn giao dịch, nên cơ quan quản lý thuế sẽ dễ dàng nắm được thông tin chính xác.
Còn tại Việt Nam, cơ quan thuế có thể xác định được giá trị giao dịch giữa các doanh nghiệp hoặc giữa doanh nghiệp với cá nhân. Tuy nhiên, giao dịch giữa người dân với nhau thì khó vì sử dụng tiền mặt còn nhiều, dễ dẫn đến tình trạng bắt tay nhau kê khai với giá thấp để đóng thuế ít.
PV: Việc chuyên nghiệp hóa thị trường có thể là chìa khóa để loại bỏ những tiêu cực của thị trường, đặc biệt là hiện tượng “né thuế” chuyển nhượng bất động sản như hiện nay, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Đính: Việc Bộ Xây dựng đang chủ trương sửa Luật Kinh doanh Bất động sản theo hướng luật hóa vai trò sàn giao dịch bất động sản, “quy định giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai phải thông qua sàn giao dịch” là rất cần thiết và hợp lý. Khi gắn trách nhiệm và năng lực cho sàn giao dịch bất động sản sẽ có thể giúp quy trình mua bán chặt chẽ hơn, tuân thủ quy định pháp luật hơn và chuyên nghiệp hơn.
Bên cạnh đó, cũng có thể xem xét đưa ra quy định các giao dịch BĐS phải thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng và kèm chứng từ này theo hồ sơ giao dịch. Quy định này cũng được xem như một trong những giải pháp dần dần tiến tới hạn chế các hoạt động giao dịch bằng tiền mặt trong nền kinh tế.
Một khi hệ thống ngân hàng và cơ quan thuế, công chứng... có sự kết nối, khi đó, nhà nước quản lý được hoạt động và thông tin giao dịch thị trường bất động sản, chống thất thu thuế, thực hiện hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, giúp thị trường ngày càng chuyên nghiệp hóa.
- Xin cảm ơn ông!
Xem thêm: lmth.30301000042210202-nas-gnod-tab-gnouhn-neyuhc-euht-teis/nv.semitaer