Kiến nghị được gửi tới nhiều cơ quan chức năng như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Các doanh nghiệp kiến nghị cần sửa đổi các quy định về công thức tính giá cơ sở, mức chiết khấu, tiếp cận nguồn hàng… để đảm bảo tính công bằng hơn, sớm chấm dứt tình trạng nhiều cây xăng phải đóng cửa, nghỉ bán như thời gian qua nhằm chấm dứt tình trạng "mở bán thì thua lỗ, đóng cửa thì bị cơ quan chức năng xử phạt" trong suốt hơn một năm qua.
Bán lẻ xăng dầu tố bị chèn ép
"Doanh nghiệp bán lẻ như bị đẩy vào bước đường cùng" - đó là lời chia sẻ của một doanh nghiệp tư nhân sở hữu các cửa hàng bán lẻ tại miền Nam khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Theo vị này, sau khi trao đổi với Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), nhóm doanh nghiệp đại diện cho gần 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu cả nước (chiếm trên 50% tổng số cửa hàng bán lẻ) đã trực tiếp gửi đơn tới các cơ quan chức năng để "kiến nghị khẩn cấp", góp ý về việc sửa đổi nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu
Lặn lội đi từ 2h sáng từ Trà Vinh về Sài Gòn để kịp chuyến bay ra Hà Nội cùng các doanh nghiệp, ông Giang Chấn Tây - chủ Công ty Bội Ngọc - cho rằng nội dung dự thảo sửa đổi quy định về quản lý xăng dầu hiện nay chưa phù hợp.
Đặc biệt là ở khâu bán lẻ - cánh tay nối dài đưa xăng dầu ra thị trường - nhưng vẫn chưa có những quy định để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và gây bất ổn cho thị trường.
Ông Tây cho hay theo quy định hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên bị chèn ép về chiết khấu, do nhà phân phối biết rằng nếu không lấy hàng của họ thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác.
"Doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu" - đơn kiến nghị khẩn cấp của các doanh nghiệp nêu và cho rằng đây là điểm bất hợp lý, thiếu công bằng với các thương nhân phân phối.
Bằng chứng là theo quy định của nghị định 83 và nghị định 95, thương nhân phân phối dù cũng có cửa hàng bán lẻ nhưng được quyền lợi về giá trên cơ sở được có lợi nhuận, được lấy hàng ở nhiều nơi, được chủ động nguồn hàng.
Nhờ ưu thế đó, thương nhân phân phối có thể chủ động được nguồn hàng khi tham gia thị trường, có thể cắt chiết khấu cho khách hàng để giữ chân khách.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trong bối cảnh khi giá có xu hướng tăng, doanh nghiệp bán lẻ sẽ ở thế bị động khi bị nhà cung cấp từ chối bán hàng, không giao hàng.
"Việc thiếu nguồn hàng khiến cho các cửa hàng của chúng tôi rơi vào tình thế khó. Muốn duy trì mở bán thì không có hàng, mà đóng cửa lại bị phạt", một doanh nghiệp bức xúc.
Cạnh tranh không công bằng
Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, các thương nhân phân phối vừa được bán buôn vừa được bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ, được hưởng quá nhiều quyền lợi về giá bán buôn và được chủ động nguồn hàng nhiều nơi.
"Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ không có quyền lấy nhiều nguồn hàng và bị hạn chế nguồn hàng khi khan hiếm dẫn đến đứt hàng buộc phải ngưng bán hàng", một doanh nghiệp nói.
Theo các doanh nghiệp, với quy định như hiện nay và dự thảo sửa đổi của nghị định 83 và nghị định 95, dẫn đến tình trạng thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhà bán buôn và bán lẻ. Các doanh nghiệp bán lẻ luôn ở vào thế bị "bắt chẹt", "chèn ép".
"Các doanh nghiệp bán lẻ bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, quan hệ giao dịch luôn ở vào thế bất lợi. Chưa kể những chi phí phát sinh, rủi ro về pháp lý, không thể đảm bảo nguồn vốn, lợi nhuận để kinh doanh", một doanh nghiệp bán lẻ cho biết.
Do đó, ngoài việc cho phép được mua hàng từ ba nhà phân phối, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị trong công thức tính giá cơ sở cần ghi nhận cụ thể mức chiết khấu - như một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ.
Quy định về công thức giá cơ sở cần phân chia làm ba khâu để mỗi khâu đều có chi phí kinh doanh gồm nhập khẩu, phân phối và bán lẻ, đảm bảo tính công bằng cho các khâu trong vận hành hệ thống phân phối xăng dầu.
Trong thực tế, theo quy định tại công thức tính giá cơ sở có chi phí kinh doanh định mức đối với mỗi lít xăng dầu (1.000 - 1.250 đồng/lít tùy loại) nhưng tại nhiều thời điểm, các doanh nghiệp đầu mối giữ lại toàn bộ số tiền này, chiết khấu 0 đồng cho nhà bán lẻ.
"Việc giải quyết mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ sẽ khắc phục được bất ổn, đảm bảo tính công bằng giữa các thành phần tham gia chuỗi cung ứng", kiến nghị nêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một hệ thống bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho biết nếu được quy định mức chiết khấu tối thiểu trong giá cơ sở khi sửa đổi nghị định 83 và 95, doanh nghiệp bán lẻ sẽ tránh được tình trạng các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối đưa ra mức chiết khấu 0 đồng, âm như thời gian qua.
Theo ông giám đốc này, các doanh nghiệp bán lẻ sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các đầu mối và phân phối, song cứ kéo dài việc chiết khấu thấp, thậm chí chiết khấu âm sẽ khiến doanh nghiệp bán lẻ sớm rời khỏi thị trường bởi không thể cầm cự được lâu.
"Việc cho phép được mua hàng từ ba doanh nghiệp đầu mối, phân phối cũng là hướng để nhà bán lẻ chủ động hơn trong nguồn cung, tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nếu chỉ lấy hàng từ một nguồn, doanh nghiệp bán lẻ như "cá nằm trên thớt" khi phụ thuộc nguồn hàng của một nguồn lại bị chèn ép về mức chiết khấu", ông nói.
ĐBSCL: nhiều cây xăng vẫn treo bảng hết xăng
Ngày 1-2, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, dọc tuyến đường tỉnh 842, 843 đoạn huyện Tân Hồng, Đồng Tháp vẫn còn tình trạng cây xăng để bảng hết xăng, dù giá xăng đã được điều chỉnh tăng từ tối 30-1 như cây xăng Xuân Khôi 7 (cặp đường tỉnh 843, đoạn xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng) và cây xăng Năm Kinh (cặp đường tỉnh 842, xã An Phước, huyện Tân Hồng).
Trong khi đó tại An Giang, dọc tuyến tỉnh lộ 955A vẫn còn nhiều cây xăng "cửa đóng then cài" từ trước Tết đến nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Dũng - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp - thừa nhận vẫn còn tình trạng một số cây xăng lấy nguồn hàng không cố định hoặc không có hợp đồng dài hạn nên bị đứt nguồn cung.
"Do họ không có hợp đồng dài hạn lấy hàng từ các doanh nghiệp xăng dầu lớn mà chỉ hợp đồng ngắn hạn với các doanh nghiệp nhỏ lẻ nên không có hàng để bán", ông Dũng nói và cho rằng với chiết khấu thấp như hiện nay, rất khó để các cây xăng bán hàng ổn định.
B.ĐẤU - Đ.TUYẾT
Bộ Công Thương đề xuất tăng vị thế cho nhà bán lẻ
Trong tờ trình gửi Thủ tướng ngày 18-1 vừa qua, Bộ Công Thương đề xuất cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, có thể giới hạn 2-3 nguồn nhằm tăng vị thế cho đại lý bán lẻ trong đàm phán mua hàng.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các kiến nghị và góp ý trước đó của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đối với dự thảo sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83 được Bộ Công Thương đưa ra lần thứ nhất cũng đã được bộ này ghi nhận trong dự thảo lần 2 trình Thủ tướng.
Cho nhà bán lẻ được mua từ nhiều nguồn, giá tăng 5% sẽ điều chỉnh
Dù ủng hộ đại lý bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn, có thể hạn chế 2-3 nguồn, nhưng Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhược điểm của phương án này là khó kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng, giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng.
Khi nguồn cung gặp khó khăn sẽ không có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm về nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý.
Trong khi đó, Bộ Công Thương lại bảo lưu quan điểm không quy định về mức chiết khấu với lý do là để doanh nghiệp tự quyết định, điều chỉnh linh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu thị trường.
Trong trường hợp đảm bảo lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, Bộ Công Thương cho rằng khi ký kết hợp đồng đại lý, các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.
Cũng liên quan đến công thức tính giá cơ sở, trong tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án là tiếp tục điều hành giá theo quy định hiện hành, thay vì cho doanh nghiệp quyền tự quyết như kiến nghị trước đó.
Tuy nhiên, bộ này cho rằng cần sửa đổi công thức tính giá trên cơ sở rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh chưa được tính. Đồng thời rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, đảm bảo tính đúng, tính đủ, kịp thời.
Ngoài ra, thời gian điều hành giá được đề xuất rút ngắn xuống mức bảy ngày, công bố vào ngày thứ năm hằng tuần. Trường hợp giữa hai kỳ điều hành nếu giá cơ sở biến động tăng trên 5%, liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá.
Phương án điều hành này theo cơ quan quản lý, sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn diễn biến giá thế giới.
Việc điều hành thực hiện cả ngày nghỉ, lễ nhằm tránh có biến động lớn, ảnh hưởng quyền lợi người dân và doanh nghiệp kinh doanh.
Cần loại bỏ bớt thương nhân phân phối?
Cũng theo tờ trình của Bộ Công Thương, thương nhân phân phối chỉ được mua hàng tối đa của ba thương nhân đầu mối, không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác.
Với tổng đại lý, bộ cho rằng sẽ xem xét loại bỏ loại hình thương nhân này nhằm bỏ bớt khâu trung gian.
Đặc biệt, việc quản lý xăng dầu được đề xuất vẫn sẽ giữ nguyên như hiện hành, tức là có nhiều bộ ngành tham gia nhưng sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng việc cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua hàng từ nhiều nguồn là hợp lý.
Tuy nhiên, cần nâng cao trách nhiệm của đại lý và có chế tài phạt nặng, như chịu trách nhiệm về chất lượng nếu phát hiện vi phạm, thậm chí có hình phạt thu hồi giấy phép.
Đồng thời, cần giữ nguyên quy định về chiết khấu, để cho thị trường tự vận hành do các doanh nghiệp bán lẻ được mua hàng từ nhiều nguồn, nên có tính cạnh tranh hơn.
Trong khi đó, một thương nhân đầu mối tại miền Tây cho rằng đề xuất bỏ tổng đại lý là không hợp lý, mà cần phải bỏ khâu thương nhân phân phối. Bởi tổng đại lý chịu trách nhiệm phân phối hàng cho các thương nhân đầu mối, là cánh tay nối dài cho các đầu mối và nhiều ngành hàng khác vẫn duy trì hình thức này.
"Thương nhân phân phối chỉ là một khâu trung gian, không phát huy được vai trò trong chuỗi cung ứng mà còn có hạn chế, bộc lộ những bất cập trong thời gian qua, gây bất ổn thị trường", người này nói.
* Ông Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia tài chính):
Cần có thị trường xăng dầu cạnh tranh
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, việc Nhà nước tiếp tục quản lý giá, quản lý xăng dầu toàn diện vẫn là yêu cầu đặt ra.
Tuy nhiên, cần tiến tới một thị trường xăng dầu đúng nghĩa, cạnh tranh lành mạnh hơn trên cơ sở thiết chế ra các yếu tố để thị trường vận hành, từ cơ chế giá, các thành phần tham gia, cho đến việc quản lý.
Hoạt động kinh doanh xăng dầu phải được tự do hơn, các khâu phải chủ động hơn, doanh nghiệp được quyền kinh doanh theo yêu cầu của thị trường, để giá cạnh tranh hơn.
Nhà nước cần nâng cao vai trò điều tiết thị trường trên cơ sở xây dựng kho dự trữ để điều phối hoạt động xăng dầu thông qua việc bán ra, mua vào khi giá lên hay xuống chứ không phải như quy định giá hiện nay nữa...
Các doanh nghiệp cũng cần được cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh hơn thay vì cạnh tranh chưa đảm bảo tính bình đẳng như hiện nay.
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường, trong đó đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế tối đa trong khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn, riêng với dầu hỏa đề nghị giữ khung thuế như hiện hành.
Xem thêm: mth.55102609020203202-gnab-gnoc-iod-uad-gnax-el-nab-ahn/nv.ertiout