Chiều ngày 4-2 (tức 14 tháng giêng), hàng nghìn du khách thập phương đã về đền Trần (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) làm lễ, dâng hương trước đêm khai ấn.
Trời mưa bay nhưng khắp các lối ra vào khu di tích đền Trần đông đúc người dân chiêm bái, dâng hương.
Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2023 diễn ra từ ngày 1 đến 6-2 (từ ngày 11 đến 16 tháng giêng năm Quý Mão) với nhiều hoạt động.
Trong đó, nghi thức khai ấn sẽ diễn ra trong đêm 14, lễ phát ấn lúc 5h ngày 15 tháng giêng. Đây là một lễ hội truyền thống, thu hút rất đông du khách thập phương tới dâng dương, cầu may mắn dịp đầu năm.
Đến chiều 4-2, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Nhiều hàng rào sắt được dựng lên, gia cố chắc chắn để phục vụ công tác phân luồng dòng người vào lấy ấn.
Để đảm bảo an ninh trật tự, thuận lợi cho du khách thập phương về dự lễ khai ấn, Công an tỉnh Nam Định huy động 1.990 cán bộ, chiến sĩ. Tổ chức 5 vòng, 30 chốt bảo đảm an ninh trật tự khu vực lễ hội.
Bà Nguyễn Thị Như - phó chủ tịch UBND thành phố Nam Định, trưởng ban tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần Nam Định 2023 - cho biết do ba năm trước không tổ chức vì dịch COVID-19, đồng thời lễ khai ấn năm nay lại rơi vào hai ngày nghỉ cuối tuần nên du khách đổ về đền Trần dự báo sẽ đông hơn mọi năm rất nhiều. Vì vậy, ban tổ chức đã lên nhiều phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cháy nổ.
"Bốn điểm phát ấn được tổ chức khoa học, bảo đảm an toàn cho nhân dân vào, ra nhận ấn. Lượng ấn cũng bảo đảm cho du khách tham gia xin lộc đầu xuân. Ngoài ra, lực lượng an ninh trật tự, công an đã tập dượt, triển khai các phương án bảo đảm an ninh lễ hội.
Ban tổ chức lễ hội sẽ tiếp tục duy trì hệ thống camera an ninh, nếu phát hiện cá nhân nào, nhất là cán bộ, đảng viên, có các hành vi phản cảm trong lễ hội sẽ thông báo về cơ quan, đơn vị để có biện pháp xử lý" - bà Như nói.
Ông Nguyễn Đức Bình, trưởng Ban quản lý di tích lịch sử đền Trần - chùa Tháp, cho biết có hai nghi lễ được tái hiện một cách đầy đủ và sát với lịch sử là lễ rước kiệu Ngọc Lộ và lễ rước Nước, tế Cá.
"Lễ rước kiệu Ngọc Lộ là lễ rước chân linh Đức Phật Trần Nhân Tông từ chùa Phổ Minh sang đền Trần để chứng kiến nghi thức khai ấn. Lễ rước Nước, tế Cá nhằm tri ân tổ nghiệp, phát huy tinh thần yêu nước, yêu nghề, cổ vũ lối sống gần với tự nhiên. Cá được tế xong sẽ phóng sinh tại sông Hồng, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần. Các nghi lễ này được phục dựng đúng nguyên bản" - ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, trước đây một số người nghĩ rằng nhận ấn đền Trần sẽ được thăng quan tiến chức nhưng không phải.
"Chúng ta nên hiểu rằng đây là nghi thức tâm linh của các bậc tiền nhân nhà Trần cùng với con cháu nhà Trần. Hiện nay đang duy trì nghi lễ này với mong muốn rằng mỗi mùa xuân về, sau một năm lao động công tác kết thúc ngày nghỉ Tết, vua Trần tổ chức lễ hội với tâm ý ban cho phúc lộc muôn nhà về sức khỏe, bình an, hạnh phúc. Mong quốc gia được hưng thịnh, hạnh phúc đến với nhân dân được dài lâu, đối với nhân dân luôn luôn cố gắng học tập, lao động tốt để hoàn thành những công việc trong năm" - ông Bình chia sẻ.
Ông Bình cũng mong người dân bố trí thời gian hợp lý, cố gắng không tập trung đông người, không chen lấn xô đẩy đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng giêng để lễ hội diễn ra thuận lợi, văn minh, lịch sự, tạo nên nét đẹp văn hóa của những người tham gia lễ hội nói chung và lễ hội đền Trần Nam Định nói riêng.