Doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước gặp khó khăn khi xác định tỉ lệ nội địa hóa - Ảnh: TL
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến về các quy định liên quan đến tỉ lệ nội địa hóa do Bộ Khoa học và công nghệ ban hành.
Hiệp hội này cho hay, một số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô của Việt Nam đang gặp vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh liên quan đến phương pháp xác định tỉ lệ nội địa hóa đối với sản xuất lắp ráp ôtô trong nước do bộ này quy định.
Cụ thể, phương pháp xác định tỉ lệ nội địa hóa đối với ôtô tại các quy định hiện không phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gây chồng chéo, không phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh ôtô.
Họ đưa ra dẫn chứng: các quy định có liên quan đến xác định tỉ lệ nội địa hóa với sản xuất lắp ráp ôtô trong nước như quyết định số 28, quyết định số 05, thông tư số 05 mà Bộ Khoa học và công nghệ ban hành được căn cứ trên quyết định số 175 của Thủ tướng Chính phủ "về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020".
Tuy nhiên, đến nay quyết định số 175 đã được thay thế bằng quyết định số 1168 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Vì vậy, VAMI cho rằng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.
Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện nay, hơn 7 năm từ khi quyết định số 1168 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Bộ Khoa học và công nghệ vẫn chưa ban hành văn bản bãi bỏ và công bố công khai về vấn đề này.
Cách tính tỉ lệ nội địa hóa đang được các nước ASEAN và trên thế giới áp dụng đúng "thông lệ quốc tế" là dựa theo tỉ lệ phần trăm về giá trị sản xuất trong nước. Tuy nhiên, quy định hiện hành vẫn sử dụng phương pháp tính theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước. Đơn cử như mỗi cụm linh kiện, phụ tùng chính được áp một điểm số và quy ra một tỉ lệ (%) nội địa hóa nhất định mà không phụ thuộc vào giá trị.
Nếu căn cứ theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ôtô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỉ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên. Vì vậy, hàng hóa được xác định có nguồn gốc từ các nước ASEAN theo phương pháp xác định tỉ lệ nội địa hóa nội khối cũng sẽ là căn cứ xác định tỉ lệ nội địa hóa để hưởng ưu đãi.
VAMI cho biết thêm, hiện phương pháp tính tỉ lệ nội địa hóa theo ASEAN cũng được Bộ Công thương quy định tại thông tư số 05, nêu rõ: ôtô nhập khẩu về Việt Nam hay từ Việt Nam xuất khẩu đi các nước ASEAN nếu muốn được hưởng thuế suất ưu đãi 0% đều phải áp dụng quy định về tỉ lệ nội địa hóa nội khối.
VAMI cho rằng, cách tính toán và xác định tỉ lệ nội địa hóa hiện không phù hợp thực tiễn với xu hướng công nghệ ngày càng phát triển, các tính năng và linh kiện trên ôtô ngày càng đổi mới, hiện đại và chiếm tỉ trọng giá trị lớn trong chiếc xe.
Với định hướng phát triển ngành ôtô tại quyết định số 1168 là tăng cường hợp tác với các hãng ôtô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, VAMI đề nghị Thủ tướng xem xét tháo gỡ vướng mắc, rào cản này trên cơ sở bãi bỏ quy định về tỉ lệ nội địa hóa cho phù hợp.
TTO - Việc xây dựng thương hiệu ôtô Việt, tạo hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa được xem là hướng đi đúng để xây dựng ngành công nghiệp ôtô VN.