Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22 quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn tại Kho bạc Nhà nước khi tính tỉ lệ dư nợ cho vay (LDR) so với tổng tiền gửi và có lộ trình giảm dần.
Các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào tại Kho bạc nhà nước sẽ có lợi thế từ quy định mới trong Thông tư 26, giảm áp lực lên lãi suất cho vay.
Cụ thể, từ nay đến hết năm 2023, tiền gửi có kỳ hạn tại Kho bạc Nhà nước sẽ được tính vào tổng huy động với tỉ lệ khấu trừ là 50% và tăng dần lên các năm nay từ tới năm 2026. Từ năm 2026 trở đi, các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được khấu trừ 100% (tức là không đưa tiền gửi có kỳ hạn tại Kho bạc Nhà nước vào cấu phần tổng huy động).
Trần tỉ lệ LDR đang được áp dụng tại các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 85%. Cách tính tổng cho vay không thay đổi.
Đánh giá về tác động của Thông tư 26, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng quy định mới sẽ tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống, khi có khoảng 50% tiền gửi Kho bạc Nhà nước có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống. Con số này ước tính hơn 150.000 tỉ đồng, dựa trên số liệu báo cáo tài chính quý IV/2022 của các ngân hàng thương mại. Như vậy, áp lực lên lãi suất cho vay sẽ phần nào giảm đi.
Thông tư 26 cũng sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước. Trong đó, phải kể đến các "ông lớn" ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, BIDV, VietinBank với tỉ lệ LDR mới giảm đáng kể so với trước đó.
Xem thêm: mth.26091332120203202-taus-ial-maig-ioh-oc-meht-oc-gnah-nagn-nol-gno-ueihn/et-hnik/nv.moc.dln