vĐồng tin tức tài chính 365

Tại sao WHO vẫn giữ mức cảnh báo cao nhất với đại dịch COVID-19?

2023-02-01 05:26

Ngày 30-1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất với đại dịch COVID-19 - tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, như cấp độ mà cơ quan này đã tuyên bố cách đây ba năm. WHO đánh giá rằng dịch bệnh có thể đang ở “điểm chuyển tiếp” nên cần quản lý cẩn thận để “giảm thiểu những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra”.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng “thế giới đang ở trong một tình cảnh tốt hơn nhiều” so với một năm trước lúc biến thể Omicron đang ở đỉnh điểm. Ông bày tỏ hy vọng rằng tình trạng khẩn cấp sẽ chấm dứt trong năm nay, khi “thế giới chuyển sang một giai đoạn mới”, “số ca nhập viện và tử vong sẽ giảm xuống mức thấp nhất”.

Ngày 30-1, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) cảnh báo “tất cả quốc gia vẫn chưa chuẩn bị một cách nghiêm túc cho những đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai”. IFRC kêu gọi “hành động ở cấp cộng đồng” để chuẩn bị ứng phó với thảm họa y tế, giải quyết những bất bình đẳng về kinh tế và chủng tộc hiện có để chúng không trở nên trầm trọng hơn khi thảm họa xảy ra.

Ủy ban cố vấn của WHO sẽ họp lại sau ba tháng nữa để xem xét việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp.

Cuộc sống trở lại bình thường nhưng đại dịch chưa kết thúc

Sau ba năm kể từ khi COVID-19 được coi là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, cuộc sống đang trở lại như lúc trước đại dịch. Phần lớn hạn chế được dỡ bỏ, người lao động quay lại văn phòng, du lịch, di chuyển trở lại bình thường và khẩu trang không còn bắt buộc ở nhiều nơi…

Tuy nhiên, người đứng đầu WHO lưu ý rằng vẫn có hơn 170.000 người chết vì dịch COVID-19 trong tám tuần qua. Ông Tedros cảnh báo mặc dù thế giới đã được trang bị tốt hơn để quản lý đại dịch nhưng “tình hình vẫn còn phức tạp ở nhiều quốc gia và số người chết vẫn tăng”.

“Thông điệp của tôi rất rõ ràng: Đừng đánh giá thấp loại virus này. Nó đã và sẽ tiếp tục làm chúng ta ngạc nhiên, và nó sẽ tiếp tục gây chết người, trừ khi chúng ta làm nhiều hơn để cung cấp các công cụ y tế cho những người cần chúng và giải quyết thông tin sai lệch” - ông Tedros cảnh báo.

Tại cuộc họp ngày 27-1, Ủy ban Y tế của WHO cho rằng “loại virus này sẽ vẫn là mầm bệnh lâu dài ở người và động vật trong tương lai gần”.

Tại sao WHO vẫn giữ mức cảnh báo cao nhất với đại dịch COVID-19? ảnh 1

Người dân Nhật đeo khẩu trang khi ra ngoài để phòng bệnh COVID-19. Ảnh: AFP

Lo ngại “bất bình đẳng” trong tiếp cận dịch vụ y tế

Theo đài CNN, với việc tuyên bố một dịch bệnh là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, WHO tạo ra ràng buộc về mặt pháp lý giữa các quốc gia thành viên, cho phép tổ chức đưa ra các khuyến nghị tới các nước thành viên. Thế nên, nếu tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc lo ngại rằng các quốc gia sẽ không tiếp tục tập trung vào COVID-19 cũng như tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.

Các chuyên gia y tế của WHO quan ngại rằng khi tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu được dỡ bỏ, chính phủ các nước có thể ngừng cung cấp miễn phí vaccine và các công cụ y tế cho người dân. Điều này sẽ khiến các nước có thu nhập thấp và trung bình không thể có đủ các công cụ y tế để phản ứng với dịch COVID-19, còn với những nước có sẵn các công cụ này thì khả năng tiếp cận y tế cũng khác nhau với những nhóm người có thu nhập khác nhau. Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo lắng về mức độ ảnh hưởng của việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đến việc phát triển và cấp phép vaccine giữa các quốc gia.

“Phản ứng toàn cầu vẫn còn lúng túng. Ở nhiều quốc gia, những công cụ y tế vẫn chưa đến được với người dân cần chúng nhất, đặc biệt là người già và nhân viên y tế” - ông Tedros nêu thực tế.

Thế nên, theo Ủy ban Cố vấn của WHO, nếu muốn trình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ phải cần có sự cam kết giữa WHO, các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế để “xây dựng và thực hiện các kế hoạch phòng ngừa, giám sát và kiểm soát lâu dài, bền vững và có hệ thống”.•

Mỹ sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp do COVID-19 từ ngày 11-5

Ngày 30-1, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia và khẩn cấp y tế cộng đồng do dịch COVID-19 vào ngày 11-5 tới.

Tình trạng khẩn cấp quốc gia và tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng do dịch COVID-19 được Tổng thống Donald Trump ban hành vào năm 2020. Ông Biden đã nhiều lần gia hạn các tình trạng khẩn cấp.

Văn phòng Quản lý và ngân sách (OMB) của Nhà Trắng cho biết các tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia và tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng sẽ hết hạn trong những tháng tới, sẽ được gia hạn một lần nữa cho đến ngày 11-5 và sau đó sẽ chấm dứt.

“Bước đi này phù hợp với các cam kết trước đây của chính quyền Tổng thống Biden là đưa ra thông báo ít nhất 60 ngày trước khi chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng” - OMB cho biết.

Trong thời gian Mỹ áp dụng các tình trạng khẩn cấp nói trên, chính phủ Mỹ đã cung cấp miễn phí vaccine ngừa COVID-19, một số xét nghiệm và một số phương pháp điều trị cho người dân. Tuy nhiên, khi các tình trạng khẩn cấp này được chấm dứt, những chi phí liên quan đến phòng ngừa COVID-19 sẽ được chuyển sang bảo hiểm tư nhân và các chương trình y tế của chính phủ.

THẢO VY

Xem thêm: lmth.820817tsop-91-divoc-hcid-iad-iov-tahn-oac-oab-hnac-cum-uig-nav-ohw-oas-iat/nv.olp

“Tại sao WHO vẫn giữ mức cảnh báo cao nhất với đại dịch COVID-19?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools