Trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở Hoài An, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Ảnh: reuters.com
Hôm 30-1, Ủy ban Y tế tỉnh Tứ Xuyên công bố từ ngày 15-2, chính quyền sẽ không yêu cầu cha mẹ phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Ngoài ra, tỉnh này cũng sẽ loại bỏ quy định về số lượng đăng ký khai sinh cho các bậc cha mẹ. Các biện pháp này sẽ được áp dụng trong 5 năm.
Cho đến nay, ủy ban này chỉ cho phép các cặp vợ chồng muốn có tối đa 2 con đăng ký với chính quyền địa phương. Trong thông báo của chính phủ, chính quyền Tứ Xuyên cho biết biện pháp mới nhằm "chuyển trọng tâm của việc đăng ký sinh sang thúc đẩy mong muốn sinh con và kết quả sinh con".
Các chính sách sinh sản của Trung Quốc không cấm phụ nữ chưa kết hôn sinh con một cách rõ ràng. Tuy nhiên, cha mẹ thường phải có bằng chứng về hôn nhân để tiếp cận các dịch vụ miễn phí - bao gồm chăm sóc sức khỏe trước khi sinh, nhận lương trong thời gian nghỉ thai sản và đảm bảo việc làm.
Những người muốn đăng ký khai sinh ngoài giá thú thường phải đối mặt với những khoản tiền phạt nặng để có hộ khẩu cho đứa trẻ. Giấy đăng ký hộ khẩu quan trọng của Trung Quốc cho phép đứa trẻ tiếp cận giáo dục và các dịch vụ xã hội.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra ngày càng nhiều các biện pháp và tiến hành thay đổi sâu rộng về luật pháp để khuyến khích nhiều người sinh con hơn. Vào năm 2022, số dân của quốc gia này đã giảm lần đầu tiên sau 6 thập kỷ. Chính phủ lo ngại dân số già sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, do tỷ lệ người trong độ tuổi lao động giảm mạnh còn người cao tuổi cần hỗ trợ phúc lợi tăng lên.
Theo số liệu của chính phủ, Tứ Xuyên đứng thứ 7 về tỷ lệ dân số trên 60 tuổi, tương đương hơn 21%. Tỉnh này là một trong số những khu vực đã thử nghiệm nhiều biện pháp khuyến khích tăng tỷ lệ sinh. Vào tháng 7/2021, chính quyền đã tung ra các khoản trợ cấp hàng tháng cho cha mẹ sinh con thứ hai, hoặc thứ ba cho đến khi trẻ lên 3 tuổi.
Sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con và kết thúc hồi năm 2016, xã hội Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, do tâm lý thích con trai. Trong khi đó, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi từ chối kết hôn và sinh con, do chi phí sinh hoạt cao, áp lực nghề nghiệp và kỳ vọng của xã hội đối với phụ nữ gia tăng.
Ông Yi Fuxian - nhà nghiên cứu sản phụ khoa tại Đại học Wisconsin-Madison, chuyên gia về thay đổi dân số của Trung Quốc - cho biết trước đây, yêu cầu kết hôn thường kèm theo các giới hạn sinh con, chỉ sinh 1 con (sau này là 2 hoặc 3 con)/người đàn ông và phụ nữ.
"Giờ đây, chính sách mới đã hoàn toàn hủy bỏ các hạn chế đó. Vì vậy, không cần phải lấy hôn nhân làm điều kiện tiên quyết", ông nói và cho biết chính sách mới tôn trọng quyền sinh sản ngoài giá thú nhưng không khuyến khích sinh con ngoài giá thú, đồng thời cho biết thêm rằng việc có con ngoài giá thú vẫn chưa phổ biến ở Đông Á.
Trước những thay đổi ở Tứ Xuyên, người dân Trung Quốc đã có những phản ứng trái chiều. Trên mạng xã hội, hàng chục triệu người đã chia sẻ và thảo luận về vấn đề này. Một số người cho biết các biện pháp này không giải quyết được mối lo ngại của họ về giá nhà ở, trong khi những người khác bình luận về mối liên hệ giữa chính sách mới với tình trạng ngoại tình và lo ngại chính sách này ảnh hưởng đến việc mang thai hộ bất hợp pháp.
Một số người chỉ trích đây là chính sách tuyệt vọng để tăng tỷ lệ sinh. Một người nói: "Hãy xem xét câu hỏi có nên sinh con hay không sau khi cải cách hệ thống giáo dục và y tế".
Một số người ủng hộ chính sách mới cho rằng: "Nếu có những hạn chế về hôn nhân, buộc hai người phải lấy nhau rồi ít lâu sau, họ ly hôn – thì thật hỗn loạn! Chính sách mới bớt rắc rối hơn và tôn trọng quyền tự do sinh sản hơn".
Xem thêm: mth.1951604110203202-ed-hnis-ehc-nah-ob-aox-couq-gnurt-auc-neit-uad-hnit/nv.ertiout