Ngày 3-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã quyết định hoãn chuyến công du đến Bắc Kinh sau khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc (TQ) bay vào không phận Mỹ. Theo Washington, điều này là “sự vi phạm rõ ràng” chủ quyền của Mỹ, hãng Reuters đưa tin.
Ông Blinken cho biết ông đã nói với ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản TQ, rằng vụ việc xảy ra vào đêm trước chuyến đi của ông là một "hành động vô trách nhiệm" của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông cho biết chính quyền Mỹ cam kết sẽ có chuyến thăm TQ và ông sẽ làm điều này khi điều kiện cho phép.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP |
Theo ông Blinken, ông sẽ không ấn định ngày có thể đến TQ và cho biết trọng tâm hiện tại là giải quyết vụ việc.
“Bước đầu tiên là đưa thiết bị giám sát ra khỏi không phận của chúng tôi” - ông Blinken nói, đồng thời cho biết Washington sẽ tiếp tục duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với TQ.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa - ông Michael McCaul, cho biết khinh khí cầu lẽ ra không bao giờ được phép vào không phận Mỹ và có thể đã bị bắn hạ khi nó bay qua biển.
“Tôi kêu gọi chính quyền ông Biden nhanh chóng có các bước loại bỏ khinh khí cầu do thám TQ khỏi không phận Mỹ” - ông McCaul nói.
Việc hoãn chuyến đi của ông Blinken là một đòn giáng mạnh vào hy vọng của Mỹ-Trung trong việc ổn định hóa mối quan hệ đang ngày càng rạn nứt. Chuyến thăm cuối cùng của một ngoại trưởng Mỹ đến TQ là vào năm 2017.
Trước đó vào cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết đang theo dõi một khinh khí cầu giám sát tầm cao trên lục địa Mỹ. Các quan chức cho biết các nhà lãnh đạo quân sự đã cân nhắc bắn hạ nó ở bang Montana vào ngày 2-2. Tuy nhiên, phía Mỹ đã không làm vậy vì lo ngại rủi ro an toàn từ các mảnh vỡ.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo hoạt động của khinh khí cầu vào ngày 1-2 và chính quyền đã "đồng thuận rằng việc đến TQ vào thời điểm này là không thích hợp".
TQ trước đó đã bày tỏ sự tiếc nuối về vụ việc, gọi đây là một sự cố do "khí cầu dân sự đã bị thổi bay lạc vào lãnh thổ Mỹ".