Cuối năm 2022 có thông tin 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền là 3.312 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân, với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm. Thế nhưng chờ mãi chưa thấy lãi suất giảm.
Tăng chóng mặt
Chị N.M.Ng. (Đông Anh, Hà Nội) cho biết rất ngỡ ngàng khi khoản tiền trả lãi vay và nợ gốc ngân hàng trong tháng 1 vừa qua tăng mạnh, lên 9,4 triệu đồng/tháng thay vì 8,2 triệu đồng/tháng như năm 2022. Thắc mắc, chị được nhân viên ngân hàng giải thích: từ năm nay, khoản vay 900 triệu đồng mua nhà của chị đã hết thời gian ưu đãi lãi suất. Nên từ tháng 1, lãi suất cho vay tăng lên 13,5%/năm thay vì 8,9%/năm.
"Lãi vay tăng lên quá cao. Trong khi đó, thu nhập của người lao động giảm, tôi không biết sẽ xoay xở bằng cách nào" - chị N.M.Ng. thở dài.
Tương tự, anh Phan Duy (TP Thủ Đức, TP.HCM) vay ngân hàng hơn 1 tỉ đồng để kinh doanh. Trước anh chỉ phải trả lãi 9,9 triệu đồng/tháng nhưng từ cuối năm 2022 đến nay, khoản lãi phải trả hằng tháng lên hơn 10 triệu đồng rồi 11 triệu đồng/tháng. Tháng gần nhất anh phải trả 13,85 triệu đồng, tức tăng đến gần 40% so với ban đầu.
Anh cũng cho biết dù vay theo dạng kinh doanh nhưng mức lãi suất đã lên đến 13,2%/năm và chưa biết sẽ còn tăng đến khi nào. Nhiều người vay cũng cho hay rất lo khi tiền lãi ngân hàng phải trả không ngừng tăng trong khi khả năng chịu đựng có giới hạn.
Doanh nghiệp cũng "khóc"
Với các doanh nghiệp, tình hình cũng không khá hơn.
Ông T.V.K., phó giám đốc phụ trách tài chính một công ty chuyên sản xuất thức ăn gia súc trụ sở ở Hưng Yên, cho hay doanh nghiệp của ông có khoản vay sẽ giải ngân vào giữa tháng 2 này. Lãi suất cho vay được ngân hàng báo là 11,7%/năm, kỳ hạn 6 tháng. Giá nhiều loại nguyên liệu giữ ở mức cao, đầu ra khó khăn khiến ông rất đắn đo vì tỉ suất lợi nhuận hiện khó kham mức lãi suất này.
Giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM cho hay cuối năm 2022 có thông tin 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền là 3.312 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân, với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm. Thế nhưng chờ mãi chưa thấy giảm.
"Đầu năm mới chúng tôi rất mong muốn lãi suất cho vay giảm để tính toán chuyện làm ăn. Nhưng bao giờ lãi suất mới giảm khi ngân hàng còn đua lãi suất huy động như hiện nay?", vị giám đốc này đặt câu hỏi.
Vì sao lãi suất cho vay tăng cao?
Giải thích về việc lãi vay tăng cao, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có hội sở tại Hà Nội cho biết mức lãi suất huy động hiện nay dao động quanh mức 9 - 9,5%/năm. Nên mức lãi suất cho vay sẽ cao hơn lãi suất huy động 2,5 - 4,5%/năm tùy theo mục đích sử dụng vốn vay, đối tượng khách hàng... Nếu khách hàng tốt, vay sản xuất kinh doanh và có tài sản đảm bảo... thì lãi vay chỉ 11 - 12%/năm.
Còn với khoản vay cá nhân vay tiêu dùng như mua nhà, mua ô tô... lãi suất cho vay khoảng 13 - 15%/năm tùy từng ngân hàng và thời hạn vay. Nếu vay ngắn hạn dưới 6 tháng thì lãi suất thấp, dài hạn thì 13 - 15%/năm.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, dù Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các thành viên đồng thuận mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm nhưng trên thực tế lãi suất huy động cao hơn nhiều so với con số công bố trên website nếu khách hàng gửi số tiền lớn với kỳ hạn trên 6 tháng.
Cách phổ biến là ngân hàng tách khoản tiền gửi thành hai sổ tiết kiệm. Theo đó, một sổ tiết kiệm sẽ theo lãi suất niêm yết và một sổ là ngân hàng sẽ ứng trước lãi suất cuối kỳ, cộng gộp cả hai khoản thì sẽ ra được mức thỏa thuận giữa người gửi và ngân hàng, dao động từ 10,5 - 12%/năm, tùy số tiền và ngân hàng gửi. Lãi suất đầu vào cao khiến lãi suất cho vay không thể giảm.
Ngân hàng Nhà nước họp khẩn về tín dụng bất động sản
Dự kiến tuần này Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về tình hình vốn cho thị trường bất động sản với sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và tổng giám đốc các tổ chức tín dụng... nhằm ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan để Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định khó khăn của thị trường bất động sản là nút thắt cần sớm giải quyết. Thủ tướng "chốt" trong tháng 2 phải tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Ngân hàng cần chia sẻ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một doanh nghiệp tại TP.HCM cho rằng cần thêm tác động từ cơ quan quản lý để lãi suất cho vay hạ nhiệt nhanh hơn. Năm 2022, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đều hiệu quả. Lợi nhuận đó đến từ khách hàng nên việc tiết giảm chi phí, hy sinh lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay phải được tính đến càng nhanh càng tốt - vị này nói.
Ngân hàng lớn phải mở đầu xu hướng giảm lãi suất
Thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục có động thái tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Chỉ trong ba phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán 2023, NHNN đã bơm ròng cho các ngân hàng 31.733 tỉ đồng và không thực hiện bất kỳ giao dịch bán tín phiếu nào để hút tiền về.
Thanh khoản thị trường đã bớt căng, room tín dụng năm 2023 cũng đã mở ra với định hướng 14-15% và sẽ có điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên vướng mắc hiện nay là ở lãi suất cho vay quá cao.
Theo các chuyên gia, với mức lãi suất cho vay như hiện nay rất khó khuyến khích vay sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhìn nhận thực tế này, ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho rằng việc ổn định lãi suất cho vay được kỳ vọng ở các ngân hàng lớn, nhất là các ngân hàng có vốn nhà nước khi họ có lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng cao 30-40%.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho rằng từ những diễn biến trên thị trường có thể nhìn thấy rằng lãi suất đã đạt đỉnh, lãi suất toàn thị trường sẽ giảm trong thời gian tới. Hiện các tổ chức nước ngoài liên tục chào các ngân hàng Việt Nam các khoản vay lớn với lãi suất giảm rất mạnh so với hai tháng trước. Chính yếu tố này sẽ khiến các ngân hàng không còn huy động từ dân cư bằng mọi giá như trước.
Hiện nay một số ngân hàng còn neo lãi suất huy động ở mức cao hoặc "đi đêm" thỏa thuận thêm lãi suất là để giải quyết các nhu cầu trước mắt cũng như đáp ứng các chỉ tiêu theo yêu cầu của NHNN.
"Việc nâng lãi suất huy động lẫn cho vay lên mức cao như hiện nay về lâu dài gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và là gánh nặng trong tương lai, chẳng khác gì "uống thuốc độc" để giải khát. Vì chạy đua lãi suất ở kỳ hạn dài, chẳng hạn 15 tháng, mà trong vài tháng nữa lãi suất đi xuống thì chính ngân hàng cũng... chết vì lãi suất. Do vậy lãi suất cho vay sẽ phải kéo giảm chứ không thể duy trì mức như hiện nay. Ngân hàng cũng chịu áp lực cạnh tranh vì nếu duy trì lãi suất cao thì doanh nghiệp, người dân sẽ không dám vay", vị tổng giám đốc này nói.
Nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chia bằng cổ phiếu.
Xem thêm: mth.67095708060203202-hnaod-hnik-taux-nas-ohc-yav-ial-maig-mos/nv.ertiout