Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGENCO3 - HoSE: PGV) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với 12.342 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ, giá vốn tăng mạnh lên hơn 11.100 tỷ đồng khiến lãi gộp giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ, còn gần 1.240 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng đột biến lên 26,5 tỷ đồng - gấp 7 lần cùng kỳ, chủ yếu do cổ tức được nhận tăng, chi phí lỗ chênh lệch tỉ giá giảm mạnh.
Trong quý IV/2022, các chi phí khác đều tăng, trong đó chi phí tài chính tăng 30% lên gần 364 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 20% lên gần 251 tỷ đồng. Lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm 11% còn 79 tỷ đồng. Dù có thêm khoản lợi nhuận khác 39 tỷ đồng (cùng kỹ lỗ 5,3 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế của EVNGENCO3 vẫn giảm nhẹ gần 1%, còn 624 tỷ đồng.
Tính cả năm 2022, doanh thu của EVNGENCO3 đạt 47.279 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 25%. Đây cũng là doanh thu cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, do năm 2021 báo kết quả lợi nhuận kỷ lục lên tới 3.178 tỷ đồng, do đó, lãi sau thuế năm 2022 của tổng công ty vẫn thấp hơn cùng kỳ 26%, chỉ đạt 2.360 tỷ đồng. Dẫu vậy, tổng công ty vẫn vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm, lần lượt vượt 4,1% mục tiêu doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Năm qua, tổng sản lượng điện của EVNGENCO3 đạt 32.242 tỷ kWh, đạt 101,22% kế hoạch năm, trong đó công ty mẹ đóng góp 28,141 tỷ kWh, tăng 8,65% so với năm 2021 (25.901 tỷ kWh) và hoàn thành 98,84% kế hoạch năm 2022.
Kế hoạch năm 2023, EVNGENCO3 dự kiến sản lượng điện thực hiện 31.708 tỷ kWh, trong đó các đơn vị hạch toán phụ thuộc là 28.269 tỷ kWh và các đơn vị mà EVNGENCO3 có tham gia góp vốn là 3.440 tỷ kWh.
Xét về cơ cấu tài sản, tổng tài sản của EVNGENCO3 tại thời điểm ngày 31/12/2022 là 65.725 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Doanh nghiệp nắm giữ hơn 1.700 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương, giảm 27%; hơn 3.800 tỷ đồng tiền gửi tiền gửi có kỳ hạn, giảm 6%.
Cuối năm 2022, công ty có tổng nợ phải trả hơn 48.272 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn lên mức 12.800 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Vay nợ ngắn hạn tăng lên 5.376 tỷ đồng. Dư nợ dài hạn lên tới 35.440 tỷ đồng, thấp hơn đầu năm 11,6%. Vốn chủ sở hữu đạt 17.453 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022.
Được thành lập vào ngày 1/6/2012 theo quyết định của Bộ Công Thương, EVNGENCO3 hiện là nhà phát điện lớn nhất trên thị trường (nếu không tính công ty mẹ EVN) với tổng công suất xấp xỉ 6.559 MW.
Về cơ cấu nguồn điện, EVNGENCO3 sở hữu đa dạng loại hình phát điện gồm nhiệt điện khí, nhiệt điện than, thủy điện và điện mặt trời.
Trong đó, Nhiệt điện Phú Mỹ là đơn vị có công suất lớn nhất (2.540 MW), bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện khí là Nhiệt điện Phú Mỹ 1, Nhiệt điện Phú Mỹ 2.1, Nhiệt điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng và Nhiệt điện Phú Mỹ 4. Các nhà máy nhiệt điện than gồm Nhiệt điện Vĩnh Tân (1.244 MW), Nhiệt điện Mông Dương 1 (1.080 MW).
Cùng đó, EVNGENCO3 còn có Công ty Thủy điện Buôn Kuốp quản lý và vận hành 3 nhà máy thủy điện với tổng công suất 586 MW trên lưu vực sông Srêpốk; nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 (42,65 MW) và các công ty con, công ty liên kết sở hữu nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện công suất lớn.
Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, tổng công ty dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 11%. Với kết quả sản xuất kinh doanh vừa công bố, EVNGENCO3 dự kiến có thể đảm bảo chi trả cổ tức đã được đề ra. Ngày 10/2/2023 tới đây, tổng công ty sẽ tạm ứng 5,5% cổ tức năm 2022 với tổng số tiền dự kiến chi trả hơn 617 tỷ đồng.