Trên đây là những ý kiến phản hồi của bạn đọc xung quanh câu chuyện người dân Nghệ An vào 'tỉnh tốp đầu' mua ô tô, Tuổi Trẻ Online đã phản ánh.
Mua xe hơi vì nhu cầu đi lại và nhờ dành dụm
Có một thực tế là khí hậu, thời tiết ở một số tỉnh phía Bắc, trong đó có Nghệ An khắc nghiệt hơn trong Nam, do đó việc sắm 1 con ô tô để tiện đi lại là một nhu cầu rất chính đáng của nhiều hộ gia đình.
Về ý này, bạn đọc Nguyễn Trọng Thủy viết: "Tôi có bà chị dâu làm giáo viên mầm non lương khoảng 6-7 triệu đồng/tháng nhưng cũng cố vay mượn để mua xe ô tô. Chị nói vì ở quê hay mưa, đi làm rét mướt, vất vả nên trang bị thôi".
Bổ sung, bạn đọc Lê Phổ viết: "Khí hậu Nghệ An - Hà Tĩnh khắc nghiệt cũng là một lý do khiến người dân ở vùng này sắm xe hơi. Mùa hè vô xe mở máy lạnh đi đỡ nóng, mùa đông thì vô xe ngồi không có gió tạt đỡ rét. Phần lý do khác là nhà này thấy nhà kia có cái xe đi tiện, tránh nắng gió đỡ cực, nên cũng ráng sắm"!
Biết liệu cơm gắp mắm và chi tiêu đúng việc, bạn đọc nick name Lều bổ sung: "Dân Nghệ đó là “tiết kiệm, không tiêu pha lặt vặt, nhưng lại rất đầu tư vào nhà cửa và phương tiện”. Đó là truyền thống từ bao đời nay".
Theo bạn đọc này, việc mua xe hơi để làm phương tiện đi lại chưa chắc người dân đã có của ăn của để, nhưng với "tính cách của người Nghệ khi kể cả mức thu nhập trung bình, họ vẫn tằn tiện mười năm, mỗi năm góp trăm triệu thì có được ngôi nhà. Sau nhà họ lại tằn tiện 5 năm góp nhặt để mua ô tô. Nên thu nhập thấp mà mua được nhà, được xe còn do tính cách con người nữa".
Phân tích một cách thực tế hơn, bạn đọc Lê Minh viết: "Thử làm một bài toán, gia đình có 4 người, thay vì mỗi bữa sáng chiều, 2 vợ chồng chia nhau đèo con đến trường, tôi mua 1 chiếc xe hơi để cả nhà đi chung, vừa an toàn mà còn tiện dụng".
Nên mừng vì kinh tế phát triển
Lý giải về nguyên nhân nhà nhà người người đua nhau mua xe hơi, nhiều ý kiến cho rằng với mục đích gì đi chăng nữa, nhưng có một điều chắc chắn rằng người nghèo họ không mua đâu, người mua chủ yếu là những người có điều kiện kinh tế.
Về ý này, bạn đọc Lê Đức Đồng viết: "Tôi về thăm quê sau chín năm và thấy Nghệ An có những bước tiến vượt bậc về mọi mặt. Đường sá tốt hơn. Xe cộ nhiều hơn, đi đây đi đó thuận tiện, giá cả vừa phải (từ Vinh về Anh Sơn, xe 4 chỗ chỉ có 120.000 đồng/người; xe chạy khoảng gần 90 phút)".
So sánh với những tỉnh thành khác, bạn đọc này làm phép tính: "Trong lúc đó, từ sân bay Cần Thơ về bến xe Cần Thơ, đi taxi là 250.000 đồng; từ Cần Thơ về Sóc Trăng là 125.000 (quảng đường khoảng 60 cây số)".
Và từ đó, bạn đọc Lê Đức Đồng kết luận: "Đó là điều đáng mừng bởi kinh tế nơi này phát triển. Một khi có nhiều xe tư nhân, việc đi lại cũng dễ dàng hơn, có mọi lúc mọi nơi và bất cứ giờ nào cũng có xe hoạt động".
Góp thêm một góc nhìn thực tế, bạn đọc Khương Võ viết: "Thu nhập người dân được cải thiện thì họ mới nghĩ đến việc mua được ô tô. Còn vay ngân hàng để mua ô tô thì càng chứng tỏ thu nhập phải đảm bảo rất ok và ổn định thì ngân hàng mới xét duyệt cho vay được".
Từ các lý do trên bạn đọc Khương Võ đề xuất: "Cũng cần rà soát những hộ nào đã thoát nghèo, cận nghèo nên xóa ra nhường chỗ cho những người khó khăn thật sự, tạo sự công bằng xã hội, hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn thực sự. Dịch COVID-19 vừa qua cũng đã bộc lộ nhiều bất cập".
Đồng ý với viêc nên rà soát lại thực tế để có cái nhìn khách quan hơn, bạn đọc nick name Coc viết: "Nếu như nói là do con cháu đi lao động nước ngoài gửi tiền về để mua ô tô thì không thể xem Nghệ An là tỉnh nghèo nữa. Không thể áp dụng các chính sách tỉnh nghèo cho nơi đây mà dồn cho tỉnh miền núi nghèo khó khác".
Dù là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người/năm gần như thấp của cả nước nhưng người dân Nghệ An lại nằm trong nhóm mua ô tô nhiều nhất trong năm 2022.
Xem thêm: mth.56623239010203202-ioh-ex-aum-nen-oc-paht-pahn-uht-naul-hnart/nv.ertiout