Con người ta một khi trưởng thành đứng trước mọi hoàn cảnh sẽ buộc bản thân phải tìm ra cho mình một cách chống đỡ khi khó khăn ập đến, Hồ Thị Luận cũng “chống đỡ” nhưng lại bằng một cách đầy bế tắc. Và rồi, trong chuỗi ngày gồng mình để vượt qua điểm tối, Hồ Thị Luận đã không những không thay đổi được điều gì mà còn quên luôn cách yêu thương bản thân và những người xung quanh mình.
Hồ Thị Luận của hiện tại đang ở tuổi 31, cô gái dân tộc thiểu số ấy lấy chồng từ năm 19 tuổi và đã là mẹ của ba đứa con. Nhiều người cho rằng, 19 tuổi lấy chồng là quá sớm, nhưng người đồng bào thiểu số ở vùng cao Quảng Trị của Luận, ngần ấy tuổi kết hôn là bình thường. Chỉ cần người chồng đủ trưởng thành, đủ ấm áp, đủ mạnh mẽ để trở thành điểm tựa thì không cần phải lo lắng điều gì.
Người con gái tuổi 19 mang theo sự bình yên ấy đi lấy chồng và năm 20 tuổi “đã kịp” sinh cháu cho nhà chồng. Ngày tháng nghèo khó nhưng ấm êm, hạnh phúc, Hồ Thị Luận lần lượt sinh thêm hai đứa con nữa. Với nếp nghĩ của người dân bản, có thể nghèo tiền, nghèo của nhưng không thể… “nghèo con”, Hồ Thị Luận cũng vì thế “thuận lợi” sinh 3 đứa cho dù gia cảnh chưa hết nghèo.
Ngặt nỗi, sau lần sinh đứa thứ 3 vào năm 2021, sức khỏe của Luận giảm sút, tuột dốc không phanh và cuối cùng rơi vào trầm cảm sau sinh. Lúc đầu chỉ buồn, vui bất chợt, là kiểu buồn vô cớ mà vui không cần biết lý do, nhưng càng về sau Luận đã không kiểm soát được cảm xúc và hành vi, diễn biến ngày càng nặng.
Đáng nói, cái khái niệm “trầm cảm sau sinh” đối với những người xung quanh Luận rất mông lung, rất mơ hồ, thậm chí đến nghe còn chưa từng. Cho nên, Luận cứ vậy một mình quẫy đạp muốn thoát ra những ý nghĩ tiêu cực thì lại bị những ý nghĩ tiêu cực này nuốt chửng. Cô chính là từng ngày sống mà cảm thấy lạc lỏng trong chính ngôi nhà của mình, cô đơn kể cả khi có chồng con bên cạnh.
Hồ Thị Luận bắt đầu “biến” mình thành con ốc, suốt ngày thu mình trong vỏ, khi lại “biến” mình thành con nhím, xù lên bắn lông tứ phía, bất kể xung quanh là ai. Thậm chí, không ít lần Luận chọn cách lưu lại những điều tươi đẹp hay đau buồn nhất của mình bằng nỗi đau xác thịt, rồi tự thấy hả hê chiến thắng. Cho đến ngày Luận gây ra án mạng, người thân mới hay rằng cô đã bị bệnh về tâm thần.
Hồ Thị Luận sẽ vì cảm giác tội lỗi của một người mẹ giết con mà đau hết quảng đời còn lại.
Vụ án mạng đau lòng xảy ra vào đúng những ngày cận kề Tết Nguyên đán. Đó là vào ngày 28/1/2022, nhằm ngày 26 tháng Chạp. Thời gian này, mọi người vẫn tranh thủ lên rẫy, chỉ Luận ở nhà trông coi con út mới 8 tháng tuổi. Khi đang ẵm con tại nhà bố đẻ thì con quấy khóc, Luận dỗ mãi vẫn không nín, trong khoảnh khắc ngắn ngủi khuôn mặt người mẹ đổi sắc, giận dữ cũng là lúc suy nghĩ “cần phải giết” đứa nhỏ lóe lên trong đầu.
Luận nghiến răng, mắt chuyển từ đỏ sang trắng dã, vòng tay ẵm con siết lại, bước xuống nhà bếp. Trong cơn điên dại, Luận đã dùng dao sát hại con mình. Với sự lạnh lùng, vô hồn, Luận đưa con ra rừng Ma (nghĩa địa-PV) để chôn. Từ đầu đến cuối, Luận không biết đến cảm giác tội lỗi, đớn đau hay lo sợ là gì, cứ như thể đó là cảnh “hư cấu” chỉ xuất hiện trên phim ảnh.
Việc làm của Hồ Thị Luận bất ngờ bị một cháu bé trong bản đi qua nhìn thấy nên chạy về bản báo cho mọi người. Khi nghe tin, ai nấy đều hoảng hốt chạy vào rừng, chỉ mong những lời cháu bé kể là nhầm lẫn. Đáng tiếc, khi đến nơi, Luận ngồi đó, bình thản nói “Con chết rồi, đừng đưa đi bệnh viện nữa”. Ngay lập tức mọi người đào cháu bé lên nhưng xót xa đứa trẻ xấu số đã chết.
Trong lúc người nhà đau đớn vô hạn thì Luận vẫn cứ điềm nhiên như không có gì, chỉ có sắc mặt là “ngáo ngơ” hơn lúc trước. Người mẹ ra tay sát hại con nhưng thái độ lại không đau… thì chỉ có là người mẹ điên. Lúc này những người xung quanh Luận mới bán tín bán nghi rằng cô đã không được bình thường.
Sau đó không lâu, bản kết luận giám định ngày 20/4/2022 của Trung tâm Pháp y tâm thần Khu vực miền Trung đã khiến cho những người thân của Luận phải giật mình: “Trước thời điểm gây án, Luận bị tâm thần phân liệt thể không biệt định, tiến triển liên tục (F20.30); hạn chế về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Thời điểm hiện tại: tâm thần phân liệt thể không biệt định, tiến triển liên tục, giai đoạn bệnh cấp tính; mất khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi. Đối tượng cần được điều trị bắt buộc hoặc điều trị nội trú tại cơ sở chuyên khoa tâm thần”.
Từ ngày 7/5/2022, Luận được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng theo quyết định của VKSND tỉnh Quảng Trị. Đến ngày 13/7/2022, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung kết luận: Luận tâm thần phân liệt thể không biệt định, tiến triển từng giai đoạn với thiếu sót ổn định, đối tượng cần được điều trị ngoại trú liên tục. Hạn chế về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.
Sau thời gian được chữa trị, sức khỏe tinh thần Luận khá hơn trong sự vui mừng của người thân, nhưng cũng chính lúc này Luận nhận ra được nỗi đau xé lòng mà chính mình gây ra cho con trẻ. Không ngoa khi gọi đó là nỗi đau thấu trời, Luận gào thét, đau đớn tuyệt vọng, Luận muốn được chết đi theo con. Lúc tỉnh táo Luận nói, chỉ có chết đi mới có thể chuộc được tội lỗi của bản thân, chết đi đứa nhỏ của cô sẽ không đơn độc một mình ở đó.
Chết cũng được, điên cũng được ít ra Luận sẽ không biết đau đớn là gì. Luận tiếp tục có những ngày tinh thần suy sụp, từ chối điều trị. Tuy nhiên, được sự quan tâm của y bác sĩ và cán bộ Trại tạm giam đã giúp người mẹ trẻ này qua bấn loạn cũng như hợp tác điều trị.
Cuối cùng, Hồ Thị Luận cũng chờ được đến ngày ra tòa. Luận nói, Luận nhớ, Luận muốn gặp người thân… những cảm xúc nhớ thương mà một thời gian dài cô đã bỏ quên, đã xóa khỏi bộ nhớ của mình. Hai đứa con vì bận học, đường sá xa xôi lại cộng thêm cái rét cắt da cắt thịt nên cuối cùng miễn cưỡng không đến tòa gặp mẹ. Chồng Luận vì tiếng Kinh không sành sỏi nên không giao tiếp gì nhiều với người xung quanh, chỉ biết nén nỗi đau mất con, động viên vợ. Khi được HĐXX hỏi, anh nghẹn ngào xin giảm nhẹ cho người vợ bệnh tật nên dính vào lao lý của mình.
Sau khi xem xét toàn diện, TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên Hồ Thị Luận mức án 7 năm tù về tội “Giết người”. Nỗi đau thể xác dẫu có sâu đến đâu theo thời gian đều có thể kéo thịt, liền da nhưng nỗi đau mất con của Luận sẽ xé nát tâm can mỗi lần cô nghĩ đến. Cho nên, bản án 7 năm tù đối với Luận chẳng sá gì so với bản án lương tâm, nó sẽ không cào, không xé nhưng sẽ khiến trái tim người làm mẹ của cô tan nát vì đau.
Bóng lưng phủ tràn bởi sự cô đơn được gói từ nỗi đau tận cùng và chua xót, Luận chậm rãi theo chân lực lượng dẫn giải rời phòng xử án. Người ta nói, khi đau, khi buồn hay khi lầm lỡ hãy cứ ngửa cổ lên nhìn trời… trời rộng bao la sẽ “chứa” hết những tâm tư. Luận cũng ngửa cổ nhưng thứ cô nhận lại là nét mặt cứng đơ, thất thần… với cô, dường như thế giới trước mắt thứ còn lại chỉ là mảng màu đen vô định.
(Tên bị cáo đã được thay đổi).
Xem thêm: lmth.437105-ert-em-iougn-auc-cod-nod-gnul-gnob/hnid-pahp-us-yk/hnid-pahp/nv.ylgnoc