Chỉ 10 ngày trước, Gautam Adani và đế chế của mình vẫn bất khả chiến bại, song hiện tại, mọi chuyện đã khác. Bản báo cáo Hindenburg Research khiến vị tỷ phú vật lộn với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử đã dấy lên nhiều hoài nghi xoay quanh độ uy tín của Ấn Độ với tư cách là động lực tăng trưởng toàn cầu kiêm điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Tính đến nay, tập đoàn Adani đã mất 108 tỷ USD giá trị thị trường kể từ khi Hindenburg Research cáo buộc đế chế này thao túng cổ phiếu và gian lận kế toán nghiêm trọng. Tuy nhiên, chỉ đến khi ông trùm Gautam Adani tuyên bố hủy bỏ đợt bán cổ phiếu trị giá 2,4 tỷ USD, tác động lâu dài của tin đồn trên mới trở nên rõ ràng.
Ngay cả khi phía Adani tuyên bố “không có lấy một” trong số các câu hỏi Hindenburg đặt ra “dựa trên sự tìm hiểu thực tế độc lập hoặc báo chí thực sự” và chỉ đơn giản “bóng gió tô điểm cho tin đồn”, phía các nhà đầu tư vẫn vô cùng quan ngại. Từng đứng thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, Gautam Adani giờ đây tụt xuống vị trí thứ 21 trên Bloomberg Billionaires Index.
Báo cáo của Hindenburg Research đã làm sống lại những nghi ngờ trước đây về cách Adani quản trị doanh nghiệp. Bản báo cáo dài gần 100 trang được cho là sẽ làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư vào Ấn Độ, ngay cả khi những tuyên bố trên được chứng minh là sai.
“Mọi thứ đang biến động rất nhanh trên thị trường. Các nhà đầu tư quốc tế sẽ đánh giá lại rủi ro khi đầu tư vào chứng khoán Ấn Độ, đồng thời xem xét cách quản trị, tính minh bạch và nợ phải trả”, Gary Dugan, Giám đốc điều hành của Global CIO Office, một công ty quản lý tài sản và tư vấn tài chính, cho biết.
Cuộc khủng hoảng trị giá 108 tỷ USD tại đế chế Adani lung lay niềm tin giới nhà đầu tư vào Ấn Độ
Adani, 60 tuổi, đã duy trì mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Narendra Modi trong nhiều thập kỷ. Đế chế của ông cùng một loạt các khoản đầu tư đều được coi là trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng chung, qua đó tạo ra hàng nghìn việc làm cho quốc gia tỷ dân. Tuy nhiên, nếu giá trị tài sản tiếp tục trượt dốc, niềm tin của giới đầu tư và chuyên gia sẽ lung lay.
Hindenburg, trong báo cáo của mình, cáo buộc Adani rửa tiền và bòn rút từ các công ty niêm yết. Công ty bán khống cho rằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của đế chế tỷ USD là “vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử”. Được biết trước đây, một số tin đồn về Adani cũng đã lan truyền trong giới đầu tư.
Trong một phản hồi dài 413 trang, Adani cho biết hành vi của Hindenburg “không khác gì hình thức gian lận chứng khoán có tính toán theo luật hiện hành”. Tuy nhiên, ngay cả khi nhận định của Adani là đúng, tập đoàn này vẫn phải đối mặt với rất nhiều thiệt hại.
Cụ thể, 8 trên tổng số 10 cổ phiếu hoạt động kém nhất trong Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương năm nay đều thuộc tập đoàn Adani. Trái phiếu công ty hàng đầu của vị tỷ phú Ấn Độ phát hành cũng đã giảm xuống mức tồi tệ nhất tại Mỹ.
Tình trạng hỗn loạn không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến cổ phiếu của tập đoàn. Một loạt các ngân hàng cho Gautam Adani vay vốn đã chịu tác động tiêu cực. Dòng vốn đầu tư nước ngoài trị giá 2 tỷ USD cũng bị rút khỏi thị trường chứng khoán Ấn Độ trong khoảng thời gian từ ngày 27/1 đến ngày 31/1, tức đợt bán tháo lớn nhất kể từ tháng 3, theo dữ liệu do Bloomberg.
“Các bài báo liên quan đến Adani đang thu hút rất nhiều sự chú ý. Điều này có thể làm giảm ham muốn của các nhà đầu tư đối với chứng khoán Ấn Độ. Bằng chứng cho thấy Adani sẽ không kéo toàn bộ thị trường chứng khoán Ấn Độ đi xuống, song thông tin tiêu cực có thể khiến thị trường này hoạt động kém hơn các thị trường châu Á khác ”, Jian Shi Cortesi, chuyên gia quản lý quỹ tại GAM Investments có trụ sở tại Zurich, cho biết.
Việc bản báo cáo Hindenburg Research khiến vị tỷ phú vật lộn với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử làm dấy lên nhiều hoài nghi xoay quanh độ uy tín của Ấn Độ
Báo cáo của Hindenburg hiện đã gây ra tranh cãi khắp cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ bởi công ty của Adani hoạt động trên phạm vi rộng bao gồm dầu khí, cảng, sân bay và khai thác mỏ. Đây là một trong những tập đoàn cơ sở hạ tầng tư nhân lớn nhất Ấn Độ và trước khi cổ phiếu bị bán tháo, Gautam Adani là người giàu nhất châu Á.
Không chỉ vướng vào bê bối cáo buộc gian lận chứng khoán, bản thân tập đoàn Adani cũng đang phải đối mặt với tình trạng “túi nợ” phình to 30 tỷ USD sau 4 năm. Được biết, Adani có truyền thống vay mượn từ các ngân hàng quốc doanh và giới đầu tư Ấn Độ, song theo CreditSights, tập đoàn này đang chuyển sang khai thác ngày càng nhiều từ các ngân hàng toàn cầu và bộ phận đầu tư trái phiếu - những người sớm bị thu hút bởi tốc độ tăng trưởng nhanh và dòng tiền đáng tin cậy.
“Các cổ đông lo ngại khi một tập đoàn tự đẩy mình vào quá nhiều lĩnh vực nhưng chuyên môn không có. Sẽ mất bao lâu để tăng tốc với một doanh nghiệp như vậy?”, Sharmila Gopinath, cố vấn chuyên môn của Hiệp hội Quản trị Doanh nghiệp Châu Á, cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư kỳ cựu tại các thị trường mới nổi như Mark Mobius vẫn không hề tỏ ra nao núng trước cuộc khủng hoảng, đồng thời loại bỏ khả năng xảy ra chúng sẽ lan rộng tiêu cực hơn.
“Điều này không phản ánh khả năng tồn tại chung của thị trường và nền kinh tế Ấn Độ. Chúng tôi sẽ không đưa ra quyết định dựa trên chỉ số. Chúng tôi chỉ xem xét khả năng tồn tại của nó trong dài hạn”, Mobius, đồng sáng lập Mobius Capital Partners LLP cho biết.
Trong khi đó, Hugh Young, Chủ tịch châu Á của abrdn Plc, công ty quản lý tài sản trị giá hơn 600 tỷ USD tính đến tháng 6, cũng cho biết quỹ mình đang chờ thời cơ để “bắt đáy” cổ phiếu Adani.
Theo: Bloomberg, FT