Matthieu Tordeur đi xuyên Đông Âu năm 19 tuổi - Ảnh: Matthieu Tordeur
Hơn 10 năm nay, anh đã đi qua hơn 90 quốc gia với chiếc máy ảnh khoác trên vai, vòng quanh thế giới bằng ôtô hai cầu 4L, vượt Đại Tây Dương bằng thuyền buồm, băng sa mạc Sahara bằng xe đạp điện, đến Nam Cực một mình cũng như đến nhiều nơi khác bằng ván trượt tuyết, thuyền buồm, thuyền kayak. Anh là mẫu người được gọi là nhà thám hiểm thời hiện đại.
Tôi không phải là người bốc đồng. Ngày nay các nhà thám hiểm là những người biết kiểm soát rủi ro, biết tính toán, hiểu điều gì nguy hiểm và đùa giỡn với những biến số ấy.
MATTHIEU TORDEUR
19 tuổi đi xuyên Đông Âu bằng xe đạp
Matthieu Tordeur (năm nay 30 tuổi) lớn lên ở tỉnh Seine-Maritime thuộc miền bắc nước Pháp. Máu phiêu lưu bắt đầu chảy trong anh từ nhỏ. Trước khi biết đọc, anh đã xem ngấu nghiến bộ truyện tranh nhiều tập Những cuộc phiêu lưu của Tintin. Lớn một chút, anh say sưa đọc sách của các nhà thám hiểm Paul-Émile Victor (Pháp), Robert Falcon Scott (Anh), Alastair Humphreys (Anh).
Anh ước mơ trở thành nhân vật Tintin không phải vì Tintin là người hùng thực thi công lý mà vì Tintin mê thám hiểm. Thêm vào đó, từ thuở bé anh đã nhìn thấy cha mẹ mình là bác sĩ đi khắp thế giới hoạt động nhân đạo. Họ luôn khuyến khích anh thực hiện đam mê của mình.
Học xong tú tài, anh quyết định một mình đi xuyên Đông Âu bằng xe đạp. Chuyến đi kéo dài ba tuần từ cuối tháng 6-2011 trên chặng đường từ Budapest (Hungary) qua Romania, Bulgaria đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Nhật ký hành trình của chàng thanh niên 19 tuổi này có đoạn:
"Nếu tôi đi theo đường số 5, tôi sẽ đến được Romania!... Màn đêm buông xuống, tôi đi qua vài căn nhà trong làng và dừng lại trước một cánh cổng xám xịt. Bầy chó lên tiếng. Một người đàn ông ngạc nhiên bước ra sau mấy đứa con. Tôi ra dấu cho họ hiểu tôi muốn ngủ ngoài ruộng của họ. Họ đồng ý và còn tặng tôi cà chua và dưa leo nhà trồng.
Tôi ăn mấy thứ đó cùng với mì ống nấu trên bếp lò của tôi. Tôi viết những dòng này dưới ánh sáng đèn pin cột trên trán. Lần đầu tiên tôi ngủ trong lều, cảm thấy yên tâm khi được ở một nơi kín đáo cùng hai con chó không ngừng sủa, mèo và ếch chui vào lều...".
Chuyến đi đầu tiên của anh là chuyến phiêu lưu theo bản năng nhằm khám phá niềm vui trên quãng đường thiên lý và gặp gỡ mọi người. Năm sau, anh đăng ký tham gia vượt Đại Tây Dương bằng thuyền buồm đến vùng biển Caribê với tư cách thành viên trong đội. Trong thời gian là sinh viên Đại học King's College ở Anh (khoa Các vấn đề châu Âu) rồi sau đó học thạc sĩ về an ninh quốc tế tại Học viện Chính trị Paris (Pháp), anh vẫn tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng phiêu lưu.
Anh trở thành người Pháp đầu tiên và là nhà thám hiểm trẻ tuổi nhất thế giới đến Nam Cực một mình bằng ván trượt không cần trợ giúp và tự lập hoàn toàn (ghi tên trong Guinness kỷ lục thế giới vào tháng 11-2019) - Ảnh: Fishcersports
Năm 2013-2014, anh bắt đầu chuyến đi vòng quanh thế giới bằng ôtô hai cầu 4L cùng người bạn thời thơ ấu Nicolas Auber. Hai người đã vượt 50.000km qua 40 nước trong một năm để gặp gỡ các chủ doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ họ thông qua các tổ chức tài chính vi mô của Pháp và quốc tế (tiền tài trợ 25.000 euro). Sau chuyến đi này, anh quyết định sẽ theo nghề thám hiểm để trở thành nhà thám hiểm chuyên nghiệp.
Các chuyến đi nối tiếp các chuyến đi. Matthieu Tordeur rất muốn khám phá mọi cách thức di chuyển như đi bộ, đi xe đạp, đi thuyền, đi nhờ xe, chèo thuyền kayak, ván trượt hoặc đi xe ôtô nhỏ. Đối với anh, thám hiểm còn là trải nghiệm thể thao nhằm vượt qua giới hạn của chính mình để đi xa hơn.
Các chuyến đi thử thách thể chất bao gồm đua xe đạp xuyên châu Âu năm 2015 (đạp xe qua 3.775km trong 16 ngày), lướt ván trên tuyết dài 150km trên bờ biển phía đông Greenland năm 2015, chạy marathon tại Bình Nhưỡng (CHDCND Triều Tiên) năm 2016, vượt sa mạc Sahara bằng xe điện năm 2018. Ngoài ra, anh còn thực hiện các chuyến thám hiểm ở Trung Á, khu vực Kurdistan ở Iraq, Pakistan…
Matthieu Tordeur trên vùng đất Nam Cực - Ảnh: Matthieu Tordeur
Thám hiểm Nam Cực năm 27 tuổi
Chuyến thám hiểm ấn tượng nhất của Matthieu Tordeur là chuyến thám hiểm Nam Cực - lục địa lạnh nhất, khô nhất và có gió nhiều nhất, lục địa có độ cao trung bình cao nhất thế giới, sa mạc lớn nhất thế giới. Giữa Nam Cực là môi trường khắc nghiệt đến nỗi không có gì tồn tại. Ở đó là thế giới không màu sắc, không động vật, không thực vật và không có cả mùi. Đây là nơi không có người nào từng sống thường trú. Khác với Bắc Cực có lúc tan băng, Nam Cực bị băng giá bao phủ vĩnh viễn.
Matthieu Tordeur bắt đầu thực hiện chuyến thám hiểm một mình đến vùng đất Nam Cực vào ngày 14-11-2018. Anh đi trên hai ván trượt kéo theo chiếc xe trượt tuyết lớn nặng 115kg chở thức ăn, lều trại và bếp nấu ăn. Hoàn toàn không có buồm kéo, chó kéo hoặc xe có động cơ. Mỗi ngày anh đi bộ 12 tiếng.
Chuyến thám hiểm kết thúc sau gần 51 ngày qua chặng đường 1.150km. 12h15 ngày 13-1-2019, anh đã trở thành người Pháp đầu tiên và là nhà thám hiểm trẻ tuổi nhất thế giới đến Nam Cực một mình bằng ván trượt không cần trợ giúp và tự lập hoàn toàn (ghi tên trong Guinness kỷ lục thế giới vào tháng 11-2019).
Sau chuyến đi, anh đã viết cuốn sách Lục địa trắng dày 252 trang dưới hình thức như sổ tay hành trình chia sẻ cuộc phiêu lưu. Đối với anh, hành trình đến Nam Cực mang tính chất nội tâm để đáp lại tiếng gọi nơi hoang dã và cuộc sống cô độc. Anh muốn tận mắt chứng kiến Nam Cực mà anh hằng tưởng tượng từ nhỏ. Anh nhận xét đó là "một bài kiểm tra tinh thần hơn là kiểm tra thể chất".
Chuyến thám hiểm Nam Cực phi thường của Matthieu Tordeur đã gây tiếng vang lớn. Ba năm sau anh vẫn tiếp tục nói về chuyến phiêu lưu mạo hiểm ấy tại các cuộc tọa đàm, hội thảo, báo chí và tiếp tục rút ra nhiều bài học.
Anh giải thích: "Cách duy nhất tôi phải tiến về phía trước trong lục địa trắng bao la là chia nhỏ cuộc phiêu lưu, phân ra thành từng đoạn nhỏ, cố gắng duy trì nhịp thở và buông bỏ những gì tôi chưa thực hiện được. Hằng ngày tôi làm như sau: thực hiện từng bước nhỏ và chỉ kiểm soát những gì tôi có thể kiểm soát".
"Cách duy nhất tôi tiến về phía trước trong lục địa trắng bao la là chia nhỏ cuộc phiêu lưu, phân ra thành từng đoạn nhỏ, cố gắng duy trì nhịp thở và buông bỏ những gì tôi chưa thực hiện được" - Ảnh: Fischersports
Cuối cùng, Nam Cực đã ban cho anh bài học về lối sống tối giản: "Tiến tới trên ván trượt, một vật dụng tôi mang theo có giá trị đích thực và chức năng thực sự. Trong khi mọi người chúng ta đều bị nhiều đồ vật không nhất thiết hữu ích vây quanh, tôi vẫn sống với trải nghiệm về lối sống tối giản tự nguyện ấy cho đến ngày nay".
Anh nhắn nhủ với những người đam mê phiêu lưu: "Bạn phải muốn sống trong cô độc, không tắm 60 ngày, trượt tuyết 12 tiếng mỗi ngày suốt hai tháng và có ước muốn tìm kiếm nhà tài trợ trong một năm. Trên thế giới chỉ có từ 25-30 người làm được trong những điều kiện như vậy. Họ chỉ là số ít so với những người đã leo lên đỉnh núi Everest".
Matthieu Tordeur đánh giá: "Chuyến phiêu lưu đến Nam Cực đã biến tôi từ một sinh viên đi phượt nghiệp dư trở thành nhà thám hiểm chuyên nghiệp. Trải nghiệm ở Nam Cực cho thấy đây là một nghề thực sự…".
Nhà thám hiểm được xem là chuyên nghiệp khi có khả năng kiếm sống nhờ tiền tài trợ cho các chuyến thám hiểm hoặc có thu nhập từ bán các sản phẩm hoặc dịch vụ liên quan đến các chuyến thám hiểm như thuyết trình, sách báo, ảnh chụp, video, blog, phim.
Để thu hút các nhà tài trợ, phải liên kết chuyến thám hiểm với hoạt động nhân đạo nào đó để mọi người có thể nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trở thành nhà thám hiểm chuyên nghiệp trong một sớm một chiều. Đây là một trong những nghề khó khăn nhất, do đó đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị đáng kể.
********
Cá sấu nước mặn dài trung bình 4m và nặng hơn 700kg. Tuy nhiên, các thợ săn ở Úc vẫn háo hức săn bắt chúng vì chúng ngày càng áp sát các khu dân cư.
>> Kỳ tới: Buộc mõm cá sấu khổng lồ
TTO - Steve Zazulyk là người đa tài. Ngoài nghề thợ lặn biển, thợ săn kho báu dưới biển, thợ lặn khám phá và chuyên gia tìm nhẫn thất lạc, anh còn là nhà văn chuyên nghiệp và diễn giả trước công chúng.