Với mục tiêu giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, tháng 12/2022, phương Tây tung ra gói trừng phạt năng lượng lớn nhất họ từng áp lên một quốc gia. Đó là cấm nhập khẩu dầu thô Nga bằng đường biển, trong khi châu Âu vốn là khách mua lớn nhất với mặt hàng này.
Họ cũng cấm các chủ tàu, nhà băng và công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ chi dầu thô Nga, trừ khi hàng hóa này được bán bằng hoặc dưới giá trần 60 USD mỗi thùng.
Trước đó, nhiều người nghĩ rằng gói trừng phạt này sẽ là một thành công lớn. Đó là chưa kể ngày 5/2 tới, châu Âu tiếp tục trừng phạt dầu diesel và các sản phẩm tinh chế khác từ dầu Nga.
Tuy nhiên, theo các dữ liệu thu thập được và phân tích của riêng The Economist, dầu Nga hiện chưa bị ảnh hưởng đáng kể. Theo đó, gói trừng phạt lên dầu thô hồi tháng 12 không hạn chế được doanh số bán dầu của Nga. Sau một thời gian tạm lắng do các công ty châu Âu tuân thủ mức giá trần, các chuyến hàng đã được nối lại với tốc độ nhanh chóng. Lần này, đích đến không phải là châu Âu nữa, mà là Trung Quốc và Ấn Độ.
Tính trung bình 4 tuần đầu năm, xuất khẩu dầu thô của Nga đạt 3,7 triệu thùng mỗi ngày. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 6/2022 và cao hơn bất kỳ khoảng thời gian 4 tuần nào của năm 2021.
Những người ủng hộ việc áp giá trần sẽ nói rằng đây là dấu hiệu kế hoạch vẫn thành công. Vì mục tiêu của gói trừng phạt là đảm bảo dầu Nga tiếp tục lưu thông, giữ ổn định thị trường toàn cầu, nhưng hạn chế giá để Nga giảm nguồn thu. Họ lập luận rằng giá trần đem đến cho người mua quyền đàm phán. Các tuyến xuất khẩu dài hơn cũng làm tăng chi phí vận tải mà Nga phải chịu.
Một bằng chứng khác được viện dẫn là chênh lệch giá giữa dầu Brent tiêu chuẩn và dầu Urals (Nga) sau xung đột Ukraine ngày càng nới rộng, hiện lên 32 USD. Do đó, phương Tây ước tính dầu của Nga hiện được giao dịch với mức chiết khấu 38%. Ngày 10/1, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, người đứng sau kế hoạch áp giá trần, nói rằng kế hoạch đang có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo The Economist, vấn đề là số liệu về giá dầu của phương Tây đã không được điều chỉnh phương pháp tính toán cho phù hợp với bối cảnh mới. Dầu Nga hiện không còn được bán thông qua các kênh mà họ có thể quan sát được.
Các hãng lọc dầu và thương nhân châu Âu thường chia sẻ dữ liệu với các công ty theo dõi giá cả. Tuy nhiên, các công ty Ấn Độ lại không làm như vậy. Giới chức phương Tây dựa vào các chỉ số có sẵn và công khai, để ước tính chi phí vận chuyển giữa các cảng phía tây của Nga và các cảng dầu châu Âu. Ngược lại, giá vận chuyển dầu từ Nga sang châu Á lại được ấn định riêng.
Kết quả là những số liệu chiết khấu mà các quan chức phương Tây đưa ra là không chính xác và thường bị phóng đại. Dữ liệu từ hải quan Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy số tiền họ trả cho dầu Urals trong mùa đông qua cao hơn so với suy nghĩ của nhiều người.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Nga đang ngày càng giảm phụ thuộc vào dịch vụ tài chính và vận chuyển của phương Tây. Do đó, họ đã thoát khỏi phạm vi trừng phạt.
Theo ghi nhận trước đó của The Economits, giao dịch ngầm thông qua thị trường "chợ đen" và "chợ xám" đang bùng nổ. Trước tháng 12, hơn một nửa lượng dầu thô ở miền tây nước Nga được xử lý bởi một công ty tài chính hoặc vận chuyển châu Âu. Tỷ lệ đó hiện giảm xuống còn 36%.
Câu hỏi tiếp theo là liệu đợt trừng phạt mới đối với dầu tinh chế có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn cho Nga hay không. Từ ngày 5/2, châu Âu sẽ không mua những loại nhiên liệu này nữa nếu chúng không tuân theo mức giá trần. Mức giá này vẫn đang được thảo luận.
Trên thực tế, Nga sẽ không dễ tìm được người mua để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu từ EU, vì cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có các nhà máy lọc dầu riêng. Và việc tìm tàu chở dầu tinh chế thay cho đội tàu của châu Âu cũng khó khăn. Do đó, một phần sản phẩm dầu tinh chế của Nga - chiếm một phần ba doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của nước này - có thể không bán được. Kết quả là giá các sản phẩm dầu tinh chế trên toàn cầu sẽ leo thang.
Tuy nhiên, theo thời gian, những tác động này có khả năng phai nhạt dần. Nếu không thể bán dầu tinh chế, Nga có khả năng tăng xuất khẩu dầu thô qua thị trường "xám". Đây là kênh hợp pháp, không dùng hạ tầng dịch vụ của phương Tây và bán cho các khách hàng không tham gia cấm vận.
Còn với châu Âu, nếu không mua dầu tinh chế của Nga, họ có thể phải chuyển sang nguồn cung Trung Quốc và Ấn Độ. Vấn đề là nguồn cung này có thể chính là sản phẩm tinh chế từ chính dầu thô Nga.
Nhìn chung, theo The Economist, khi ngày càng nhiều dầu mỏ của Nga chảy ra ngoài tầm kiểm soát của phương Tây, các biện pháp phong tỏa sẽ càng trở nên kém hiệu quả. Đối với phương Tây, bài học rút ra là các biện pháp trừng phạt không thể thay thế cho việc hỗ trợ thêm tiền và vũ khí cho Ukraine. Giảm nguồn thu dầu mỏ của Nga khó giúp họ chiến thắng trong cuộc đối đầu này.
Phiên An (theo The Economist)