Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với nghịch lý doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm. Theo đó, doanh nghiệp của ông Trương Sỹ Bá ghi nhận doanh thu trong quý IV đạt 2.158 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ.
Do biên độ tăng của giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn biên độ tăng của doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 55% so với cùng kỳ xuống còn 62,5 tỷ đồng.
Trong quý, mặc dù công ty cố gắng sự tiết giảm chi phí tài chính so với cùng kỳ nhưng các khoản chi phí khác lại ghi nhận mức tăng mạnh. Cụ thể, chi phí bán hàng đạt 22 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 25 tỷ đồng, tăng lần lượt 201% và 31% so với cùng kỳ quý IV năm ngoái.
Đáng chú ý, các khoản lợi nhuận khác ghi nhận sự tăng trưởng đột biến từ 542 triệu đồng trong quý IV/2021 lên 18 tỷ đồng tại quý IV/2022. Đây cũng chính là khoản “cứu” lỗ cho BAF trong quý này.
Sau khi trừ các chi phí, BAF báo lãi vỏn vẹn 6 tỷ đồng, sụt giảm mạnh hơn 91% so với cùng kỳ.
Luỹ kế trong năm 2022, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 7.047 tỷ đồng, giảm 32,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 293 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.
Thông tin thêm về khoản lợi nhuận khác, theo thuyết minh từ báo cáo tài chính cả năm, khoản tiền trên tăng đột biến chủ yếu do lãi từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định. Cụ thể, khoản thu này tăng mạnh hơn 103 lần so với năm 2021, đạt 37,4 tỷ đồng.
BAF lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần đạt 5.950 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 402 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và tăng 25% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc năm 2022 ông chủ heo ăn chay không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Thông tin về tình hình tài chính doanh nghiệp, tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của BAF Việt Nam đạt 4.908 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn trong cơ cấu tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn với 34%, tương đương 1.682 tỷ đồng.
Ngoài ra, BAF đang sở hữu các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn trị giá 140 tỷ đồng, trong khi đầu năm không ghi nhận. Chỉ số hàng tồn kho đến cuối năm 2022 đạt 875 tỷ đồng, giảm 19,5% so với số đầu kỳ. Tính tới cuối năm 2022, dư nợ của BAF là 3.160 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm.
Đặc biệt, trong năm nay, các khoản nợ vay tại các ngân hàng của BAF tăng đột biến. Cụ thể, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng mạnh 486% so với đầu năm, lên 956 tỷ đồng.
Đi sâu hơn về các khoản vay của BAF, công ty này đang sở hữu 7 khoản vay ngắn hạn với tổng giá trị là 264 tỷ đồng, trong khi con số này ở thời điểm đầu năm chỉ là 14 tỷ đồng. Lý do là bởi trong năm công ty phát sinh thêm 4 khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng với tổng trị giá hơn 210 tỷ đồng.
Về các khoản nợ dài hạn, bên cạnh các khoản vay tại các ngân hàng tăng gấp 2,7 lần so với số đầu năm, BAF còn sở hữu thêm khoản nợ trái phiếu trị giá 288 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những lý do đẩy chỉ số vay nợ của công ty này lên cao so với đầu năm.
Xét về dòng tiền, trong năm BAF Việt Nam ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 204 tỷ đồng so với cùng kỳ là 207 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 768 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận đạt 793 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay nợ bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Đáng chú ý, năm 2022 là năm ghi nhận sự biến động lớn trong tỉ lệ sở hữu của các cổ đông giữ vai trò chủ chốt tại công ty. Theo đó, khi các cổ đông liên tục giảm tỉ lệ sở hữu thì tại chiều ngược lại, Công ty Cổ phần Siba Holdings (tổ chức có cùng người nội bộ với BAF) đã thành công trở thành cổ đông lớn nhất với sở hữu 39,26% vốn điều lệ.