Trong thông báo hôm 3/2, G7 và EU cho biết trần giá sẽ có hiệu lực từ ngày 5/2 - khớp với thời điểm EU bắt đầu cấm nhập các sản phẩm từ dầu Nga. Theo đó, các sản phẩm cao cấp, như dầu diesel, sẽ chịu mức trần 100 USD một thùng. Còn với các sản phẩm khác, như dầu mazut, mức trần sẽ là 45 USD. Mức này không thay đổi so với đề xuất cách đây một tuần.
Trước đó, G7 và EU đã áp trần giá 60 USD một thùng với dầu thô Nga, bắt đầu từ ngày 5/12/2022. Phương Tây đang tìm cách hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga, mà không làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Mục đích của trần giá là hạn chế khả năng Moskva hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến tại Ukraine. Các công ty bảo hiểm, vận tải phương Tây sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ cho dầu và các sản phẩm từ dầu Nga, trừ phi chúng được mua bằng hoặc dưới giá trần.
Với các lô sản phẩm từ dầu Nga vận chuyển bằng đường biển, được mua trước ngày 5/12, thời gian chuyển tiếp sẽ là 55 ngày. Thời gian này áp dụng với dầu thô Nga là 45 ngày.
Ba Lan và các nước Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia đang thúc giục xem xét lại trần giá dầu thô Nga ngay, thay vì chờ đến giữa tháng 3 để đánh giá định kỳ. Họ muốn mức thấp hơn nữa để hạn chế nguồn thu của Nga từ sản phẩm này.
Với dầu thô, đánh giá định kỳ sẽ thiết lập giá trần tối thiểu thấp hơn 5% so với giá thị trường. Giá dầu Nga hiện đã rơi xuống dưới 60 USD một thùng.
Hà Thu (theo Bloomberg)