vĐồng tin tức tài chính 365

Algospeak: Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI

2023-02-06 08:14

Để chiều lòng công nghệ kiểm duyệt nội dung tự động khắt khe của các mạng xã hội, người dùng không ngừng sáng tạo ra hệ thống "ngôn ngữ" riêng với sức sống mạnh mẽ.

"Algospeak" - ghép từ "algorithm" (thuật toán) và hậu tố "-speak" (cách sử dụng ngôn ngữ mang đặc trưng của một nhóm người) - là khái niệm không chính thống ám chỉ cách nói, cách viết và hệ thống từ vựng mà người dùng mạng xã hội sáng tạo ra trong nỗ lực vượt qua hệ thống kiểm duyệt nội dung tự động bằng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI). Một ví dụ dễ bắt gặp là thay thế những từ khóa có thể bị xem là nhạy cảm: "chết" viết thành "c.h.ế.t" hoặc dùng emoji đầu lâu, cốt để bài đăng không bị nền tảng hạn chế lượt tiếp cận.

Algospeak đã tồn tại từ lúc thuật toán kiểm duyệt ra đời và là hiện tượng không của riêng mạng xã hội nào, từ Facebook, Instagram, YouTube và mới đây nhất là TikTok - nơi người dùng chủ yếu thuộc thế hệ Gen Z đã đưa nghệ thuật algospeak lêG đỉnh cao mới với những biến hóa ảo diệu trong dụng ngôn.

Algospeak:  Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI - Ảnh 1.

Sử dụng thuật toán thay con người kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội ngày càng được các nền tảng tăng cường áp dụng, nhất là khi đại dịch tạo nên làn sóng người dùng mới đổ bộ Internet khiến việc quản lý bằng sức người gần như bất khả thi.

Không giống với các mạng xã hội khác, TikTok phân phối nội dung chủ yếu thông qua trang "dành cho bạn" (For You Page) được vận hành hoàn toàn bằng thuật toán để hiển thị các video mà nền tảng cho rằng người dùng quan tâm nhất. Đứng từ góc nhìn của người sáng tạo nội dung, điều này đồng nghĩa không có gì đảm bảo người theo dõi bạn sẽ thấy nội dung bạn làm ra, trừ khi thuật toán cho rằng nó phù hợp. Tránh làm phật lòng thuật toán do đó trở thành ưu tiên bậc nhất.

Khi dịch COVID-19 bùng phát và tin giả về căn bệnh đường hô hấp tràn lan trên mạng xã hội, TikTok dường như đã điều chỉnh thuật toán để giới hạn sự lan tỏa của các video có nhắc đến từ khóa liên quan như "covid" hay "pandemic" (đại dịch). Nền tảng hơn 1 tỉ người dùng không chính thức xác nhận điều này, nhưng ai cũng ngầm hiểu sử dụng các từ này là một trong những cách dễ nhất để video khó tiếp cận lượng lớn người dùng.

Algospeak:  Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI - Ảnh 2.

Nhưng ngứa miệng thì vẫn phải nói, và từ đó mà một loạt uyển ngữ algospeak ra đời: "panini" hay "panda express" là một vài ví dụ về cách gọi đại dịch của cộng đồng TikTok sử dụng tiếng Anh. Chẳng cần ai biên soạn thành từ điển hay quay video hướng dẫn sử dụng, chỉ cần một người dùng nhắc đến khái niệm mới trong ngữ cảnh dễ đoán thì gần như ngay lập tức nó trở thành một cách nói thông dụng mà ai cũng hiểu, như thể xưa nay từ vựng đó vốn đã mang nghĩa như vậy.

Tương tự, khi một người dùng thảo luận về cuộc chiến đấu với vấn đề sức khỏe tâm thần của bản thân, thay vì nhắc đến "tự tử" họ sẽ nói tránh đi bằng lối diễn tả lòng vòng "trở nên không còn sống" (unalive). Biểu tượng hoa hướng dương được dùng thay cho Ukraine khi nhắc đến cuộc xung đột đang diễn ra tại quốc gia này. Những người hành nghề mại dâm tự gọi mình là "kế toán viên" và sử dụng biểu tượng cảm xúc trái bắp - một lối chơi chữ vận dụng sự gần âm giữa "corn" (bắp) và "porn" (khiêu dâm). Thủ pháp nói lái cũng xuất hiện khi kêu gọi khán giả xem thêm liên kết ngoài trong phần giới thiệu ngắn của tài khoản ("blink in lio" thay vì "link in bio").

Algospeak:  Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI - Ảnh 3.

Algospeak không đơn thuần là cách tăng tương tác trên mạng xã hội mà đôi khi còn là kỹ năng sinh tồn trên Internet của các cộng đồng yếu thế. Năm 2017, khi các nhà quảng cáo rời bỏ YouTube vì lo ngại nội dung không an toàn, những người sáng tạo nội dung thuộc cộng đồng LGBTQ đã lên tiếng về việc các video của họ bỗng dưng bị tắt tính năng kiếm tiền - điều mà họ nghi ngờ là động thái kiểm duyệt những video có xuất hiện từ khóa "đồng tính" của YouTube nhằm trấn an đối tác quảng cáo, theo The Washington Post

Algospeak:  Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI - Ảnh 4.

"Có một lằn ranh mà chúng tôi phải tuân theo, một cuộc chiến không hồi kết giữa việc cố gắng truyền tải một thông điệp mà không trực tiếp nói ra thông điệp đó" - Sean Szolek-VanValkenburgh, một người sáng tạo nội dung với hơn 1,2 triệu người theo dõi trên TikTok, nói với The Washington Post

Kathryn Cross - một nhà sáng tạo nội dung 23 tuổi và là người sáng lập Anja Health, một công ty khởi nghiệp về dịch vụ sức khỏe - cho biết các video nói về sức khỏe phụ nữ, mang thai và chu kỳ kinh nguyệt trên TikTok cũng liên tục bị hạn chế lượt tiếp cận. Cô phải thay thế các từ như "tình dục", "kinh nguyệt" và "âm đạo" bằng các từ khác hoặc đánh vần chúng bằng emoji trong phần chú thích thay vì đề cập thẳng trong video. "Tôi cảm thấy làm vậy khiến bản thân trông có vẻ thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt là đối với nội dung được cho là nghiêm túc và mang tính y tế" - Cross nói.

Algospeak:  Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI - Ảnh 5.

Người da màu, người chuyển giới hay thành viên của các cộng đồng chịu thiệt thòi khác thường phải viện đến algospeak để thảo luận về những bất công mà họ phải đối mặt hằng ngày, thậm chí không dám nói ra các từ như "phân biệt chủng tộc" vì lo ngại bị thuật toán phát hiện. Thay vì thốt ra từ "da trắng", họ chỉ cần đưa lòng bàn tay về phía camera để ngầm truyền đạt khái niệm đó đến người xem.

"Thực tế là các công ty công nghệ đã sử dụng các công cụ tự động để kiểm duyệt nội dung trong một thời gian rất dài. Mặc dù được quảng bá là công nghệ học máy tinh vi, chúng thường chỉ là một danh sách các từ khóa mà họ cho là có vấn đề", theo Ángel Díaz - một giảng viên tại Trường Luật UCLA (Mỹ) chuyên nghiên cứu về công nghệ và phân biệt chủng tộc.

Algospeak:  Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI - Ảnh 6.
Algospeak:  Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI - Ảnh 7.
Algospeak:  Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI - Ảnh 8.

Chưa từng có công nghệ nào khiến những người lao động trình độ cao, được giáo dục bài bản mất việc hàng loạt. Liệu những chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) biết tạo nội dung như ChatGPT của Hãng OpenAI có là ngoại lệ?

Giới chuyên gia vẫn còn thận trọng trước câu hỏi này nhưng nếu hỏi chính ChatGPT, ta sẽ có câu trả lời chắc nịch: AI có thể làm giảm tỉ lệ có việc làm của người có trình độ đại học, vì "Khi công nghệ tiếp tục phát triển, nó sẽ có thể thực hiện các tác vụ mà trước đây được cho là đòi hỏi trình độ học vấn và kỹ năng cao. Điều này có thể dẫn đến sự dịch chuyển của người lao động trong một số ngành nhất định, khi các công ty tìm cách cắt giảm chi phí bằng cách tự động hóa các quy trình".

Đây là đoạn trích kết quả ChatGPT trả về khi cây bút Annie Lowrey của tạp chí The Atlantic ra yêu cầu: "viết một đoạn văn năm câu theo phong cách The Atlantic về việc AI có bắt đầu làm giảm việc làm của người có trình độ đại học trong năm năm tới hay không".

ChatGPT có khả năng tạo ra nội dung đa lĩnh vực một cách nhanh chóng. Từ khi OpenAI mở ChatGPT cho người dùng miễn phí vào tháng 11-2022, học sinh, sinh viên nhanh chóng nhờ cậy AI viết bài luận ở trường, các doanh nghiệp dùng nó để lo nội dung cho trang web, bài quảng cáo, đăng mạng xã hội, các luật sư thì để máy viết tóm tắt pháp lý.

Từ đây, không tránh khỏi lo ngại ChatGPT có thể chiếm mất việc làm của những người viết nội dung sáng tạo, nhà báo, nhân viên dịch vụ khách hàng, tiếp thị kỹ thuật số, lập trình viên... Đây là những nghề từng được cho là miễn nhiễm trước sự xâm lăng của robot, song với ChatGPT, sự an toàn này có thể sẽ chấm dứt.

Theo các chuyên gia công nghệ, một loạt các tác vụ vốn không thể tự động hóa giờ đây đã có thể được AI xử gọn. David Autor, giáo sư MIT, giải thích: trước đây con người đặt ra quy trình từng bước và máy móc chỉ làm theo, nó không tự học hoặc tự tùy biến, còn bây giờ ChatGPT và những AI tương tự có thể tự học và cải thiện. Điều này "hứa hẹn sẽ gây bất ổn cho hàng loạt công việc cổ cồn trắng, bất kể AI có lấy mất việc làm hay không" - Autor nói với tác giả Lowrey.

Nhân viên của BuzzFeed có thể là những người biết được chuyện này sẽ thành bại ra sao đầu tiên, khi công ty truyền thông và giải trí này hồi tháng 1 tuyên bố sẽ sử dụng một công nghệ AI khác của OpenAI để tạo các bài trắc nghiệm vui và "những hình thức nội dung mới" trên nền tảng của mình.

Algospeak:  Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI - Ảnh 9.

Trước khi mở rộng nội dung sang tin tức, talk show, trong giai đoạn đầu (2014-2019), BuzzFeed nổi tiếng là nơi để chơi các trắc nghiệm như "hãy cho tôi biết vị kem yêu thích của bạn, tôi sẽ cho bạn biết bạn là công chúa Disney nào". Trong năm nay, AI sẽ tham gia vào quá trình tạo những bài trắc nghiệm vui như thế để "tăng trải nghiệm người dùng và giúp công ty tiết kiệm chi phí", theo thông báo mà nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành Jonah Peretti gửi cho nhân viên hôm 25-1.

Một người phát ngôn của BuzzFeed sau đó nói rõ với trang Insider rằng công cụ AI này sẽ không tạo ra toàn bộ bài trắc nghiệm; đội ngũ BuzzFeed vẫn sẽ soạn các câu hỏi, và AI sẽ chỉ được dùng để tạo ra vô số các cách trả lời khả dĩ.

Tuy vậy, thông tin này vẫn gây cảm xúc lẫn lộn với nhân viên BuzzFeed. Một nhân viên hợp đồng nói với Insider cô "cực kỳ thất vọng nhưng không ngạc nhiên" trước nước đi này, vì lãnh đạo công ty trước đó đã sa thải đến 12% đội ngũ nhân viên. Người này nói không sợ AI sẽ "cướp trắng" công ăn việc làm của mình, nhưng chỉ lo độc giả sẽ xa rời BuzzFeed khi biết các bản tin, câu đố là do máy viết. Một nhân viên cơ hữu của BuzzFeed cũng cho biết cái giá phải trả là chất lượng nội dung chứ không phải việc làm.

Nói gì thì nói, đây không phải lần đầu tiên nhân loại đứng trước lo sợ một bước tiến khoa học kỹ thuật có thể gây xáo trộn trong đời sống. Lịch sử đã cho chúng ta nhiều bài học tham khảo về máy dệt, xe hơi, Internet, điện thoại thông minh. Ngay lúc này, những người làm nghề viết lách sáng tạo hay bàn giấy vẫn có thể lạc quan rằng ChatGPT hay một AI có tài năng tương tự sẽ chưa thể thay thế họ hoàn toàn.

Sau đoạn mở đầu năm dòng nêu ở đầu bài, Lowrey hoàn toàn có thể kêu ChatGPT viết nốt cả bài, nhưng thứ AI này không thể làm được là đi phỏng vấn chuyên gia, lấy ý kiến của những người có liên quan hoặc đưa ra các nhận định của chính nó. ChatGPT chỉ tạo ra nội dung từ những gì có sẵn, đã được đăng tải trên Internet - nó không có hiểu biết hay thẩm quyền với những gì đã viết, không có khả năng đọc lại bản thảo và chỉnh sửa, không thể đánh giá được đâu là ý tưởng mới hay thú vị.

Sự xuất hiện của ChatGPT, một "cây bút" có khả năng sản xuất tin bài nhanh nhưng hời hợt, sẽ chỉ làm báo chí thực thụ, do con người viết ra, có giá trị hơn. AI có thể viết biên bản hội nghị, gạch đầu dòng các ý chính và con người sẽ viết bài chuyên sâu từ những dữ kiện đó. "Bằng nhiều cách, AI sẽ giúp chúng ta sử dụng chuyên môn của mình tốt hơn" - Lowrey kết luận.

Algospeak:  Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI - Ảnh 10.

Hai nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin đã "rửa tay gác kiếm" từ năm 2019 khi họ chuyển giao việc điều hành tập đoàn này cho Sundar Pichai. Thế nhưng tháng trước, Pichai phải cầu cứu đến hai nhà sáng lập này, bắt họ họp mấy cuộc liền để bàn cách đối phó với ChatGPT, vì AI này đang đe dọa sự tồn vong của bộ máy tìm kiếm Google, theo thông tin nội bộ do The New York Times tiết lộ.

Đáng chú ý, ngay trong phần nhận xét của độc giả bên dưới bài viết trên The New York Times, một người nói đại ý lẽ ra Page và Brin (cả hai đều còn chân trong hội đồng quản trị và vẫn nắm giữ số cổ phần chi phối) phải chấn chỉnh Google từ lâu bởi hiện nay tìm thông tin trên Google thì năm kết quả đầu là quảng cáo, mấy kết quả tiếp theo là do can thiệp vào thuật toán kiểu SEO nên chất lượng cũng rất kém, sau đó kết quả từ YouTube cũng dính đến quảng cáo nữa. Người này nói nếu ChatGPT mà thay chân Google giúp việc tìm kiếm thông tin tốt hơn thì họ càng mừng vì không chịu nổi Google nữa.

Phải nói sự xuất hiện của ChatGPT và công nghệ tìm kiếm dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI) là một cú sốc đối với Google. Có thể hình dung Google rót nhiều tiền và công sức nghiên cứu AI và các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT nhưng yên chí tin rằng chưa ai vội vàng tung nó ra cho công chúng dùng thử. Nay ChatGPT thu hút cả trăm triệu người dùng, có thể tự cải thiện dựa trên tương tác với hàng triệu lượt người sử dụng nó hằng ngày, chắc chắn ChatGPT sẽ là một đối thủ có tiềm năng phá vỡ thế gần như độc tôn của Google trong thế giới tìm kiếm.

Algospeak:  Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI - Ảnh 11.

Thật ra, Google cũng có nhiều đồ chơi còn tinh vi hơn các đối thủ - năm nay họ dự kiến trình làng 20 dự án và sản phẩm mới liên quan đến AI. Theo hãng này, điều làm họ e ngại không muốn sớm đưa chúng ra với công chúng vì hiện nay các AI vẫn còn nhiều lỗi, đặc biệt là sản xuất thông tin sai, thái độ mang định kiến, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc… 

Ngoài ra, là một công ty lớn, Google chịu nhiều áp lực hơn đối với các vấn đề bản quyền, sự riêng tư và cáo buộc lạm dụng vị thế độc quyền. Các sản phẩm AI của họ phải có bộ lọc sao cho câu trả lời không vi phạm bản quyền, ngăn AI chia sẻ thông tin riêng tư của người dùng, đặc biệt là tránh các cáo buộc lan truyền thông tin sai lạc.

Điều hai nhà sáng lập phải giúp lãnh đạo Google giải quyết là xác định lại mức độ chấp nhận rủi ro khi đưa ra sản phẩm mới. Với ChatGPT, Hãng OpenAI phải thuê lao động giá rẻ tận Kenya để rà soát dán nhãn cho các thông tin được xem là độc hại hay có thiên kiến. Đây là công việc nhàm chán, cần nhiều nhân công và sự kiên nhẫn. Nếu Google chậm đầu tư vào khâu này, họ sẽ tụt hậu so với OpenAI và các nơi khác.

Kết quả của việc cầu viện "lão tướng" Page và Brin có lẽ sẽ là hàng loạt sản phẩm mà Google sớm đưa ra, kể cả việc giới thiệu một ứng dụng tìm kiếm dựa vào hình thức hỏi đáp như ChatGPT. Hiện nay đã có những trang web cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin dưới dạng hỏi đáp như You.com hay Perplexity.ai đang dần hút khách của Google.

Tuy nhiên, rốt cuộc vấn đề lớn nhất của Google khi "kêu cứu" Larry Page và Sergey Brin có lẽ là tìm mô hình kinh doanh mới. Dịch vụ tìm kiếm thông tin của họ hiện đang làm ra 149 tỉ USD tiền quảng cáo mỗi năm. Dù người dùng chê trách, họ không thể không đẩy các kết quả tìm kiếm có trả tiền lên đầu trang bởi đó là nồi cơm của họ. Nay dùng AI hỏi gì đáp nấy, lấy đâu chỗ để quảng cáo thu tiền?

Algospeak:  Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI - Ảnh 12.
HOA KIM - TỊNH ANH - NGUYỄN VŨ
VÕ TÂN

Xem thêm: mth.52012226120203202-ia-gnol-auv-ohc-ion-am-iol-aul-kaepsogla/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Algospeak: Lựa lời mà nói cho vừa lòng... AI”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools