Góp mặt trong chiến công vô địch U-23 Đông Nam Á 2023, cây bút Phan Hồng thấu hiểu những gian khổ, áp lực mà mỗi thành viên đội phải đối mặt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bủa vây tứ phía. PV của tạp chí Bóng Đá đề cử giải thưởng Fair Play cho BS Dương Tiến Cần để lan tỏa tấm gương đẹp của người chiến sĩ áo trắng lặng thầm sau thành công của đội tuyển trẻ.
Vị bác sĩ chấp nhận nhiễm COVID-19 để chăm lo sức khỏe cho cầu thủ
Những ngày đầu khi tuyển U-23 Việt Nam đặt chân đến Campuchia, đồng thời rơi vào cao điểm dịch COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh. Ban đầu, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường trong tiếng nói cười vui vẻ, dù việc kiểm soát dịch bệnh lây lan trong đội tuyển hết sức nghiêm ngặt từ ban tổ chức cũng như đội ngũ y tế đội tuyển.
Tuy nhiên, sau chưa đầy một tuần thì bầu không khí trầm lắng đã xuất hiện khi một trợ lý của đội bị nhiễm COVID-19. Không nằm ngoài dự đoán, tốc độ lây nhiễm rất nhanh đã khiến hàng loạt thành viên trong đội phải đi cách ly (ban tổ chức quy định cách ly F1 và F2) khiến có lúc U-23 Việt Nam chỉ còn 13 cầu thủ để thi đấu, buộc VFF phải chi viện tăng cường.
Bác sĩ Dương Tiến Cần hy sinh ở lại chăm sóc cho các cầu thủ U-23 bị nhiễm COVID-19. Ảnh: PHAN HỒNG |
Rất ý thức nguy cơ dễ bị nhiễm COVID-19 do phải tiếp xúc với các thành viên trong đội hằng ngày, khi phải chăm sóc sức khỏe, tiến hành vật lý trị liệu cho các cầu thủ bị mỏi, căng cơ, chấn thương… nhưng cuối cùng, hai bác sĩ của U-23 Việt Nam vẫn không thoát khỏi vòng xoáy của “cơn bão” COVID-19 ấy. Là người có kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (15 năm công tác trong BV Thể thao), BS Dương Tiến Cần xung phong đứng mũi chịu sào, trực tiếp vào phòng các cầu thủ nhiễm COVID-19 để kiểm tra sức khỏe, chăm sóc hằng ngày các thành viên bị nhiễm bệnh, khi ban tổ chức chưa bố trí địa điểm để cách ly.
Biết mình rất dễ nhiễm bệnh nên BS Cần đã nói với BS Soái: “Để anh vào chăm sóc cầu thủ, nếu bị bệnh thì mình anh bị thôi, còn em ở ngoài để chăm lo cho đội”. Có những ngày gần như tắm trong cồn xịt khuẩn, BS Cần cũng phải đi cách ly trong những ngày cuối cùng của giải.
Tình nguyện ở lại Campuchia chăm sóc cầu thủ khi vợ sinh con
“Đáng lẽ tôi ở nhà vì vợ sẽ sinh nở trong vòng vài ngày nữa nhưng đội tuyển cần nên tôi phải sắp xếp công việc cá nhân để theo thầy trò HLV Đinh Thế Nam lên đường làm nhiệm vụ quốc tế” - BS Dương Tiến Cần chia sẻ với người viết trong những ngày căng thẳng hồi tháng 2-2022 ở Campuchia.
Không phải con đầu lòng nhưng bậc làm cha mẹ đều mong mỏi khoảnh khoắc nhìn thấy con chào đời trong ngày vợ lâm bồn. Nhưng với BS Dương Tiến Cần, đứa con thứ ba của anh ra đời khi cha không thể bên cạnh. Đó là một nỗi khắc khoải mà có lẽ anh đau đáu suốt, mải miết về sự thiệt thòi cho đứa con của mình. Đặc biệt, vợ anh gần như chỉ xoay trở một mình khi phần lớn thành viên trong gia đình nội ngoại đều không may nhiễm COVID-19.
BS Cần chỉ biết gọi điện thoại hỏi han, động viên vợ và gia đình cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thế rồi ngay sau khi kết thúc giải đấu, ai cũng muốn trở về Việt Nam để trút đi một gánh nặng về nỗi ám ảnh của COVID-19. BS Cần cũng không phải ngoại lệ nhưng với trách nhiệm của một người chăm sóc sức khỏe, anh luôn vương vấn câu hỏi: “Mình về thì còn ai nữa để ở lại chăm lo cho các em, các cháu buộc phải ở lại Campuchia vì còn dương tính và đang phải cách ly?”.
Giữa lựa chọn về nhà có lợi hơn cho bản thân, không ngờ BS Cần tình nguyện ở lại Campuchia tiếp tục chăm sóc, hướng dẫn cho các cầu thủ còn nhiễm COVID-19. “Tôi cũng sốt ruột về chuyện gia đình lắm. Nhưng mình là bác sĩ của đội nên đây là thời điểm cần nhất với các cầu thủ. Tôi đã âm tính nhưng chọn cách ở lại đây để chăm sóc cầu thủ cho trọn vẹn” - BS Cần thành thật tâm sự khi người viết hỏi thăm về tình hình của anh cũng như các cầu thủ còn lại của U-23 Việt Nam đang cách ly ở Campuchia trong những ngày đầu của tháng 3-2022.
Bác sĩ Cần chụp ảnh kỷ niệm với HLV Park Hang-seo trong một lần anh được phân công cùng đội tuyển Việt Nam. Ảnh: CTV |
Lần lượt các thành viên của U-23 về nước sau khi khỏi bệnh và phải sau ba đoàn, BS Cần cùng một số thành viên cuối cùng có sức khỏe ổn định, không có triệu chứng dù bị nhiễm COVID-19 mới trở về Việt Nam.
Chức vô địch U-23 Đông Nam Á thể hiện tinh thần chiến đấu quả cảm, quyết chí cao nhất cho ngôi sao vàng trên ngực áo đỏ mà hình ảnh nhiều cầu thủ đều đồng loạt nâng lên cao sau bàn thắng vào lưới U-23 Thái Lan ở trận chung kết là minh chứng. Và trong hành trình lên ngôi ấy, tinh thần không ngại hy sinh một cách thầm lặng của BS Dương Tiến Cần đã tô điểm thêm cho dấu son của U-23 Việt Nam.
Kỳ tới: Nữ tuyển thủ Thùy Trang, cô gái được ví là người không phổi của bóng đá nữ Việt Nam, sau khi cùng đội tuyển nữ đoạt vé dự World Cup đã có nghĩa cử đẹp khi tặng chiếc áo đấu số 8 của mình cho ông Đoàn Ngọc Hải bán đấu giá trong trận bóng từ thiện ở miền Tây giúp người nghèo.
Một bác sĩ khác cũng nằm trong đề cử nhưng...
Trong 16 đề cử năm 2022 được gửi về, Hội đồng thẩm định cũng cân nhắc một trường hợp bác sĩ Fair Play, dù trường hợp này không được lọt vào top 5 đề cử chính thức để bầu chọn nhưng cũng rất đáng để tham khảo.
Đó là trường hợp của BS Đồng Xuân Lâm (CLB HA Gia Lai) lao vào cứu kịp thời cầu thủ đội bạn bị gãy tay. Khoảnh khắc xảy ra trên sân Pleiku trong trận đấu HA Gia Lai - Viettel, BS Đồng Xuân Lâm của HA Gia Lai sơ cứu kịp thời cho cầu thủ trẻ Bùi Quang Khải bị gãy tay trước khi đưa lên xe cứu thương chuyển vào bệnh viện. Nói về trường hợp này, cựu tuyển thủ Thạch Bảo Khanh (Viettel) chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi thấy một bác sĩ áo xanh của đội HA Gia Lai chạy rất nhanh vào sân trước tiên khi em Khải bị gãy tay đau đớn trên sân. Chính BS Lâm là người đã lấy lại khớp cho Khải rồi cố định vết thương chuyển vào bệnh viện… Nói thật là chúng tôi rất cám ơn BS Lâm vì trận đấu này đội Viettel giờ chót không có bác sĩ đi cùng vì không may bị nhiễm COVID-19”.