Từ đắm đuối với đồ cổ...
Đầu tháng 01-2022, Thổ Nhĩ Kỳ được phía Mỹ trao lại 28 cổ vật mà họ bị đánh cắp suốt nhiều thập kỷ, trong đó đáng chú ý nhất là chiếc bầu rượu hình đầu hươu 2.400 năm. Vào thời cổ đại, chiếc bầu này được dùng để rót rượu trong các nghi lễ tôn giáo, hiến tế.
Chiếc bầu rượu trên thuộc bộ sưu tập của tỷ phú Michael Steinhardt. Ông mua nó vào tháng 11-1991 từ Phòng tranh Merrin với giá 2,6 triệu USD. Trước đó, chiếc bầu rượu này biến mất sau vụ cướp phá tại TP.Milas, Thổ Nhĩ Kỳ - nơi có tới 27 di tích của thời cổ đại được khai quật. Năm 1993, chiếc bầu rượu được Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (New York, Mỹ) mượn và nó đã lưu lại đó cho tới khi bị thu giữ trong cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2017 về nguồn gốc của cổ vật này. Đến đầu năm 2022, nó được định giá 3,5 triệu USD.
Dù rất ấn tượng nhưng chiếc bầu rượu đầu hươu chỉ là 1 trong số 180 cổ vật bị đánh cắp (tổng trị giá khoảng 70 triệu USD) mà tỷ phú Steinhardt đã mua và nay đồng ý trả lại cho những người chủ hợp pháp của chúng. Với tài sản 1,2 tỷ USD thì việc "đại gia" Steinhardt trở thành một trong những nhà sưu tập đồ cổ lớn nhất cũng không có gì lạ.
Tuy nhiên, ông lại bị cơ quan công tố đánh giá là "có lòng tham đối với những cổ vật bị cướp bóc mà không quan tâm đến tính hợp pháp trong hành động của mình hay những tổn thất mà ông gây ra sau đó”. Sau 4 năm điều tra, nhà chức trách phát hiện một số lớn cổ vật của tỷ phú Steinhardt được đưa lậu từ 11 quốc gia vào Mỹ thông qua 12 mạng lưới hoạt động phạm pháp. Nhà chức trách Mỹ đã thực hiện 17 lệnh khám xét và thực hiện các cuộc điều tra chung với các cơ quan hữu trách tại Bulgaria, Ai Cập, Hy Lạp, Iraq, Israel, Ý, Jordan, Lebanon, Libya, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ.
Cơ quan công tố nêu rõ hành động của tỷ phú Steinhardt diễn ra trong nhiều thập niên. Quả thực cái tên Michael Steinhardt đã quá quen thuộc với Hải quan Mỹ trong những vụ thu giữ cổ vật đắt giá được gửi tới Mỹ cho ông này với những lời khai gian dối liên quan đến nguồn gốc. Các quan tòa cũng chẳng lạ gì vị tỷ phú trên, thậm chí vụ tranh chấp liên quan tới chiếc bình cổ rót rượu tế trị giá 1,2 triệu USD mà ông mua từ Ý năm 1991 đã biến thành vụ kiện giữa Ý - Mỹ với thắng lợi thuộc về phía Ý vào năm 2000, sau 1 phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ. Chiếc bình này được bán bất hợp pháp sang Mỹ cho Steinhardt và bị phía Ý đòi lại vào năm 1995 theo Công ước 1970 của Liên hợp quốc về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa.
... Đến ràng buộc trách nhiệm người mua
Cũng như rất nhiều nhà sưu tầm cổ vật khác, tỷ phú Michael Steinhardt chỉ coi cổ vật như những món hàng bình thường. Luật sư của ông cho biết, khi mua cổ vật thân chủ của mình không quan trọng xuất xứ của nó, mà chỉ dựa vào cam kết của người bán là sẽ hoàn tiền lại nếu gặp "trục trặc". Theo các công tố viên thực hiện điều tra những vụ án về buôn lậu cổ vật của New York, mục tiêu của họ là cảnh tỉnh các bảo tàng, phòng tranh, sàn đấu giá và những nhà sưu tập như Steinhardt để giúp họ trở thành "người mua có trách nhiệm", khi cổ vật là một loại "hàng hóa đặc biệt".
Lý do cơ quan công tố không truy tố Steinhardt vì họ muốn nhanh chóng trả cổ vật về cho chủ sở hữu hợp pháp, hơn là giữ chúng như những vật chứng trong vụ án. Cuộc điều tra nhiều năm của phía công tố không dẫn tới các cáo buộc và số cổ vật "mua nhầm" đã nhanh chóng được "quy cố hương".
Ngoài việc bị cấm mua bán đồ cổ suốt phần đời còn lại, Steinhardt vẫn đang đứng trước mối đe dọa "trừng phạt" khác: Lãnh đạo sinh viên của Đại học New York đã kêu gọi đổi tên ngôi trường mang tên ông bấy lâu nay: Trường Văn hóa, Giáo dục và Phát triển con người Steinhardt.
Sau khi tỷ phú Steinhardt đồng ý trả lại 180 cổ vật, phía Mỹ đã và đang làm việc với nhà chức trách các nước có liên quan để tiến hành trao trả. Năm 2022, các nước - trong đó có Lybia - đã nhận lại số cổ vật trị giá 1,2 triệu USD, Iraq 2 món, Israel 39 món trị giá 5 triệu USD, Ý nhận 58 món.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.709241_man-0042-uouh-uad-hnih-uour-uab-2-yk/et-couq/nv.moc.nagnoc