Phát biểu tại buổi gặp mặt đầu xuân Quý Mão 2023 với cán bộ công chức ngành nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ trọng tâm là phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm và mô tả khung năng lực vị trí việc làm.
Đồng thời bộ cũng xây dựng lộ trình cho cải cách chính sách tiền lương từ năm 2024 trở đi.
10 năm thâm niên, lương chưa đủ sống
Ông S. (38 tuổi, công chức tại Hà Nội) cho biết ông đã làm việc tại cơ quan nhà nước hơn 10 năm nhưng đến nay tổng lương được hưởng 4.027.000 đồng/tháng. Theo ông S., mức lương này không đủ chi tiêu, trang trải cuộc sống.
"Hơn 10 năm làm việc ở trung tâm quỹ đất, cấp phường nhưng đến nay cả phụ cấp tổng số tiền lương được hưởng hơn 4 triệu đồng khiến tôi phải đi làm thêm nhiều công việc khác để kiếm sống. Có thời điểm hết giờ làm việc tại trụ sở UBND phường tôi phải chạy thêm xe công nghệ", ông S. cho biết.
Còn ông M. (phó chủ tịch UBND phường tại Hà Nội) cũng chia sẻ lương cán bộ, công chức hiện tại đều theo hệ số thâm niên nhân với lương cơ bản (lương cơ sở) 1.490.000 đồng/tháng. Nếu mới tốt nghiệp đại học thi đỗ công chức thì tổng thu nhập chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.
"Hơn 3 triệu đồng mà phải chi tiền xăng xe, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối... sẽ không đủ mức sống ở thành thị. Đặc biệt là ở Hà Nội vật giá cao hơn nông thôn rất nhiều, trong khi mức lương thì áp dụng các tỉnh, thành phố như nhau không chênh lệch mấy. Nếu mức lương cứ duy trì như hiện tại thì bộ phận công chức không đáp ứng được đời sống sinh hoạt tối thiểu. Chưa nói đến chăm lo cho gia đình. Họ sẽ tự xin nghỉ, rút ra đi làm ở nơi khác có thể vất vả hơn nhưng đảm bảo điều kiện sống cho bản thân và gia đình", ông M. cho hay.
Theo ông M., để cải cách tiền lương không thể bám sát theo lương cơ sở như hiện tại. "Theo tôi được biết lương cơ sở sắp tới từ 1,49 triệu đồng sẽ được tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, nhân với số năm công tác thì vẫn chưa đảm bảo cuộc sống. Ví dụ cán bộ công tác lâu năm hệ số 3 thì tổng thu nhập chỉ có 5,4 triệu đồng/tháng. Căn cứ vào lương cơ sở để tăng lương cho công chức sẽ không phù hợp", ông M. nói thêm.
Và theo vị phó chủ tịch UBND phường, nên căn cứ vào mức lương tối thiểu đối với người lao động. Ngoài ra cần có nhìn nhận thực tế về tiền lương, có điều chỉnh phù hợp để đội ngũ công chức yên tâm công tác, cống hiến, phục vụ người dân.
Cải cách tổng thể chính sách tiền lương
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Nội vụ cho hay các đề án liên quan biên chế, tiền lương đều là các đề án rất lớn, quan trọng. Liên quan biên chế, từ cuối năm 2022, bộ đã ban hành thông tư 12 nhằm hướng dẫn về việc này.
Đối với vấn đề tiền lương, theo đại diện Bộ Nội vụ, nghị quyết 27 của trung ương nêu từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định. Trong khi chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Tuy nhiên trong 3 năm 2019 - 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa thể thực hiện được việc tăng lương cơ sở.
Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11-2022), Quốc hội đã quyết nghị tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2023. Mức điều chỉnh khoảng 20,8% được đánh giá tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương.
Hiện nay bộ đang chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện đề án cải cách tiền lương. Về thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương, đại diện bộ cho hay căn cứ tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và 2024, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền lộ trình triển khai thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo nghị quyết 27 của trung ương.
Đại diện Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh quan trọng nhất của việc cải cách tiền lương không phải ở số tiền tăng mà căn cơ là cần có sự cải cách tổng thể từ hệ số, thang bảng lương, chính sách tiền lương... Nghị quyết 27 của trung ương đã nêu rõ nhiều điểm mới khi cải cách tiền lương. Trong đó, trước đây trả lương theo hệ số, ngạch, bậc nhưng khi cải cách sẽ trả lương theo vị trí, việc làm. Muốn thực hiện được việc này phải xác định được vị trí việc làm, độ phức tạp của từng vị trí thì mới trả được lương cho phù hợp.
Tăng lương phải gắn với tăng "năng suất"
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề trên, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam - cho hay cải cách tiền lương là vấn đề lâu dài gắn với cải cách nền hành chính công vụ. Với quy mô bộ máy hành chính công vụ hiện nay chúng ta cần tinh giản biên chế một cách thực chất, có nghĩa người có năng lực thì giữ lại, người nào sáng cắp ô đi chiều cắp ô về cuối tháng lĩnh lương cần chuyển sang dạng làm việc hợp đồng. Trường hợp họ không hoàn thành KPI (chỉ tiêu về đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức) thì phải cho thôi hợp đồng.
Cũng theo ông Tuấn, cần khuyến khích khu vực nhà nước áp dụng mô hình hợp đồng lao động như khu vực tư nhân, bởi xét cho cùng nhà nước là người mua dịch vụ của những người cung cấp dịch vụ công. Cần chuyển sang cơ chế hợp đồng lao động để áp dụng các nguyên tắc hợp đồng của khu vực tư nhân vào khu vực nhà nước. Chúng ta cần xây dựng một nền hành chính phục vụ người dân, muốn vậy phải có đánh giá hiệu quả công việc của công chức, viên chức, người hưởng lương, chứ không nên tinh giản không thực chất, nửa vời.
Ông Tuấn cũng cho rằng cần minh bạch vấn đề về tinh giản biên chế, cần rõ ràng tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để đánh giá năng lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Bởi nếu không giữ được những người giỏi, người tinh túy trong bộ máy thì tăng lương chỉ là tai vạ. Vì thế cần tinh giản biên chế thực chất, công khai, minh bạch, hiệu quả. Tinh giản biên chế phải là cơ hội để loại bỏ những người "ăn bám" hệ thống, để giữ lại những người tài năng, tâm huyết làm việc trong khu vực công, ông Tuấn nhấn mạnh.
Số tiền ngân sách tiết kiệm được trong quá trình tinh giản biên chế theo ông Tuấn cần được sử dụng để trả thu nhập tăng thêm cho những người có năng lực ở lại trong bộ máy hành chính. Như vậy mới kích thích họ có động lực làm việc tốt hơn. Đồng thời cần xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả làm việc của công chức, viên chức dựa theo KPI để trả thu nhập tăng thêm cho họ. Việc tăng thu nhập của công chức, viên chức mới gắn liền với cải thiện năng suất làm việc trong khu vực công.
Trước đây, một cán bộ, công chức chỉ phục vụ 50 người dân, doanh nghiệp, nay họ phục vụ 100 người dân, doanh nghiệp thì mức lương trả phải tương xứng với đóng góp của họ.
Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) đánh giá việc tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1-7-2023 là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Tiền lương, thu nhập của công chức, viên chức, người lao động sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, với mức tăng ấy trong điều kiện không thể cao hơn nữa ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể đáp ứng đời sống của người làm công ăn lương.
Ông Thái chỉ rõ nhiều ý kiến cho rằng lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải giải pháp dài hơi để công chức, viên chức gắn bó với nghề. Mà đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương mới thực sự là giải pháp căn cơ - điều mà lẽ ra, nếu không phải phòng chống dịch - đã được thực hiện từ năm 2021.
Vị đại biểu nhấn mạnh cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận mức lương thấp sẽ không phản ánh đúng giá trị sức lao động đóng góp cho cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, tiền lương thấp không đủ bù đắp cho quá trình tái sản xuất giản đơn, đó là chưa nói đến tái sản xuất mở rộng. Đồng thời chưa thể bù đắp được quá trình đào tạo và tự đào tạo của cán bộ, công chức, viên chức để mà toàn tâm, toàn ý với công việc được giao.
"Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023. Nhưng nếu năm 2023 đất nước phát triển kinh tế - xã hội tốt và tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như 3 năm qua nên triển khai chính sách cải cách tiền lương. Cử tri rất trông đợi và mong đề án này sớm thực hiện", đại biểu Thái nêu.
Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ NGUYỄN TIẾN DĨNH:
Phải xác định đúng vị trí việc làm ở từng cơ quan, đơn vị
Việc cải cách chính sách tiền lương theo nghị quyết 27 của trung ương hết sức quan trọng. Vừa qua việc gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức đặc biệt trong ngành y tế, giáo dục xin thôi, nghỉ việc càng cho thấy sự cấp thiết của việc cải cách chính sách tiền lương.
Nghị quyết 27 nói rõ là tiền lương của người lao động phải đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của họ và lương phải chiếm 70% trong cơ cấu, còn lại là phụ cấp... Đồng thời, trả lương theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo quản lý, phụ cấp chức vụ. Do đó để cải cách tiền lương đạt được hiệu quả thì trước hết phải xác định đúng vị trí việc làm ở từng cơ quan, đơn vị. Từ việc xác định rõ vị trí việc làm thì mới xác định được mức lương cho mỗi vị trí việc làm hoặc cho mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý, chức vụ của người quản lý trong cơ quan nhà nước thế nào cho phù hợp và đáp ứng được nhu cầu đời sống của họ.
Cạnh đó phải tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của các cơ quan nhà nước đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục tinh giản biên chế, đẩy mạnh thực hiện tự chủ. Theo chỉ đạo chung và quyết tâm của Bộ Nội vụ cũng như tình hình kinh tế - xã hội đất nước, hy vọng rằng năm 2024 sẽ thực hiện được việc cải cách tiền lương.
THÀNH CHUNG ghi
Gần 2 triệu người hưởng lương từ ngân sách
Theo Bộ Nội vụ, tính đến nay, số người được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương là 79.057 người. Trong đó các bộ, ngành giảm 5.510 người, địa phương giảm 73.547 người. Các địa phương giảm mạnh biên chế là Thanh Hóa giảm 4.615 người, Quảng Nam giảm 3.148 người, Nghệ An giảm 3.011 người, Lạng Sơn giảm 2.898 người, Bình Phước giảm 2.648 người.
Bên cạnh đó, sở nội vụ các địa phương đã tích cực tham mưu giải quyết số lượng người dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
Cụ thể, cấp huyện dôi dư sau sắp xếp 706 người, đến nay đã giải quyết được 361 người, còn 345 người tiếp tục sắp xếp, giải quyết từ nay đến năm 2025. Cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 9.705 người, đến nay đã giải quyết được 6.657 người, còn 3.048 người tiếp tục sắp xếp, giải quyết từ nay đến năm 2025. Và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 8.448 người đã giải quyết được 7.956 người, còn 492 người chưa sắp xếp.
Theo Bộ Nội vụ, tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.998.083 biên chế. Trong đó biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách là 254.757 người, gồm biên chế làm việc tại bộ, ngành trung ương 106.890 người, làm việc tại địa phương 147.867 người.
Để tiếp tục giảm biên chế bộ máy, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng giao bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 và từng năm, để bảo đảm đến hết năm 2026 giảm tối thiểu 5% biên chế công chức và giảm 10% số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Một trong những giải pháp giảm biên chế bộ máy đang được Bộ Nội vụ tập trung xây dựng là hoàn thiện vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Những năm qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã.
Theo đề án vị trí việc làm đang được Bộ Nội vụ xây dựng thì tổng số vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước khoảng 866 vị trí. Trong khi, tổng số vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp khoảng 615 vị trí. Số vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã thời gian tới được xác định khoảng 17 vị trí.
Nhằm xác định rõ những vị trí việc làm này, thời gian qua Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện 13 thông tư về vị trí việc làm công chức, và 18 thông tư về vị trí việc làm viên chức. Đây được coi là bước đi đầu tiên để bộ cụ thể hóa số công chức, viên chức làm việc trong bộ máy những năm tới.
Những năm qua, dù chúng ta đã đẩy mạnh việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp nhưng bộ máy nhà nước vẫn quá cồng kềnh.
Đà Nẵng tiếp tục sắp xếp, tinh giản biên chế
Ông Võ Ngọc Đồng, giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết để nâng cao thu nhập thì phải sắp xếp bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế. Việc này TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều năm nay và trong giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt mục tiêu, cụ thể khối hành chính giảm 207 biên chế bằng 10,4%; khối các đơn vị sự nghiệp giảm 2.316 biên chế bằng 11,7%.
Nội dung tinh giản biên chế Bộ Nội vụ nêu trong giai đoạn 2022 - 2026 thì Thành ủy, UBND TP đã triển khai từ sớm rồi, phấn đấu giai đoạn này giảm tiếp 5% trong lực lượng công chức và 10% trong lực lượng viên chức. Cụ thể, Thành ủy Đà Nẵng có kế hoạch 100 và kế hoạch 101 ngày 30-12-2022 chỉ đạo triển khai thực hiện. Về đề án vị trí việc làm thì UBND TP đã ban hành các quyết định phê duyệt đề án vị trí việc làm cho 22/22 sở, ban ngành; 8/8 quận huyện, 45/45 phường và 100% đơn vị sự nghiệp. Như vậy đến bây giờ TP đã có văn bản triển khai và đang tổ chức thực hiện theo lộ trình.
HỮU KHÁ
Bộ Tư pháp cho rằng qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới, Việt Nam có thể nghiên cứu để giảm số bậc tính thuế thu nhập cá nhân với người làm công ăn lương từ 7 xuống còn 5 bậc.
Xem thêm: mth.99020249010203202-mal-ceiv-irt-iv-oeht-gnoul-art-es/nv.ertiout