Chuyện xảy ra vào ngày 28-1 (mùng 7 Tết). Du khách phản ánh một phụ nữ bán hải sản tại làng chài Mũi Né dùng hai chiếc cân - một chiếc đúng, một chiếc gian. Khách dùng ba lon bia cân đối chứng để phát hiện chiếc cân gian.
UBND phường Mũi Né đã cử lực lượng chức năng đến kiểm tra, thu giữ hai chiếc cân cùng bốn chiếc cân khác có dấu hiệu gian lận. Phường đã mấy lần tới nhà mời người phụ nữ cân gian đến làm việc, nhưng người này không có mặt tại địa phương.
Khu vực này là điểm tập kết hải sản bán cho thương lái, chủ vựa. Làng chài có vị thế đẹp nên khách đến ngắm cảnh, chụp hình ngày càng nhiều. Nhiều khách muốn mua hải sản tận gốc. "Chợ" tự phát mọc lên với những chiếc lều tạm bợ.
Cân gian là chuyện thường ngày ở các chợ tự phát kiểu này. Bao lần địa phương ra quân kiểm tra, tịch thu cân gian, đặt cân đối chứng... nhưng nạn cân gian vẫn tái diễn.
Theo tôi, việc cần làm liền để dẹp nạn cân gian là dẹp chợ tự phát ở những điểm du lịch. Dẹp ngay khi vừa mới manh nha, để càng lâu càng khó xử lý. Các chủ vựa và tiểu thương ở chợ, có thương hiệu và địa chỉ cụ thể, ít dám gian lận nếu muốn làm ăn ổn định lâu dài. Về phía du khách, mua hàng ở các chợ tự phát lắm khi vô tình tiếp tay cho tệ nạn gian lận...
Ai muốn buôn bán xin mời vào chợ hoặc mở cửa hàng bán đặc sản đúng giá niêm yết. Khách có nhu cầu mua hàng, cứ vào chợ hoặc các cửa hàng. Mua hàng rong và tại chợ tự phát, không biết ai ngay thẳng ai gian lận, khách chỉ rước thiệt hại vào mình.
Việc cân gian kiểu như ở làng chài Mũi Né phải được dứt điểm. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu tái diễn. Người dân và du khách cần hợp lực phát hiện tố giác những hành vi làm xấu hình ảnh du lịch địa phương.
Không bó tay với cân gian
Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online phản hồi như vậy về bản tin "Không dẹp được nạn cân gian lận ở làng chài Mũi Né?".
Theo bạn đọc Huỳnh, việc cân thiếu rất phổ biến ở các chợ truyền thống và chợ tự phát. "Không chỉ chuyện ở Mũi Né. Ở đâu có chợ chồm hổm là có cân gian lận. Gian lận nhiều hay ít còn tùy vào giá khách trả giá mua hàng" - bạn đọc Tư Ý cho hay.
"Thời đại nào rồi mà còn gian lận, lươn lẹo kiểu đó? Làm ô danh địa phương quá đi!", bạn đọc Trần Vũ viết. Bạn đọc Andy Doan và nhiều bạn đọc bức xúc trước cách xử lý của cơ quan hữu quan trong vụ việc này: "Đâu phải tịch thu cân rồi thôi!". Bởi theo bạn đọc Chris Nguyen, cân gian dối cũng giống như hành vi trộm tiền của khách hàng, cần phải xử lý mạnh tay mới dẹp được.
"Chính quyền phải mạnh tay chấn chỉnh gian thương", bạn đọc Dũng nhấn mạnh cách xử lý. Bạn đọc Đỗ Huỳnh Thanh Cơ cho rằng: "Bắt phạt tiền và tịch thu cân không có tác dụng ngăn chặn. Người vi phạm sau đó vẫn cân gian tiếp, vì một lần cân gian dù chỉ thu lợi vài chục ngàn đồng nhưng một năm nhiều lần cân gian sẽ thu lợi bất chính một số tiền lớn. Vì vậy nên quy định mức tiền vi phạm phải cao hơn".
"Nếu khách tẩy chay với các kiểu cân gian, mất kế sinh nhai, tự khắc người buôn bán phải thay đổi thôi" - bạn đọc An Nguyen có ý kiến.
Theo bạn đọc Danh, kinh doanh là phải có lời. Nhưng người bán thường cạnh tranh bằng giá, mà bán rẻ quá thì lại sinh tật ăn gian. Vậy nên cần có bàn tay chấn chỉnh để mọi người buôn bán đàng hoàng.
CÔNG DŨNG tổng hợp
Chiều 30-1, ông Bùi Ngọc Lâm - chủ tịch UBND phường Mũi Né, TP Phan Thiết, Bình Thuận - cho biết chưa xử lý được người phụ nữ bị tố cân gian hải sản bán cho du khách ở khu vực làng chài Mũi Né, gây xôn xao trên mạng xã hội những ngày qua.
Xem thêm: mth.92985438020203202-gnohk-ohk-naig-nac-nan-ped/nv.ertiout