Hôm 2-2, Mỹ và Philippines công bố thỏa thuận mới cho phép lính Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines. Đây là diễn biến mới nhất trong hàng loạt nỗ lực của Mỹ về việc tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Giới quan sát nhận định Trung Quốc là một trong những động lực lớn nhất cho các nỗ lực này.
Tăng hiện diện quân sự khắp châu Á
Mỹ đã thúc đẩy hợp tác quốc phòng và hiện diện quân sự nói riêng từ Nhật Bản cho tới quần đảo Solomon. Quân đội Mỹ tham gia nhiều hơn vào các cuộc tập trận quân sự ở những khu vực then chốt tại Biển Đông cũng như eo biển Đài Loan. Theo Hãng tin AP, trong một số trường hợp, Mỹ có thể cung cấp hỗ trợ hậu cần cho khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Chuyến thăm Philippines vừa qua là lần thứ 7 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến châu Á chỉ trong 2 năm lãnh đạo Lầu Năm Góc.
Mặc dù Mỹ sẽ không thể thiết lập sự hiện diện quân sự vô thời hạn tại Philippines do ràng buộc về hiến pháp nước sở tại, việc tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự trên lãnh thổ đồng minh này cũng mang lại nhiều ý nghĩa cho Mỹ.
Lính Mỹ theo đó có thể di chuyển quanh các "khu vực chiến lược" ở Philippines, vốn giúp họ cơ động hơn xung quanh eo biển Đài Loan và Biển Đông, cũng như tăng cường năng lực diễn tập quân sự, cứu trợ nhân đạo, huấn luyện và một số nhiệm vụ khác.
Tương tự, tại Hàn Quốc trước đó, Bộ trưởng Austin tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường triển khai các sản phẩm quân sự tiên tiến tới bán đảo Triều Tiên, bao gồm máy bay chiến đấu và tàu sân bay nhằm phục vụ cho việc huấn luyện.
Ông Austin và người đồng cấp Lee Jong Sup của Hàn Quốc đã nhất trí bổ sung các cuộc tập trận phối hợp. Họ cũng thảo luận về một cuộc tập trận mô phỏng trong tháng 2, với mục tiêu mài giũa khả năng phản ứng trước việc Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân.
Tại Nhật Bản, Mỹ cũng cam kết đáp ứng nhu cầu an ninh của Tokyo. Ngoài vấn đề Triều Tiên, hiện nay Nhật Bản thể hiện lo ngại trước hành động của Trung Quốc với Đài Loan và Biển Đông, biển Hoa Đông.
Trong tháng 1, Mỹ và Nhật Bản đã đồng ý điều chỉnh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đảo Okinawa nhằm tăng cường năng lực chống tàu của Nhật.
Đối thoại song hành quân sự
Các tuyên bố liên quan tới hợp tác quân sự của Mỹ trong khu vực gần đây đã khiến Trung Quốc và Triều Tiên không hài lòng.
Đáp lại thỏa thuận Mỹ - Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Washington theo đuổi "chương trình nghị sự ích kỷ", gọi đây là hành động leo thang căng thẳng trong khu vực và gây nguy hại cho hòa bình và ổn định khu vực.
Thực tế, các nước vẫn chọn cách đối thoại cùng Trung Quốc bên cạnh các chuyển động quân sự.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng trước của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., Philippines và Trung Quốc đã thống nhất lập kênh liên lạc trực tiếp giữa bộ ngoại giao hai nước để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Ngày 2-2, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cũng đã thảo luận về các khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông. Cả hai đề cập thẳng thắn tới mối lo ngại của đối phương. Phía Nhật ca ngợi đây là "sự khởi đầu tốt", đồng thời ông Tần Cương cũng mời ông Hayashi thăm Trung Quốc.
Giai đoạn này cũng là lúc Trung Quốc sắp đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Đây là chuyến thăm rất được chú ý.
Thỏa thuận mới cho phép lính Mỹ được tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự của Philippines, trong bối cảnh Washington lo ngại căng thẳng liên quan tới động thái của Trung Quốc với Đài Loan và Biển Đông.
Xem thêm: mth.89300752130203202-neit-ueirt-av-couq-gnurt-iv-a-uahc-o-us-nauq-neid-neih-gnat-ym/nv.ertiout