Ngày 3-2, tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta đã diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 32 (ACC). Đây là hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia.
Tham dự hội nghị có bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và tân Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn.
Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Timor-Leste Adaljiza Albertina Xavier Reis Magno lần đầu tiên được mời tham dự cuộc họp với tư cách quan sát viên.
Tại cuộc họp, các bộ trưởng đã trao đổi về thể thức tham gia của Timor-Leste tại các hội nghị của ASEAN và lộ trình kết nạp nước này làm thành viên của ASEAN.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí về nguyên tắc kết nạp Timor-Leste tại hội nghị cấp cao tháng 11 năm ngoái ở Campuchia.
Sau cuộc bỏ phiếu để tự quyết định số phận của mình dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc vào năm 1999, Timor-Leste đã độc lập khỏi Indonesia và trở thành quốc gia có chủ quyền.
Quốc gia này chính thức được Liên Hiệp Quốc công nhận vào năm 2002, trở thành nền dân chủ trẻ nhất châu Á.
ASEAN cần tiếp tục đoàn kết
Chia sẻ về các ưu tiên của ASEAN trong năm 2023, Ngoại trưởng Indonesia Retno Matsudi nhấn mạnh trong bối cảnh ASEAN đối mặt với nhiều bất ổn và thách thức, điều quan trọng là cần duy trì đoàn kết, vai trò trung tâm và sức sống của ASEAN.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với Indonesia hoàn thành tốt các trọng trách Chủ tịch ASEAN 2023.
Ông Sơn cũng thông báo một số sáng kiến của Việt Nam trong năm 2023, trong đó có tổ chức các hoạt động xúc tiến phục hồi bao trùm trong khu vực, chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã đến chào Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại cung điện Istana Merdeka.
Theo Ngoại trưởng Matsudi, ông Widodo đã phát đi thông điệp "ASEAN không nên trở thành người đại diện cho bất kỳ nước nào bên ngoài khu vực" trong cuộc gặp các ngoại trưởng.
Các bộ trưởng ngoại giao sẽ bước vào hội nghị hẹp trong ngày 4-2 với nhiều vấn đề thảo luận.
Đề nghị Campuchia hỗ trợ người gốc Việt
Cũng trong ngày 3-2 tại Jakarta, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn.
Tại cuộc gặp, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Prak Sokhonn cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ và hỗ trợ Campuchia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2022. Ông khẳng định Campuchia sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại nước này.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Prak Sokhonn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người gốc Việt tại Campuchia. Trong đó có thủ tục nhập quốc tịch, giúp người gốc Việt ổn định cuộc sống, hòa nhập sở tại, làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã lần lượt có cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines Enrique A. Manalo và Ngoại trưởng Malaysia Dato's Seri Zambry Abdul Kadir.
Chính quyền quân sự Myanmar đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm sáu tháng. Động thái diễn ra ngay trước thềm cuộc họp ngoại trưởng ASEAN đầu tiên trong năm chủ tịch của Indonesia.
Xem thêm: mth.7610743230203202-etsel-romit-pan-tek-hcac-naul-oaht-naesa-gnourt-iaogn/nv.ertiout