Ngày 1-2, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chăm lo tết Quý Mão và tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 2-2023.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN |
Phân cấp, giao quyền chặt chẽ hơn
Đánh giá chung về công tác chăm lo tết Quý Mão, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng toàn xã hội chủ động chăm lo với tinh thần bảo đảm cho mọi người, mọi nhà vui xuân đón tết. “Năm nay chúng ta thực hiện nghiêm và lành mạnh nhất là việc không tổ chức các đoàn đi chúc tết lãnh đạo, thay vào đó là tập trung chăm lo cho các đối tượng khác cần thiết hơn, tạo nên những ý nghĩa thiết thực” - Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay.
Góp ý về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói cần phân tích việc các chỉ tiêu về kinh tế của TP.HCM sụt giảm trong tháng 1 là có căn cứ. Theo ông, điều quan trọng là địa phương cần xem lại vì sao cả nước đều tăng nhưng chỉ riêng TP.HCM suy giảm, từ đó tìm ra cách khắc phục.
Các địa phương cần phân tích vì sao các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TP.HCM suy giảm trong tháng 1 để từ đó tìm ra cách khắc phục.
TP.HCM cần quan tâm công tác dự báo, nắm chắc tình hình để chuẩn bị cho những tình huống ứng phó trong giai đoạn thích ứng, không bị động, bất ngờ. Ông gợi mở TP cần tập trung các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong năm nay là 7,5%-8%. “Trước hết phải khởi động nhanh những hoạt động mang tính chất đòi hỏi sự điều hành phải quyết tâm, nhanh, linh hoạt, quyết liệt, cụ thể hơn; phân cấp, giao quyền chặt hơn” - ông Nên nói và yêu cầu siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả các hoạt động công vụ.
Chính quyền TP cần tập trung ứng phó với những ách tắc có thể xảy ra, chú trọng đầu tư xã hội (đạt trên 45%); nỗ lực tăng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công để tạo đà tăng trưởng. Cùng với đó cần có biện pháp về tinh thần, củng cố lòng tin, thu hút nhà đầu tư vào TP.HCM.
Bí thư TP.HCM cũng yêu cầu triển khai nhanh, hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. “Để thực hiện những nhiệm vụ này, cán bộ TP.HCM phải bản lĩnh, trưởng thành hơn; quan trọng nhất là làm việc với tinh thần chủ động, hiệu quả nhất để mang lại kết quả thực chất” - ông Nên nhấn mạnh.
70.000
tỉ đồng là số vốn đầu tư công mà TP.HCM được giao thực hiện trong năm 2023, gấp đôi so với năm 2022.
Siết kỷ cương về đầu tư công
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội của TP trong tháng đầu năm 2023 vẫn chịu ảnh hưởng từ quý IV-2022. Những vệt dài khó khăn vẫn kéo đến tháng 1-2023. Thực tế có thể sẽ kéo đến tháng 2, tháng 3 và chỉ có thể dịu đi nếu TP.HCM ứng phó tốt. Vì thế, ông yêu cầu cán bộ phải xốc vác vào việc, hành động ngay trong tháng 2 để rút ngắn đà suy giảm, đưa kinh tế TP sớm phục hồi ngay trong quý II.
Ông Mãi một lần nữa nhắc đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công của TP trong năm 2022 vẫn đạt tỉ lệ thấp dù TP đã có nhiều giải pháp. Đến ngày 31-1, tỉ lệ giải ngân chỉ mới đạt gần 70%. Một số đơn vị, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp, có chủ đầu tư giải ngân chỉ 0 đồng.
“Tôi, giám đốc Sở KH&ĐT và phó giám đốc phụ trách lĩnh vực đầu tư công, các trưởng ban của các ban lớn, người đứng đầu các chủ đầu tư giải ngân 0 đồng thì không được xếp loại xuất sắc trong năm 2022. Tôi tự nhận giảm bậc thi đua” - ông Mãi nói và yêu cầu toàn hệ thống phải nghiêm túc siết kỷ cương, kỷ luật về công tác đầu tư công.
Ông Mãi cũng yêu cầu các cơ quan, sở, ngành, địa phương phải quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công để tạo nguồn dẫn dắt cho đầu tư xã hội. Đến cuối tháng 2, các chủ đầu tư phải báo cáo lại UBND TP kế hoạch triển khai cụ thể các dự án đã được phân bổ vốn để đảm bảo đến cuối năm sẽ giải ngân xong. Nếu TP nhận thấy không rõ sẽ điều vốn sang các dự án khác. Với các dự án trong danh mục dự phòng, Sở KH&ĐT cùng các sở liên quan chuẩn bị kỹ hồ sơ để đến tháng 3, UBND TP sẽ đề nghị với HĐND phân bổ trong kỳ họp chuyên đề.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các sở, ngành TP, các quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai đầy đủ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp ngay, không chờ đợi; từng ngành, từng địa phương, Cục Thống kê, Viện Nghiên cứu phát triển TP theo dõi, bám sát tình hình, chủ động ứng phó và đề xuất tháo gỡ.
Ông Phan Văn Mãi cũng thông tin: Trong quý I, TP sẽ triển khai phần mềm để quản lý đầu công việc, đồng thời đưa ra con số cụ thể về tỉ lệ công việc tồn đọng ở mức bao nhiêu là chấp nhận được để giám sát, chấm điểm giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn trong thẩm quyền giải quyết của TP.HCM như thuế, hải quan, quy hoạch… Cùng với đó, các sở, ngành TP cùng quận, huyện và TP Thủ Đức cần có các giải pháp để ráp nối với ngân hàng, có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp về lao động, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư, chuyển đổi số…
Trong tháng 2, các sở, ngành, quận, huyện phải rà soát đăng ký những công trình sẽ khởi công và hoàn thành trong năm 2023; rà soát tiến độ 49 công trình, đề án trọng điểm và có báo cáo cụ thể với UBND TP.HCM.
TP.HCM phấn đấu hoàn thành nội dung nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để trình Chính phủ vào ngày 20-3, đồng thời đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31.•
TP.HCM chi hơn 1.200 tỉ đồng chăm lo tết Quý Mão
Thông tin về công tác chăm lo tết Quý Mão 2023, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết tổng kinh phí chăm lo tết Quý Mão 2023 mà TP.HCM đã chi là hơn 1.229 tỉ đồng, tăng 167 tỉ đồng so với tết Nhâm Dần.
Ngoài ra, TP đã tổ chức 43 đoàn đại biểu thăm các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lão thành cách mạng và gia đình; các đơn vị lực lượng vũ trang trực sẵn sàng chiến đấu phục vụ tết; chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho 612.167 đối tượng diện chính sách có công, chính sách xã hội, dân nghèo, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…