Ở thời điểm hiện tại, Nga là trung tâm trong các lệnh trừng phạt của phương Tây khi các nước này đồng loạt chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Chỉ trong vòng vài ngày qua, các nước phương Tây đã liên tiếp gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow và tuyên bố các biện pháp trừng phạt được thiết kế để gây tổn thương lớn nhất tới nền kinh tế Nga.
Trong diễn biến mới nhất, chính phủ Vương quốc Anh cho biết sẽ ngay lập tức áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga. Theo đó, Anh cấm các thực thể của mình thực hiện giao dịch tài chính liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ tài chính Quốc gia và Bộ Tài chính Nga.
Cùng với Mỹ và liên minh châu Âu, biện pháp của Anh nhằm ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga "triển khai dự trữ ngoại hối của mình theo những cách làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt mà phương tây áp đặt" đồng thời "cũng giảm thiểu khả năng tham gia vào các giao dịch ngoại hối để hỗ trợ đồng rúp của Nga".
"Các biện pháp trừng phạt này là biện pháp kinh tế mạnh nhất mà Vương quốc Anh từng ban hành nhằm vào Nga. Nó sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng với nền kinh tế Nga", tuyên bố của Anh cho biết.
"Các biện pháp này thể hiện quyết tâm của chúng tôi khi áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga trên đất Ukraine. Chúng tôi đang thông báo động thái này tới các đồng minh và nhanh chóng phối hợp để cùng thực hiện, thể hiện quyết tâm kiên định trong việc nhằm vào hệ thống tài chính Nga khi chiến sự vẫn đang diễn ra", Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết.
Thống đốc Ngân hàng Anh cũng cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện tất cả những hành động cần thiết để hỗ trợ chính phủ trong việc bày tỏ sự phản đối với Nga. Cơ quan này cũng hoan nghênh việc Anh phối hợp với đồng minh Mỹ và châu Âu để cùng tạo áp lực lớn lên Nga.
Trong một diễn biến gần đây, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết nước này sẽ nâng lãi suất cơ bản lên 20% so với mức 9,5% trước đây. Cơ quan này cũng đã lý giải cho động thái tăng hơn gấp đôi lãi suất.
"Các điều kiện bên ngoài tác động nên nền kinh tế Nga đã dẫn tới quyết định thay đổi mạnh mẽ. Việc tăng lãi suất cơ bản sẽ đảm bảo tăng lãi suất huy động lên mức cần thiết để bù đắp cho trượt giá và lạm phát gia tăng. Điều này là cần thiết để hỗ trợ ổn định tài chính và giá cả cũng như bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân khỏi bị mất giá", Ngân hàng Trung ương Nga cho biết.
Vài ngày trước, phương Tây cũng cho biết sẽ loại một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT. Theo đó, bước đi này sẽ khiến những ngân hàng bị trừng phạt bị ngắt kết nối khỏi hệ thống tài chính quốc tế, khiến khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu bị tổn hại.
SWIFT là một doanh nghiệp độc lập có trụ sở tại Bỉ, hoạt động như một hệ thống nhắn tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Xem thêm: nhc.14215735182202202-agn-hnihc-iat-oan-uad-oav-mahn-tahn-gnan-nod-gnaig-hna/nv.fefac