Lễ tang bà Thái Thị Liên bắt đầu từ 7h30 sáng 4-2 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Học viện Âm nhạc quốc gia - nơi bà Thái Thị Liên là một trong bảy người đầu tiên xây dựng trường và con gái bà - Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà từng là giám đốc - cùng gia đình tổ chức tang lễ cho bà.
Nghệ sĩ, Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên - tấm gương sáng để lại
Các đoàn thể, gia đình, bạn bè, nghệ sĩ, người hâm mộ từ cả nước và một số đoàn từ nước ngoài đã lặng lẽ vào viếng nghệ sĩ Thái Thị Liên trong tiếng đàn piano da diết của Đặng Thái Sơn chơi nhạc Chopin được thu âm trước đây.
Những người đến viếng đều dành cho bà Thái Thị Liên những lời trân trọng nhất.
Ông Trần Thanh Lâm - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - ghi trong sổ tang: "Xin được bày tỏ lòng trân trọng và cảm ơn sâu sắc (đến những đóng góp to lớn - PV) của nghệ sĩ Thái Thị Liên đối với nền âm nhạc nói riêng và nền văn học nghệ thuật nước nhà".
Ông Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, "người học trò nhỏ" của bác Liên - bày tỏ lòng vô cùng thương tiếc về sự ra đi của Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên.
"Cuộc đời và sự nghiệp của bác là tấm gương sáng để các thế hệ văn nghệ sĩ mãi mãi noi theo", ông Quân nói lời tiễn biệt tới nghệ sĩ Thái Thị Liên về nơi "luôn có âm nhạc, có tình cảm của con cháu, các thế hệ học trò của bác dõi theo và luôn nhớ thương bác".
"Dù má có lìa xa cõi tạm, nhưng má luôn là tấm gương cho các lớp con cháu học theo. Má đi mang theo vô vàn tình thương yêu, quý trọng của chúng con...", nhà nghiên cứu văn học Đào Tuấn Ảnh đại diện gia đình thông gia với bà Thái Thị Liên nói những lời tiễn biệt với người phụ nữ đáng kính.
Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia - ông Lê Anh Tuấn - đọc điếu văn ôn lại cuộc đời nhiều đóng góp lớn lao của nghệ sĩ, Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên với nền âm nhạc Việt Nam nói chung và Học viện Âm nhạc Việt Nam nói riêng.
Ông nhấn mạnh bà như một nghệ sĩ, một trí thức tiêu biểu thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước và đặc biệt sinh ra Đặng Thái Sơn cho đất nước.
Đặng Thái Sơn chơi Hành khúc tang lễ của Chopin tiễn đưa má Thái Thị Liên
Trước giờ phút tiễn biệt, các con của nghệ sĩ Thái Thị Liên đã nói lời tạm biệt với má theo những cách riêng.
Trưởng nam - kiến trúc sư Trần Thanh Bình xúc động nói má có một cuộc đời đáng sống, và những bài học má để lại từ chính cuộc đời phi thường của mình sẽ theo các con mãi mãi.
Biết ơn kiếp này được làm con của má Liên, ông mong nếu có kiếp sau vẫn xin được làm con của má.
Ông Bình cũng nói tới hai ước nguyện của má trong tang lễ. Một trong số đó là được nghe con trai yêu quý tiễn má bằng bản nhạc bất hủ Hành khúc tang lễ của Chopin.
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn xúc động trong lần chơi Chopin đặc biệt này. Hơn 40 năm qua ông đã diễn ở khắp các phòng hòa nhạc sang trọng trên thế giới, nhưng đây là lần chơi Chopin cho ông nhiều cảm xúc hơn cả.
Bởi ông có sự gắn bó đặc biệt với má của mình. Trong ba người con thì ông sống với má nhiều nhất.
Bà Thái Thị Liên sinh ra trong một gia đình giàu có tại Sài Gòn năm 1918. Bố bà là người Việt Nam đầu tiên có bằng kỹ sư điện ở Pháp, nên cả nhà bà nhập quốc tịch Pháp.
Tuy mang quốc tịch Pháp nhưng bà Liên và những người anh em trai của mình, trong đó có luật sư Thái Văn Lung, lại hoạt động cách mạng, chống Pháp.
Bà kết hôn với ông Trần Ngọc Danh - em ruột Tổng bí thư Trần Phú - khi đang hoạt động cách mạng tại Pháp nơi bà theo học piano. Sau đó bà theo chồng đi làm nhiệm vụ ở Tiệp Khắc và hoàn thành chương trình đại học về biểu diễn piano tại Nhạc viện Praha.
Năm 1951 thì bà theo chồng về chiến khu Việt Bắc, tiếp tục hoạt động cách mạng, nhưng chồng bà không may qua đời vì bạo bệnh, để lại cho bà hai con nhỏ.
Cũng tại chiến khu, bà đã gặp và kết hôn với nhạc sĩ, nhà thơ Đặng Đình Hưng. Hai người có một con chung là Đặng Thái Sơn.
Năm 1980, sau giải nhất Concours Chopin của Đặng Thái Sơn, bà ra nước ngoài sống cùng con trai út, qua nhiều nước như Liên Xô, Nhật, Canada.
Năm 2013, do tuổi cao sức yếu, bà trở về nước sống gần hai con đầu là Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà và kiến trúc sư Trần Thanh Bình tại Hà Nội.
Bà trút hơi thở cuối cùng vào 9h37 ngày 31-1 ở nhà riêng tại Hà Nội. Bà được an táng tại Hồng Lạc Viên, tỉnh Hòa Bình.
Lễ truy điệu nghệ sĩ Trần Tiến diễn ra xúc động trong những giai điệu và ca từ đẹp của bài hát 'Em ơi Hà Nội phố' và những lời cảm động, những vần thơ đầy triết lý nhân sinh, đậm tinh thần Phật pháp do ba cô con gái Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi đọc.
Xem thêm: mth.45302356040203202-iort-ev-neil-am-neit-nos-iaht-gnad-nipohc-auc-ueid-iaig-gnort/nv.ertiout