Con chip chỉ vừa bằng cái móng tay nhưng đang là điểm nóng trong quan hệ thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn Mỹ - Trung Quốc, với những diễn biến phức tạp ngay từ những ngày đầu năm.
Từ tháng 10/2022, Chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều hạn chế mới, ngăn không cho Trung Quốc mua các chip bán dẫn tiên tiến và cả các thiết bị cần thiết để sản xuất chip. Cách đây 4 ngày, Hà Lan và Nhật Bản quyết định tham gia kế hoạch này với Mỹ - hạn chế xuất khẩu chip cao cấp sang Trung Quốc.
Cụ thể, các công ty muốn bán chip bán dẫn tiên tiến cho các thực thể ở Trung Quốc cần phải trải qua quy trình cấp phép đặc biệt và khó được chấp thuận. Liên minh Mỹ - Hà Lan - Nhật có thể gây tác động tới tham vọng xây dựng năng lực chip nội địa của Bắc Kinh. Phía Bắc Kinh cũng đã có những phát ngôn về sự kiện này.
Ông Uông Văn Bân - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay: "Những hành động của phía Mỹ gây tổn hại tới quy luật thị trường cũng như trật tự thương mại và kinh tế thế giới. Họ không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Trung Quốc, mà còn làm lung lay chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu".
Tuy nhiên, cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc có rất ít phản ứng đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ, ngoại trừ một số tuyên bố ngoại giao. Thay vì đáp trả, Trung Quốc có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp chip trong nước.
Con chip chỉ vừa bằng cái móng tay nhưng đang là điểm nóng trong quan hệ thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn Mỹ - Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Có thông tin cho rằng, Trung Quốc sẽ công bố gói hỗ trợ 143 tỷ USD cho các công ty trong nước ngay trong quý đầu tiên của năm nay. Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc cũng có thể sẽ tìm cách lách lệnh cấm vận.
Nếu Mỹ muốn thành công trong ý định của mình, họ cần bắt tay được với các nhà sản xuất chip lớn ở châu Âu và châu Á. Điều đó vẫn chưa chắc chắn vì cả các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp Hàn Quốc và các quan chức châu Âu đều chỉ trích các biện pháp của Mỹ là gây tổn hại cho sức khỏe của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Nhất là vào thời điểm nhạy cảm với nền kinh tế như hiện nay.
"Kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Nên chúng ta thấy dù có rất nhiều tiền được các chính phủ bơm vào ngành sản xuất chip bán dẫn, các doanh nghiệp vẫn chưa thể mạnh dạn đầu tư tăng sản lượng được vì quan trọng là ai sẽ mua", ông Richard Gordon - Phó Chủ tịch Tập đoàn Gartner cho biết.
Trong những thập kỷ qua, con chip bán dẫn đã khẳng định được tầm quan trọng vô song của nó như một linh kiện không thể thiếu trong tất cả các sản phẩm công nghệ và điện tử hay các phương tiện di chuyển.
Chạy đua sản xuất chip bán dẫn cũng đã trở thành vấn đề quan trọng tương đương với bảo vệ an ninh quốc gia. Đây cũng là lý do mà những cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc đang nỗ lực đổ rất nhiều tiền để có thể tự lực làm chủ công nghệ chip bán dẫn.
Trung Quốc chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chip cho các ngành sản xuất trong nước, có nghĩa là phụ thuộc nhập khẩu tới 70%. Do vậy việc trả đũa theo kiểu "ăn miếng trả miếng" sẽ khó ở thời điểm này.
Liên minh chip Mỹ - Hà Lan - Nhật Bản dù có lợi thế hơn ở thời điểm này những hành động hạn chế xuất khẩu chip cũng sẽ khiến các doanh nghiệp của họ bị thiệt hại lớn về doanh thu bởi Trung Quốc vẫn đang là nước nhập khẩu chip lớn nhất thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.84861635110203202-nad-nab-pihc-aud-couc-gnon/et-hnik/nv.vtv