Đây có thể sẽ là một thế lực đáng gờm mới cạnh tranh với những ngành nghề, trong đó có cả nghề biên tập viên truyền hình hay phóng viên.
Sau khi ChatGPT được phát hành vào cuối tháng 11/2022, nhiều đánh giá nhận định chương trình này là một hiện tượng công nghệ, trở thành công cụ sử dụng có số lượng người tham gia trong một thời gian ngắn, đạt mốc 1 triệu người dùng chỉ sau 5 ngày ra mắt so với các công nghệ khác phải mất hàng tháng, hay nhiều năm để có được số lượng người dùng tương đương. Vậy thực tế ChatGPT có thần thánh đến thế không? Và trong thị trường lao động của thế giới, trí tuệ nhân tạo, hay AI đang có vị trí như thế nào?
Trang CBS của Mỹ giật một tít khiến nhiều nhân viên phải chột dạ: "ChatGPT đang giúp các CEO tư duy. Liệu nó có chiếm luôn công việc của bạn không?".
ChatGPT ra mắt đến nay đã tròn 2 tháng. Công ty mẹ của nó là OpenAI - một công ty khởi nghiệp ở San Francisco Mỹ có quan hệ gần gũi với tập đoàn Microsoft.
ChatGPT gây lo ngại vì khả năng trả lời các câu hỏi của người dùng, viết luận, lập trình... một cách dễ dàng. (Ảnh: OpenAI)
ChatGPT có thể làm được khá nhiều thứ. Nó có thể trò chuyện, tạo văn bản theo yêu cầu và thậm chí tạo ra những hình ảnh và video mới lạ dựa trên những gì nó đã học được từ nguồn dữ liệu khổng lồ trên mạng.
Hàng triệu người đã thử chơi với ChatGPT trong tháng qua, sử dụng nó để viết những bài thơ hoặc bài hát hài hước, cố lừa nó mắc lỗi. Tất cả những thông tin do con người mớm cho ChatGPT có thể khiến nó thông minh hơn, nhưng đây cũng chính là lỗ hổng, theo một số chuyên gia.
"Làm sao chúng ta có thể chắc chắn là công cụ này không đưa ra các thông tin sai lệch, hoặc những lời khuyên có hại? Điều tôi sợ nhất là một ngày nó sẽ đưa ra các thông tin mà không ai kiểm chứng được nguồn gốc, dẫn chứng các kiến thức không có thật", ông Aljoscha Burchardt, chuyên gia nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu AI của Đức, đánh giá.
Tuy nhiên, việc tập đoàn Microsoft đã quyết định đầu tư 10 tỷ USD vào công cụ AI này cho thấy tiềm năng tương lai của những công cụ như ChatGPT là không thể xem nhẹ. Theo chuyên gia của trang CBS, ít nhất các công việc giấy tờ, sổ sách, hành chính văn thư của các nhân viên cấp dưới và cấp trung có thể sẽ sớm được giao cho AI xử lý. Những việc đơn giản như viết nội dung quảng cáo cơ bản, hay soạn thảo văn bản pháp lý nếu giao cho AI làm chắc chắn sẽ rẻ hơn.
"Khoảng 15 - 70% các công việc máy tính văn phòng mà chúng ta đang làm trong hiện tại hoàn toàn có thể được thay thế bởi AI", ông Mihir Shukla, CEO công ty Automation Anywhere, cho biết.
Tuy nhiên giao thêm việc cho các chatbot cũng không hẳn là tước đi cơ hội việc làm của người khác. Đây đơn giản chỉ là một cách vận hành tổ chức sao cho hiệu quả hơn.
"Ví dụ như các bác sĩ trong bệnh viện, họ mất từ 40 - 60% quỹ thời gian cho việc giấy tờ, sổ sách. Nếu có thể giao đầu việc này cho chatbot AI thì họ sẽ có nhiều thời gian dành cho bệnh nhân hơn", ông Aljoscha Burchardt, chuyên gia nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu AI của Đức, cho hay.
Một điều chắc chắn là sau đây, với sự ra đời nhiều hơn của các công cụ AI này, thị trường lao động sẽ thay đổi mãi mãi. Ít nhất, tới 30% giới chuyên môn tại Mỹ được CBS khảo sát cho biết họ đã dùng các công cụ AI này để hỗ trợ trong công việc. Trong đó các ngành như marketing và quảng cáo có mức độ sử dụng AI cao nhất.
Công nghệ được phát triển nhằm phục vụ cuộc sống loài người và xã hội. Do vậy, ChatGPT có thể thay thế một số công việc đơn giản cần nhìn ở góc độ tích cực. Tuy nhiên Giám đốc điều hành OpenAI - công ty phát triển ra ChatGPT, cũng chia sẻ trên Twitter rằng: "Thật sai lầm khi dựa vào nó cho bất cứ điều gì quan trọng ngay bây giờ".
VTV.vn - Sau khi ra mắt vào cuối tháng 11 năm ngoái, công cụ có tên ChatGPT đã và đang tạo nên cơn sốt trên toàn cầu, trong đó có cả người dùng ở Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.13723520020203202-nab-auc-mal-ceiv-id-yal-oc-tpgtahc/et-hnik/nv.vtv