Đề xuất này được nêu trong dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện để trình lên Chính phủ.
Hiện các đài truyền hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 43 và 60. Để tự chủ, họ phải đầu tư sản xuất nội dung chất lượng để thu hút quảng cáo, trong đó tập trung vào chương trình phim truyện chiếu tại khung giờ vàng.
Theo quy định, các đài phải hạn chế thời lượng quảng cáo trong ngày, cũng như tại các chương trình phim truyện giờ vàng. Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình không được vượt quá 10% tổng của chương trình phát sóng một ngày, trừ kênh chuyên về quảng cáo. Mức này với kênh truyền hình trả tiền là không quá 5%. Với phim truyện, nhà đài không được ngắt để quảng cáo quá 2 lần, mỗi lần không được quá 5 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá 4 lần, mỗi lần không quá 5 phút. Các chương trình thời sự, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc không được phát sóng quảng cáo.
Theo cơ quan soạn thảo, quy định này khiến các đài không thể tối đa hóa lợi nhuận. Vì thời lượng quảng cáo hạn chế, các đài phải tăng giá quảng cáo. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không sử dụng phương thức này, chọn các kênh quảng cáo có mức giá phải chăng hơn, làm doanh thu của đài truyền hình sụt giảm.
Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị sửa nới thời lượng quảng cáo, nhằm đảm bảo khả năng tự chủ tài chính của các đài truyền hình, nhưng cũng có sự kết hợp hài hòa giữa thời lượng của chương trình và của quảng cáo để đảm bảo lợi ích người xem.
Hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi Luật Quảng cáo dự kiến hoàn thiện, trình Chính phủ tháng 10 năm nay và trình Quốc hội năm 2024.
Bên cạnh quy định về thời lượng quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất tăng cường trách nhiệm các chủ thể tham gia vào hoạt động quảng cáo, nhất là những người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Việc này nhằm ngăn ngừa những quảng cáo sai sự thật tràn lan như hiện nay.
Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chưa được quy định là một chủ thể hoạt động quảng cáo. Sự thiếu sót này khiến họ chưa nhận được quyền và trách nhiệm khi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, luật mới sẽ quy định về quyền và nghĩa vụ của bốn chủ thể, gồm người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người tiếp nhận quảng cáo.
Cơ quan quản lý cũng định hướng bổ sung các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới và sửa đổi các quy định về quảng cáo có yếu tố nước ngoài. Hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu cơ chế để kiểm soát hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới bởi luật và các văn bản hướng dẫn chưa đưa ra quy định, biện pháp quản lý phù hợp với một chủ thể không hiện diện trong nước.
Anh Tú