Bộ Công Thương có tờ trình lần 2 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành nghị định sửa đổi, khi thị trường xăng dầu có diễn biến phức tạp về nguồn cung và giá cả, một số cửa hàng đóng cửa, ngừng kinh doanh, Bộ Công Thương cho rằng việc điều hành mặt hàng xăng dầu đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vì vậy, bộ đã xin ý kiến Chính phủ sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến nghị định này.
Điều hành xăng dầu bộc lộ bất cập
Trước hết, về công thức giá và điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng việc quy định mức giá cơ sở theo công thức cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, sẽ không bao giờ phản ánh đúng chi phí của từng doanh nghiệp. Dẫn tới tình trạng có doanh nghiệp có thể bị lỗ, không duy trì được kinh doanh.
Đặc biệt trong bối cảnh thị trường xăng dầu biến động, nguồn cung bất ổn. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất cần sửa đổi, bổ sung quy định về công thức tính giá cơ sở.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất phương án là tiếp tục điều hành giá theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, sửa đổi công thức trên cơ sở rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh chưa được tính trong giá cơ sở. Đồng thời rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, đảm bảo tính đúng, tính đủ, kịp thời.
Thời gian điều hành giá được đề xuất rút ngắn xuống mức 7 ngày, công bố vào ngày thứ năm hằng tuần. Trường hợp giữa hai kỳ điều hành nếu giá cơ sở biến động tăng trên 5% thì Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá.
Việc chọn phương án này, theo Bộ Công Thương, để đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn diễn biến giá thế giới. Việc điều hành thực hiện cả ngày nghỉ, lễ nhằm tránh có biến động lớn, ảnh hưởng quyền lợi người dân và doanh nghiệp kinh doanh.
Không quy định chiết khấu tối thiểu, cho đại lý bán lẻ được lấy nhiều nguồn
Một nội dung được doanh nghiệp quan tâm là quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị không quy định về mức này. Với lý do là để doanh nghiệp tự quyết định, điều chỉnh linh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu thị trường.
Trong trường hợp đảm bảo lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, Bộ Công Thương cho rằng khi ký kết hợp đồng đại lý, các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.
Với đề xuất cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, ban soạn thảo cũng đồng thuận với quan điểm này. Mục tiêu là nhằm đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế đại lý trong quá trình đàm phán, mua hàng.
Đối với quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối, Bộ Công Thương cho rằng cần sửa đổi quy định theo hướng thương nhân phân phối chỉ được mua hàng tối đa của 3 thương nhân đầu mối, không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác.
Việc này là nhằm kiểm soát tốt hơn số lượng đơn vị cấp hàng cho hệ thống, đảm bảo sự linh hoạt trong cung ứng hàng.
Với tổng đại lý, bộ cho rằng sẽ xem xét loại bỏ loại hình thương nhân này để nhằm bỏ bớt khâu trung gian. Cũng bởi hiện nay vai trò của tổng đại lý không nhiều và tạo thêm nấc trung gian, nên bộ cho rằng việc loại bỏ là phù hợp.
Quản lý xăng dầu: Giữ nguyên quy định, không chuyển sang Bộ Tài chính
Điểm đáng chú ý trong dự thảo lần 2 này, liên quan đến đề nghị giao một đầu mối quản lý với xăng dầu, Bộ Công Thương nêu quan điểm đề xuất khác trước khi cho rằng cần chuyển quản lý xăng dầu về Bộ Tài chính.
Cụ thể, bộ đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ ngành trong quản lý mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của bộ, ngành liên quan.
Đồng thời, bộ cũng đề nghị bổ sung thêm quy định là thời gian điều chỉnh chi phí định mức rút xuống còn 1 quý/lần. Trường hợp trong quý có biến động tăng, giảm từ 5% trở lên thì cho phép điều chỉnh ngay.
Tại dự thảo lần 2 này, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục quan điểm giữ nguyên quy định về quản lý quỹ bình ổn xăng dầu như hiện nay. Tuy nhiên, về phân giao tổng nguồn xăng dầu, bộ đề nghị sửa đổi quy định theo hướng chi tiết hơn nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu.
Việc không điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1-2 đã được liên bộ Công Thương - Tài chính thống nhất trên cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền và được đồng ý.
Xem thêm: mth.29580703110203202-hnah-ueid-es-5-gnat-uad-gnax-aig-iom-taux-ed/nv.ertiout