Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ChatGPT thành công vì nó tạo được ngôn ngữ uyển chuyển, trôi chảy khi trả lời các câu hỏi của con người, dễ tạo cảm giác hai con người đang trò chuyện với nhau. Tuy nhiên, ChatGPT hiện nay vẫn chưa thể nào đáp ứng tốt tất cả các câu hỏi của người dùng.
Nhờ AI vẽ tranh, tạo slide, làm nhạc...
Một trong những ứng dụng gần tương tự như ChatGPT được nhiều trang tin quốc tế đánh giá cao hiện nay là Replika. Replika được ví von như một "người bạn AI của người dùng" khi có thể giao tiếp, tâm sự, chia sẻ với người dùng như một người bạn cùng trang lứa. Đặc biệt, chatbot AI này không chỉ giới hạn trong giao tiếp dạng văn bản mà nó còn cho phép người dùng gọi video với sự hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR). Replika cung cấp đến người dùng qua ứng dụng trên Google Play Store, App Store lẫn truy cập trên trình duyệt web.
Với những người dùng làm trong lĩnh vực thiết kế hoặc công việc có liên quan, khá nhiều ứng dụng AI dưới dạng chatbot có thể làm "thư ký" vô cùng đắc lực. Chẳng hạn, khi cần tạo nhanh một bài thuyết trình dưới dạng các slide về một chủ đề nào đó, thay vì ngồi vắt óc suy nghĩ, bạn chỉ cần vào chatba.com nhập yêu cầu và nhận ngay một kết quả. Tất nhiên, bạn vẫn cần chỉnh sửa phù hợp.
Hay muốn tạo một logo cho thương hiệu cá nhân, công ty, tổ chức, người dùng có thể nhờ đến AI Looka (looka.com). Bạn chỉ việc nhập tên thương hiệu và câu slogan mong muốn, có thể thêm màu sắc tùy thích thì Looka sẽ cho kết quả tham khảo cực kỳ nhanh chóng. Sau đó, người dùng có thể sử dụng ngay hoặc tùy biến.
Cũng liên quan đến thiết kế và đồ họa, một AI từng "làm mưa, làm gió" và thu hút sự bàn tán của đông đảo người dùng là Midjourney. Nó là một công cụ cho phép người dùng nhập vào các ý tưởng dạng văn bản nhưng kết quả nhận được lại là một bức tranh kỹ thuật số cực đẹp và nghệ thuật. Sự xuất hiện của Midjourney đã khiến nhiều người dùng đặt câu hỏi liệu nó có thay thế được các họa sĩ khi thời gian sản xuất chỉ bằng giây và kết quả cho ra cũng vô cùng ấn tượng.
Bên cạnh Midjourney, những người dùng trong lĩnh vực hình ảnh có thể nhờ đến các AI xịn xò khác như Evoto (evoto.ai) để chỉnh sửa ảnh, Cleanup (cleanup.pictures) để xóa vật thể trên ảnh...
Trong lĩnh vực âm nhạc, một sản phẩm AI khác cũng thu hút sự quan tâm và trải nghiệm từ đông đảo người dùng là SounDraw (soundraw.io). Người dùng chỉ việc nhập các ý tưởng của mình, thêm các thông tin mong muốn theo gợi ý có sẵn, SounDraw sẽ nhanh chóng cho ra ngay chục bản nhạc để bạn lựa chọn và hoàn thiện.
Nhiều sản phẩm AI của Việt Nam
Một trong những sản phẩm AI nổi bật của người Việt Nam hiện nay là ELSA (English Language Speech Assistant - trợ lý nói tiếng Anh) của nhà đồng sáng lập kiêm CEO Văn Đinh Hồng Vũ. ELSA là một chatbot được AI hỗ trợ giúp người dùng cải thiện khả năng phát âm tiếng Anh của mình.
Cũng trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ, một trong những trợ lý giọng nói tiếng Việt phổ biến hiện nay có thể kể đến là Kiki của Công ty VNG. Kiki được đánh giá có khả năng xử lý tiếng Việt tốt, hiểu thói quen và văn hóa giao tiếp bản địa. Giọng nói của Kiki cũng được đánh giá là tự nhiên, giống với tiếng nói của người thật. Tính đến cuối tháng 12-2022, trợ lý giọng nói tiếng Việt này đã cán mốc 200.000 lượt cài đặt và sử dụng trên ô tô.
Tháng 7-2022, Công ty cổ phần Vinhomes bắt đầu tích hợp trợ lý ảo AI trên ứng dụng Vinhomes Resident và website Vinhomes Online nhằm cung cấp các thông tin và dịch vụ trong khu đô thị hoặc thông tin về các sản phẩm bất động sản cho người dùng. Theo đó, người dùng có thể hỏi đáp với trợ lý ảo để tìm chỗ đỗ xe còn trống, tình trạng thanh toán các hóa đơn, đọc tin tức trên bảng tin cư dân, tìm hiểu thời tiết... Sản phẩm này được phát triển dựa trên ViVi - một sản phẩm AI được phát triển bởi VinBigdata.
Trí tuệ nhân tạo phát triển thế nào?
Trí tuệ nhân tạo hay AI (Artificial Intelligence) là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, nó thường được sử dụng để mô tả các máy móc (hoặc máy tính) có khả năng bắt chước các chức năng "nhận thức" mà con người thường phải liên kết với tâm trí như "học tập" và "giải quyết vấn đề". Theo cách nôm na, một sản phẩm hay ứng dụng của AI được tạo ra thông qua việc kết hợp các hoạt động của hai nền tảng Machine Learning và Deep Learning.
Trong đó, Machine Learning (thường dịch là Máy học) là nền tảng có chức năng tập trung vào việc sử dụng dữ liệu và các thuật toán để bắt chước cách con người học. Việc liên tục bắt chước sẽ dần dần cải thiện độ chính xác mỗi khi tiếp xúc với các dữ liệu mới. Chẳng hạn khi tìm kiếm bằng Google, rất nhiều kết quả liên quan đến một từ khóa sẽ được hiển thị ở lần tìm kiếm đầu tiên. Nhưng sau một thời gian, khi con người đọc các kết quả, thời gian người đó ở lại lâu trong một kết quả sẽ được Google thu thập lại. Càng nhiều người tìm kiếm và chọn lọc, Google sẽ càng cho kết quả chính xác với từ khóa mà người dùng mong muốn nhận.
Nền tảng còn lại - Deep Learning (thường dịch là Học sâu) - được ví như một mạng thần kinh nhân tạo nhiều lớp có chức năng tập trung vào việc học hỏi và cải thiện để đưa ra những kết luận về một sự vật, sự việc tương tự cách não người tư duy. Chẳng hạn, bằng cách "xem" nhiều lần hình ảnh do chính bạn đưa lên Facebook, sau một thời gian, AI của mạng xã hội này có thể phát hiện ra bạn đang xuất hiện trong một bức ảnh khác do người khác đưa lên và nhắn tin thông báo cho bạn.
Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc dự luật mới nhằm giải quyết rủi ro liên quan đến công nghệ chatbot ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung.
Xem thêm: mth.16030152250203202-tpgtahc-iom-oc-ihc-uad-ia-iov-peit-oaig/nv.ertiout