Lý Ngọc Thư sinh năm 1955 tại ngôi làng miền núi hẻo lánh của thành phố Tư Dương, tỉnh Tứ Xuyên trong gia đình nông dân nghèo. Lý lên ba tuổi, mẹ qua đời vì bệnh, cha Lý làm việc trong thị trấn, để hai con cho họ hàng chăm sóc.
Từ nhỏ, Lý phải lên núi nhặt phân bò, chăn gia súc, cắt cỏ và đốn củi kiếm tiền. Hồi tưởng về thiếu thời cơ cực, ông ta nhiều lần kể một câu chuyện khiến quyết tâm nỗ lực để thay đổi cuộc đời. Đó là một ngày tháng 2/1961, ông Lý khi đó 6 tuổi. Khi ăn cơm ở trường, gồm hai khúc khoai lang luộc chan nước thịt, ông sảy chân làm đổ ra đường. Khoai nhặt lại được nhưng canh đã ngấm vào đất, Lý bụng đói cồn cào nằm rạp ra đất húp lại, khóc nấc lên từng tiếng vì buồn tủi.
Học hết tiểu học, chúng bạn đã nản chí ở nhà, Lý vẫn cuốc bộ hàng chục cây số đi học nội trú. Lý cuối cùng học hết hai, rồi cấp ba, chỉ bằng 2 cân gạo, 30 cân khoai lang và một lọ dưa muối mang từ nhà lên trường để ăn cả tháng.
Năm 1980, tốt nghiệp đại học, Lý được phân công làm kỹ thuật viên tại Nhà máy ở quận Ngũ Thông Kiều, thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên.
Lý làm việc rất chăm chỉ, tận tâm, được học hành nên nhanh chóng được trọng dụng và thăng chức phó giám đốc. Năng lực của ông ta sau đó được quan chức quận để mắt, nhận vào làm công chức. Lý từng bước lên trưởng quận và sau đó là Giám đốc sở Giao thông vận tải thành phố Lạc Sơn, năm 1995 và hai năm sau làm phó chủ tịch thành phố Lạc Sơn.
Lý được giao phụ trách xây dựng giao thông, quản lý đất đai và tài nguyên, xây dựng đô thị và nông thôn, chỉ huy các dự án lớn như đường cao tốc Thành Đô -Lạc Sơn, cầu Lạc Sơn...
Chính những vị trí béo bở này đã khiến Lý quên đi quá khứ trưởng thành nghèo khó. "Một thứ ham muốn vật chất không thể kìm lại, ngày càng lớn lên trong xương tủy", ông Lý thú nhận sau này và nói bắt đầu các hoạt động tích lũy tiền phạm tội ngay từ năm 1995.
Ông ta câu kết với Dương, tổng giám đốc của một khu nghỉ dưỡng ở thành phố Lạc Sơn. Lý "cài" Dương vào Sở Giao thông thành phố, giám đốc mua sắm vật tư cho các dự án trọng điểm, hỗ trợ Lý kiếm tiền qua việc câu kết nâng khống giá thầu, vòi tiền doanh nghiệp, hối lộ để trúng thầu...
Những mánh khóe của họ giúp đôi bên kiếm được bộn tiền. Dương thường ra mặt giao dịch, sau đó chia tiền cho Lý. Khi lòng tham ngày càng lớn, Lý chủ động vòi hối lộ.
Tháng 1/1999, Phó chủ tịch Lý gọi cho Dương trong một khách sạn ở Thành Đô: "Anh đã kiếm được rất nhiều tiền trong dự án cao tốc, hãy đưa thêm tiền cho tôi. Tôi muốn 600.000 nhân dân tệ" (khoảng 5 tỷ đồng ngày nay).
Theo nhà chức trách, tổng số tiền Lý nhận từ Dương trong năm đó khoảng 2,1 triệu tệ, nhưng Lý không có ý định dừng lại. Trong vòng hai năm tiếp theo, Lý vòi Dương thêm 3 lần, tổng gần 2,8 triệu.
Dương cũng không phải doanh nghiệp duy nhất bị Lý vòi vĩnh. Bất cứ khi nào đụng đến một dự án công dù lớn nhỏ, Lý cũng đòi doanh nghiệp gặp riêng mình. Với gói thầu trị giá 10 triệu nhân dân tệ, ông ta sẽ đòi lại 5, nổi tiếng là quan chức xấu xí và tham vặt, sẽ đến tận nhà giục đòi tiền. Đến khi thấy túi tiền trước mặt, ông Lý mới chịu ra về.
Khi số tiền tham ô kiếm được ngày càng nhiều, số lượng tình nhân xung quanh ông ta cũng tăng lên con số gần 20 người, trong đó có Triệu Đình, mỹ nữ kém 31 tuổi.
Cô gái 16 tuổi đến từ vùng quê thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên, quen Lý năm 1999, khi đang làm việc trong một quán cà phê ở Thành Đô. Họ gặp nhau qua sự giới thiệu của một giám đốc doanh nghiệp.
Say mê cô gái từ cái nhìn đầu tiên, Lý ban đầu nói là doanh nhân đang ở Singapore, bận rộn với công việc, đi khắp thế giới. Lý nói dù kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn chưa thực sự gặp được người phụ nữ phù hợp, có cảm tình sâu sắc với cô. Sau khi chính thức qua lại một tháng, ông ta mới tiết lộ danh tính.
Tháng 8 cùng năm, Lý vòi doanh nghiệp hơn 600.000 nhân dân tệ, dùng tiền này mua tặng Triệu Đình một căn biệt thự kín đáo ở một khu đô thị hạng sang. Dùng thế lực bản thân, Lý cũng chuyển được hộ khẩu cho bồ nhí lên Thành Đô.
Tháng 10/2000, ông ta lại phóng tay mua tặng một ngôi nhà mặt tiền bề thế, đưa 180.000 nhân dân tệ để mở một quán trà. Lý mua xe riêng, thuê tài xế đưa đón và bảo vệ nhân tình như bảo bối. Tất cả chi phí này đến từ việc tham nhũng và vòi hối lộ.
Song ở chốn quan trường, Lý vẫn diễn tròn vai lãnh đạo vì dân, sống giản dị. Một lần, ông ta đến thăm công trường xây dựng một kho vũ khí ở Lạc Sơn, năng nổ thăm hiện trường đến quá 13h, quên cả giờ ăn trưa. Trưởng công trình và cán bộ ở đây đều nồng nhiệt mời ông ta đến quán ăn nhỏ gần đó để ăn tối. Bữa ăn có giá hơn 100 nhân dân tệ cho 6 người (khoảng 700.000 đồng, năm 2023). Khi biết chuyện, Thư đã chỉ trích cán bộ dưới quyền ngay tại chỗ, cho rằng bữa ăn quá xa hoa và lãng phí. Những người có mặt vừa xấu hổ vừa cảm động, kính trọng phó chủ tịch Lý.
Vở kịch của Lý không thể diễn lâu. Sai phạm của ông ta bị Thanh tra phát giác và bị công an điều tra. Trong cáo trạng công bố tại phiên tòa sơ thẩm, ngày 15/1/2002, ông ta bị cáo buộc tham ô, nhận hối lộ 12 triệu nhân dân tệ, trong giai đoạn 1996-2001, tức mỗi năm 2 triệu.
Tại nhà riêng của Lý, nhà chức trách thu nhiều tài sản, đồng hồ, vật dụng xa xỉ. Chúng sau này đều được bán đấu giá xung công cùng hai căn nhà ông ta mua cho bồ nhí.
Tòa án Nhân dân Trung cấp Thành Đô tuyên ông ta án tử hình, sau phiên tòa kéo dài chưa đến 3 giờ. Nghe bản án, khí phách lãnh đạo bao năm tan biến, ông ta khóc thảm thiết và bị sốc, co giật ngay trên bục bị cáo.
Vụ án trở thành đại án tham ô lớn nhất lịch sử tỉnh Tứ Xuyên. Lý trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của thành phố bị tuyên tử hình. Bản án thi hành án ngày 14/10/2003, khi ông ta 48 tuổi.
Trước khi bị dẫn tới phòng tiêm thuốc độc, tử tù này lấy ra một xấp tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ, đưa cho bất kỳ cảnh sát nào ông ta nhìn thấy trên đường ra xe áp giải và cảm ơn họ. Song các sĩ quan từ chối.
Trong lời cuối trước lúc chết, ông ta giãi bày: "Tình và tiền là hai con dao sắc, có thể chĩa mũi nhọn vào bất kỳ kẻ yếu lòng nào. Tôi chết bởi cả hai mũi dao ấy".
Hải Thư (Theo Sina, Sohu, Yuquing, QQ)
Xem thêm: lmth.9816654-ol-gnohk-nab-na-neit-yad-ehc-teihk-meil-ov-nauq-maht/ten.sserpxenv